Gần đây, trong các đợt kiểm tra về thực hiện chính sách “tam nông” ở một số huyện trên địa bàn tỉnh, đa số địa phương đều báo cáo đã tổ chức đào tạo nghề cho nhiều lao động nông thôn.
Gần đây, trong các đợt kiểm tra về thực hiện chính sách “tam nông” ở một số huyện trên địa bàn tỉnh, đa số địa phương đều báo cáo đã tổ chức đào tạo nghề cho nhiều lao động nông thôn. Thế nhưng, khi lãnh đạo tỉnh hỏi trong số các lao động nông thôn được đào tạo nghề thì có bao nhiêu người chuyển nghề hoặc làm nghề mình đã học thì hầu hết các địa phương lại không trả lời được! Lý do là các địa phương mới chỉ quan tâm vận động nông dân tham gia học nghề, còn học xong họ có thực sự cần nghề đó để mưu sinh hay không thì chưa có thể tổng hợp để điều chỉnh công tác đào tạo nghề cho phù hợp. Chính vì thế mà hàng năm tỉnh tốn nhiều tỷ đồng cho đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng hiệu quả lại không cao.
Thực tế có những lớp dạy nghề cho lao động nông thôn nhưng người đi học mục đích không phải để có một nghề để chuyển đổi mà đi học chỉ để nhận tiền hỗ trợ hàng ngày. Do đó, lao động cần học nghề có khi không được học, còn người không cần học nghề lại đi học. Ngoài vấn đề lao động nông thôn học nghề không đúng đối tượng, việc dạy nghề hiện tại chưa thực sự phù hợp, việc địa phương phối hợp với các trung tâm mở lớp dạy nghề chưa theo đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Để đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự hiệu quả, các địa phương cần phải quy hoạch ngành nghề nông thôn. Trong đó, từng xã lập rõ quy hoạch những lao động làm nông nghiệp và những lao động có khả năng chuyển đổi sang làm các ngành nghề khác cho phù hợp. Sau đó mới tiến hành đào tạo nghề cho lao động nông thôn phân làm 4 nhóm: đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp; đào tạo nghề cho lao động thủ công, dịch vụ; đào tạo nghề cho lao động đi làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp và đào tạo nghề để xuất khẩu lao động. Nếu quy hoạch, phân định rõ ràng những đối tượng cần đào tạo theo 4 nhóm trên, việc đào tạo nghề sẽ phù hợp với những người thực sự có nhu cầu. Như vậy, hiệu quả của đào tạo nghề thực sự đem lại kết quả cao như mục đích Chính phủ, tỉnh đề ra.
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện đang là vấn đề được Chính phủ cũng như tỉnh rất quan tâm. Vì công tác này có làm tốt thì cuộc sống của người dân vùng nông thôn mới thay đổi và được nâng lên.
Người Nông Thôn