Chăn nuôi heo hiện nay được xem có khá nhiều rủi ro do dịch bệnh gây ra. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) luôn biến động tăng cao, khiến người chăn nuôi phải đưa lên “bàn cân” tính toán lại.
Sản xuất thức ăn gia súc của một DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Trảng Bom - Đồng Nai. Ảnh: V.LÂM |
Chăn nuôi heo hiện nay được xem có khá nhiều rủi ro do dịch bệnh gây ra. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) luôn biến động tăng cao, khiến người chăn nuôi phải đưa lên “bàn cân” tính toán lại.
Phần lớn chi phí cho chăn nuôi heo thuộc về thức ăn. Giá thức ăn càng cao, đồng nghĩa với lợi nhuận của người chăn nuôi càng giảm. Chính vì vậy, việc chọn lựa loại cám nào cho phù hợp để hiệu quả kinh tế đạt cao nhất cũng đang được người chăn nuôi nhắm đến.
* Lời ít hay nhiều tùy thuộc vào cám
Ông Phạm Công Cường ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất nuôi 500 con heo thịt và 50 con heo nái cho biết, qua thử nghiệm 2 loại thức ăn chăn nuôi là cám nội do các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất và cám ngoại do DN có vốn nước ngoài sản xuất thì có sự chênh lệch về hiệu quả kinh tế khá lớn. Mỗi con heo thịt nuôi từ khi sinh ra đến lúc xuất chuồng (100kg) tiêu tốn lượng thức ăn trên dưới 220kg. Khi sử dụng cám ngoại để chăn nuôi tốn khoảng 2,6 triệu đồng/con heo, còn dùng cám nội chỉ tốn gần 2,3 triệu đồng. Với giá heo hơi 55 ngàn đồng/kg như hiện nay, mỗi tạ heo nuôi bằng cám ngoại sau khi trừ các khoản chi phí (như: tiền cám, giống và thuốc), ông Cường còn lãi được 1,1 triệu đồng, còn sử dụng cám nội mức lãi lên đến gần 1,4 triệu đồng.
Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam: “Người chăn nuôi được xem là trung tâm trong chuỗi tạo ra sản phẩm thịt, nhưng hoàn toàn bị “tước mất” quyền quyết định! Hiện nay giá cám, con giống tăng hay giảm cũng như giá bán sản phẩm đầu ra cao hay thấp thì người chăn nuôi hoàn toàn không có quyền gì trong việc định đoạt này. |
Ông Cường tâm sự: “Trước đây tôi hoàn toàn dùng cám ngoại để chăn nuôi, nhưng từ khi dịch heo tai xanh bùng phát mạnh thấy việc chăn nuôi rủi ro cao nên chuyển sang mua cám nội cho heo ăn. Lúc đầu cũng chỉ nghĩ để bớt chi phí đầu tư vì giá cám nội rẻ hơn cám ngoại khoảng 1.500 đồng/kg. Mỗi tháng trại heo của tôi dùng tới 30 tấn cám, tính ra số tiền chênh lệch giá khoảng 45 triệu đồng. Nhưng khi theo dõi kỹ tôi lại thấy dùng cám nội có lãi hơn so với cám ngoại nên sử dụng luôn cho đến nay”. Điều bất ngờ đó cũng được một chủ trại heo lớn ở xã Gia Tân 1 cho hay, khi sử dụng cám nội để chăn nuôi thấy tỷ lệ hao hụt đầu con ít hơn hẳn.
Không chỉ những trại heo lớn sử dụng cám nội đạt được hiệu quả khá tốt, mà ngay cả những trại heo nhỏ cũng cho biết chăn nuôi bằng cám nội tính ra vẫn có lợi hơn cám ngoại. Ông Võ Kim Khôi, chủ trại heo 100 con ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất cho hay, mỗi tạ heo hiện nay ông nuôi bằng cám nội lãi cao hơn so với cám ngoại gần 100 ngàn đồng. Theo ông, sở dĩ có sự chênh lệch là do giá cám ngoại cao hơn nên đẩy giá thành chăn nuôi lên cao. “Là người chăn nuôi nhỏ, chủ yếu lấy công làm lời nên tôi phải thử nhiều loại cám để xem loại nào có lãi nhất thì sử dụng. Tôi không lấy việc heo tăng trọng nhanh để quyết định việc sử dụng cám mà phải là lãi thực tế” - ông Khôi nói.
Cũng theo ông Khôi, nuôi heo bằng cám ngoại có thời gian xuất chuồng nhanh hơn khoảng 10 ngày, đây cũng chính là lý do mà nhiều người thích sử dụng cho dù chi phí chăn nuôi tăng cao.
* Lấy công làm lời
Ông Phạm Công Cường nuôi heo bằng cám nội, mỗi tháng tiết kiệm được 45 triệu đồng. Ảnh: K.Giới |
Phân tích của một giám đốc DN vừa đầu tư chăn nuôi vừa sản xuất cám cho rằng: trình độ kỹ thuật, điều kiện chăn nuôi và con giống là ba yếu tố quyết định việc người chăn nuôi chọn lựa loại thức ăn nào cho phù hợp để mang lại hiệu quả cao nhất. Theo ông giám đốc này, nhiều trại heo hiện nay kỹ thuật chăn nuôi chỉ ở mức bình thường, chuồng trại không phải là hiện đại, giống heo thì tự tạo ra nhưng lại sử dụng loại cám cao cấp để chăn nuôi. Như vậy, tỷ lệ chuyển hóa từ thức ăn sang thịt không đạt cao, trong khi chi phí tăng hơn nhiều so với loại cám bình thường. “Như tôi biết, hầu hết các DN sản xuất cám trong nước chủ yếu nhắm vào đối tượng chăn nuôi phổ thông. Chính vì vậy, sản phẩm của họ có giá thành thấp hơn so với cám ngoại. Người chăn nuôi ít có thói quen ghi chép nên không so sánh được hiệu quả cuối cùng của việc sử dụng các loại TĂCN với nhau” - vị giám đốc này chia sẻ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận khâu tiếp thị, quảng cáo sản phẩm đến người chăn nuôi thì DN trong nước thua kém xa DN có vốn nước ngoài.
Đầu tư TĂCN không phù hợp làm tăng chi phí và mang lại hiệu quả thấp hơn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều trại chăn nuôi gặp khó khăn khi giá heo giảm, còn giá cám cứ tăng. Hiện nay, không ít trại heo lớn vẫn sử dụng phương án lấy công làm lời như tự trộn cám theo công thức hướng dẫn của các nhà sản xuất TĂCN để hạ giá thành và tận dụng khí biogas từ phân heo để phát điện cho trại nhằm hạn chế rủi ro thua lỗ.
Cục Thuế Đồng Nai cho biết, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất con giống và chế biến TĂCN trên địa bàn tỉnh đều có mức lợi nhuận khá cao. Năm 2010 có những DN FDI lợi nhuận lên đến trên 400 tỷ đồng. Trong khi đó DN lớn trong nước về sản xuất TĂCN chỉ lãi được hơn 50 tỷ đồng. |
Khắc Giới