Từ Bình Dương, ông Nguyễn Văn Cao đến xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc lập nghiệp nhiều năm qua. Khi đặt chân đến vùng đất mới, với 4 hécta đất, ông Cao tiến hành trồng điều.
Từ Bình Dương, ông Nguyễn Văn Cao đến xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc lập nghiệp nhiều năm qua. Khi đặt chân đến vùng đất mới, với 4 hécta đất, ông Cao tiến hành trồng điều. Nhưng do đây là vùng đất xám pha cát, nên cây điều phát triển kém, năng suất không cao. Sau quá trình tìm hiểu kỹ thuật sản xuất trên internet, ông Cao đầu tư trồng bắp trong mùa mưa, sau đó chuyển toàn bộ diện tích sang trồng bầu đất. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, từ khâu làm đất đến việc sử dụng tro bếp và phân chuồng hoai mục một cách hợp lý nên ông Cao đã thành công với loại cây trồng này. Thời gian qua, mỗi năm ông Cao thu nhập khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư. Từ đó, tên gọi ông Cao “bầu đất” đã được nhiều người trong vùng biết đến.
Ông Cao (bên phải) bán bầu đất cho thương nhân. (Ảnh: L.Tùng)
Theo kinh nghiệm của ông Cao, để cây bầu phát triển tốt thì việc quan trọng là phải bón lót 3 tấn phân chuồng hoai mục ngay từ khâu làm đất cho mỗi hécta, chi phí này tốn khoảng 5 triệu đồng/hécta. Giai đoạn cây bầu lên 2 lá mầm, bón thêm từ 5 - 10kg phân DAP/hécta; tiếp đến sau 20 ngày bón 3 bao NPK; 3 tháng sau bón thêm 1 bao NPK. Nhờ vậy, mỗi vụ thu hoạch ông Cao lãi trên 40 triệu đồng/hécta. Ông cho biết, nếu giá bầu xuống thấp, nông dân vẫn có lời vì đầu tư phân bón ít, nhưng nếu áp dụng đúng kỹ thuật thì năng suất sẽ đạt cao.
Không chỉ giỏi trong nghề trồng bầu đất, ông Cao còn khá “mát tay” với việc nuôi nhím. Trong những năm gần đây, với 30 cặp nhím bố mẹ, ông Cao đã cung cấp cho thị trường khá nhiều nhím giống. Một cặp nhím con hiện có giá 5 triệu đồng; nhím thịt giá 350 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông Cao thu về vài chục triệu đồng. Ông Cao cho biết, nhím rất dễ nuôi, hầu như không bị bệnh và ăn đủ các loại củ, quả, rau xanh. Đây là nguồn thức ăn dồi dào mà nông dân có thể tận dụng hoặc mua với giá rẻ. Nhím cái nuôi được 1 năm sẽ bắt đầu sinh sản. Từ năm thứ 2, nhím mẹ đẻ được từ 2 đến 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 2-3 con.
Không chỉ là một nông dân luôn gắn bó với ruộng vườn, ông Cao còn biết ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống để phát triển kinh tế gia đình. Với mô hình trồng rau màu, kết hợp nuôi nhím và ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả, ông Cao đã làm giàu ngay trên mảnh đất của mình đang sinh sống.
Lê Tùng