Báo Đồng Nai điện tử
En

Vận chuyển bauxite qua Đồng Nai bằng xe gì?

10:09, 05/09/2011

Mới đây, Khu quản lý đường bộ VII đã tổ chức cuộc họp nhằm tiến hành khảo sát, lập phương án nâng cấp cầu và đường trên quốc lộ (QL) 20 phục vụ việc vận chuyển bauxite. Tuy nhiên, tại cuộc họp này, việc nâng cấp đường tỉnh (ĐT) 769, nơi dự kiến xe chuyên chở bauxite cũng sẽ đi qua lại không hề được đề cập đến !

Mới đây, Khu quản lý đường bộ VII đã tổ chức cuộc họp nhằm tiến hành khảo sát, lập phương án nâng cấp cầu và đường trên quốc lộ (QL) 20 phục vụ việc vận chuyển bauxite. Tuy nhiên, tại cuộc họp này, việc nâng cấp đường tỉnh (ĐT) 769, nơi dự kiến xe chuyên chở bauxite cũng sẽ đi qua lại không hề được đề cập đến !

Theo lãnh đạo Khu quản lý đường bộ VII, yêu cầu của Tổng cục đường bộ Việt Nam là phải nâng cấp ngay cầu, đường, đoạn từ Bảo Lộc đến ngã tư Dầu Giây (QL20) dài 125km. Trong đó, trọng tâm là gia cường ngay hai cầu Gia Đức và La Ngà trên tuyến này để phục vụ việc vận chuyển bauxite bằng xe 40 tấn từ Lâm Đồng về Cảng Gò Dầu (Long Thành) trong thời gian sắp tới.

 * Có hai loại xe vận chuyển bauxite?

Sau khi Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) Đinh La Thăng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai (ngày 13-8), Bộ đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án vận chuyển bauxite bằng xe trọng tải 25 tấn, không phải xe 40 tấn như kế hoạch ban đầu của Tập đoàn Công nghiệp than -khoáng sản Việt Nam (TKV).

Cầu La Ngà hiện có tải trọng 25 tấn.                                                                   Ảnh: T. NGUYÊN
Cầu La Ngà hiện có tải trọng 25 tấn. Ảnh: T. NGUYÊN

 

Quan điểm của Bộ GTVT cho thấy, vấn đề bảo đảm an toàn cho người đi đường và dân cư dọc theo các tuyến đường xe chở bauxite là trên hết. Bởi những xe “siêu trường, siêu trọng” vượt quá khả năng chịu tải của cầu, đường khi vận chuyển bauxite đi qua sẽ là mối nguy hiểm chực chờ cho các phương tiện lưu thông. Trong đó, tình trạng QL20 xây dựng từ năm 1973 nay đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt trên tuyến đường có cầu Gia Đức (chịu tải 30 tấn) và La Ngà (25 tấn) không đảm bảo cho xe 40 tấn qua lại là điều đã thấy rõ. Thế nhưng, trong khi Bộ đề xuất Thủ tướng phương án sử dụng xe 25 tấn, thì Tổng cục đường bộ lại có kế hoạch nâng cấp cầu, đường trên QL20 để đáp ứng yêu cầu cho xe trọng tải 40 tấn! Tuy nhiên, tại cuộc họp nêu trên, khu quản lý đường bộ VII khẳng định cơ quan chức năng chỉ cấp giấy phép lưu hành cho đoàn xe vận chuyển bauxite tải trọng 40 tấn, sau khi đã hoàn thành việc gia cường và có báo cáo kết quả kiểm định chất lượng.

Như vậy đến nay, việc vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu bằng xe 25 tấn hay 40 tấn vẫn chưa ngã ngũ, vì Bộ nói một đằng còn “ý tứ “ của Tổng cục làm một nẻo (?!).

* “Quên” đường tỉnh 769?

Thông báo số 209/TB-VPCP ngày 23-7-2010 của Văn phòng Chính phủ cho biết, tại cuộc họp bàn về cơ chế đầu tư xây dựng cảng Kê Gà và tuyến đường bộ phục vụ phát triển ngành công nghiệp nhôm của 2 dự án tổ hợp bauxite - nhôm (Lâm Đồng) và alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thống nhất phương án TKV chịu trách nhiệm ứng trước phần kinh phí nâng cấp các tuyến đường xe vận chuyển bauxite đi qua, trong đó có ĐT 769 (từ Dầu Giây đến QL51 dài 33,5km). Tuy nhiên, khu quản lý đường bộ VII lại khẳng định các tuyến tỉnh lộ dự kiến xe chở bauxite đi qua không thuộc phạm vi quản lý của đơn vị! Ngoài ra, văn bản chỉ đạo của Tổng cục đường bộ Việt Nam cũng không giao cho đơn vị thực hiện nâng cấp tuyến tỉnh lộ này.

- Báo cáo của TKV cho biết, trong tháng 9, Nhà máy Bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) sẽ đi vào vận hành. Theo tính toán, những tháng còn lại của năm 2011, công suất của nhà máy Tân Rai đạt khoảng 30% nên việc vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về Cảng Gò Dầu sẽ không nhiều. Dự kiến trong năm 2012, công suất đạt khoảng 450 ngàn tấn và sẽ hoạt động hết công suất vào năm 2013 (1,2 triệu tấn). Nếu sử dụng xe 25 tấn để vận chuyển bauxite thì tổng số chuyến khoảng 311 xe cả đi và về/ngày đêm; còn sử dụng xe 40 tấn thì khoảng 140 chuyến, trung bình từ 10 - 20 phút có một chuyến xe chở bauxite khởi hành thì mỗi xe chạy cách nhau chừng 4km.

 - Thiết kế của xe 40 tấn (dự kiến vận chuyển bauxite qua địa bàn Đồng Nai) có dàn kéo 15 tấn, bao gồm đầu kéo và trọng lượng trục, hàng hóa chở 25 tấn/chuyến. Kích thước mỗi xe dài 18m, ngang 2,5m. Trong khi đó, QL20 mỗi ngày có khoảng trên 24 ngàn phương tiện lưu thông (chưa tính các ngày lễ); QL51: 66 ngàn xe. Riêng ĐT 769 là đường cấp VI, đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng mỗi ngày cũng có hàng ngàn xe qua lại...

 

Thế nhưng, Bộ GTVT khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ có nêu rõ: TKV và Bộ đã thống nhất phương án vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu bằng xe tải trọng 25 tấn. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai ngay dự án sửa chữa, cải tạo tuyến ĐT 725 (Lâm Đồng), ĐT 769 (Đồng Nai) và yêu cầu TKV ứng vốn cho hai địa phương tiến hành thực hiện.

Tháng trước, trong lần làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, ông Dương Văn Hòa, Phó tổng giám đốc TKV, cho rằng nếu Chính phủ chỉ đạo ứng vốn để nâng cấp cầu, đường mà xe chở bauxite đi qua thì TKV phải chấp hành. Nhưng TKV là tập đoàn kinh tế, mọi hoạt động tài chính phải trên cơ sở luật pháp quy định. Do đó, một khi ứng vốn thì đơn vị nào là chủ đầu tư, doanh nghiệp nào thi công và bao lâu mới hoàn vốn, tập đoàn phải tính toán, cân nhắc kỹ. Gần đây nhất, ngày 24-8-2011, ông Hòa còn tuyên bố với báo chí: “TKV sẽ không ứng vốn cho việc nâng cấp cải tạo các tuyến đường tỉnh. Bởi  số đầu xe phục vụ chuyên chở bauxite của TKV chỉ chiếm chừng 1-2% trọng tải xe lưu thông trên các tuyến này. Vì vậy, không thể bắt TKV bỏ tiền để nâng cấp những con đường phục vụ chung toàn xã hội…”.

Tạ Nguyên

  

Tin xem nhiều