Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều công trình thủy lợi không phát huy hiệu quả

09:09, 21/09/2011

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 123 công trình thủy lợi (CTTL) đang hoạt động, phục vụ tưới gần 15 ngàn hécta, đạt hiệu quả 82%. Tuy nhiên, trong đó có không ít công trình chỉ sử dụng dưới 50% năng lực thiết kế... 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 123 công trình thủy lợi (CTTL) đang hoạt động, phục vụ tưới gần 15 ngàn hécta, đạt hiệu quả 82%. Tuy nhiên, trong đó có không ít công trình chỉ sử dụng dưới 50% năng lực thiết kế... 

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), có khoảng 87 CTTL đạt hiệu quả trên 80%; 19 công trình từ 50-80% và 17 công trình dưới 50%. Trong tổng số 123 công trình thủy lợi đang hoạt động, có 51 công trình do Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi quản lý, còn lại 72 công trình thuộc chính quyền các địa phương trực tiếp vận hành. 

 * Thiết kế không phù hợp

Thời gian qua, những CTTL phát huy được hiệu quả cao là do có nguồn nước về ổn định, hệ thống kênh mương tương đối hoàn chỉnh, có đầu tư, sửa chữa thường xuyên. Ngoài ra, diện tích gieo trồng được nông dân thực hiện theo đúng năng lực hoạt động của từng CTTL. Với nguồn nước đáp ứng nhu cầu sản xuất, một số địa phương chuyển đổi cây lúa sang trồng hoa màu nên hiệu quả khá cao, như hồ Gia Ui (huyện Xuân Lộc) tưới tiêu đạt 130% khả năng; đập Cù Nhí (huyện Cẩm Mỹ) đạt 108%; đập ấp 5, xã Phú Tân (huyện Định Quán) đạt 154%. Trong khi đó, các công trình phục vụ đạt hiệu quả thấp là do diện tích thiết kế cao hơn so với thực tế nên không phát huy đúng năng lực. Chẳng hạn như hồ Mo Nang, trạm bơm Đại An (huyện Vĩnh Cửu), hồ Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ) khi xây dựng xong chỉ phục vụ có giới hạn. Bên cạnh đó, vào mùa khô, nhiều CTTL nguồn nước về đập ít và thiếu kênh mương nội đồng nên không phù hợp với khu tưới. Điển hình là trạm bơm ấp 8 - xã Nam Cát Tiên, trạm bơm ấp 6 - xã Phú An (huyện Tân Phú).

Hồ Suối Vọng ở huyện Cẩm Mỹ chỉ đạt 75% năng lực thiết kế. Ảnh: H.G
Hồ Suối Vọng ở huyện Cẩm Mỹ chỉ đạt 75% năng lực thiết kế. Ảnh: H.G

Thống kê của ngành nông nghiệp mới đây cho thấy, trong tổng số CTTL trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 91 công trình xây dựng hệ thống kênh mương với chiều dài gần 600km; số công trình còn lại giảm đáng kể khả năng phục vụ vì hệ thống dẫn nước đến nơi sản xuất chưa hoàn chỉnh. Toàn tỉnh có gần 346 ngàn hécta cây trồng, trong đó cây hàng năm chiếm 180 ngàn hécta, cây lâu năm hơn 119 ngàn hécta và cây ăn trái 47 ngàn hécta. Tuy nhiên, khả năng tưới của các công trình thủy lợi chỉ đáp ứng được chừng 15 ngàn hécta - một con số quá khiêm tốn so với nhu cầu sản xuất chung.

* Làm sao phát huy hiệu quả?

Trước thực trạng nhiều CTTL không phát huy đầy đủ năng lực thiết kế, mới đây Sở NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát hệ thống kênh mương nhằm đánh giá lại năng lực tưới tiêu của từng công trình.

Đập Gia Liêu 1 ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) tưới khoảng 20% so với thiết kế. Ảnh: H.G
Đập Gia Liêu 1 ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) tưới khoảng 20% so với thiết kế. Ảnh: H.G

Qua đó, nhiều công trình thủy lợi sẽ được giao về cho địa phương quản lý, phía Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi chỉ chịu trách nhiệm đối với 22 công trình lớn. Việc phân cấp quản lý lại các CTTL để các địa phương chủ động hơn trong việc khai thác, đồng thời khắc phục những tồn tại, yếu kém. Ông Mai Trung Ý, Trưởng phòng thủy lợi (Sở NN-PTNT) cho biết: “Giai đoạn 2011-2015, tỉnh sẽ tập trung xây dựng mới, sửa chữa và kiên cố hóa kênh mương chính. Còn phần kênh mương nội đồng, các địa phương chủ động thực hiện bằng nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ các địa phương đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thủy lợi. Muốn thực hiện đạt hiệu quả, địa phương phải tổ chức tốt bộ máy quản lý CTTL, từ đó mới có thể đáp ứng mục tiêu trong tình hình mới…”.

Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh dự tính sẽ đầu tư gần 207 tỷ đồng cho việc nâng cấp 12 CTTL và làm kênh mương. Trong đó, 23 tỷ đồng dùng để sửa chữa những công trình này; phần còn lại 184 tỷ đồng sẽ được đầu tư kiên cố hóa các kênh mương chính…

Đề cập về kế hoạch nâng cao năng lực hoạt động các CTTL chưa đạt năng lực thiết kế, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Trần Bá Đạt cho biết: “Lâu nay, các địa phương đều gặp khó khăn về nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới và kiên cố hóa hệ thống thủy lợi. Toàn huyện Tân Phú có 110km kênh mương nội đồng, thời gian qua đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tưới. Từ nay đến năm 2015, huyện tập trung nâng cấp các CTTL để tăng khả năng phục vụ tưới, giúp nông dân ổn định sản xuất, tăng vụ và nâng cao thu nhập. Trước mắt, huyện sẽ tập trung làm kênh mương nội đồng cho những vùng cao cần nước. Mặc khác, hướng dẫn, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm tiết kiệm nguồn nước”.

Khánh Minh

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích