Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa heo đi “trốn” dịch

09:09, 04/09/2011

Tâm lý của người chăn nuôi heo thường chọn những địa điểm tương đối thuận lợi như: đường đi dễ, có điện và nhất là không quá hẻo lánh vì sợ bị ép giá khi bán heo. Thế nhưng anh Vũ Đình Khôi ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất thì làm ngược lại.

Anh Khôi đang theo dõi độ tản nhiệt của chiếc máy phát điện chạy bằng biogas. Ảnh: V. NAM
Anh Khôi đang theo dõi độ tản nhiệt của chiếc máy phát điện chạy bằng biogas. Ảnh: V. NAM
Tâm lý của người chăn nuôi heo thường chọn những địa điểm tương đối thuận lợi như: đường đi dễ, có điện và nhất là không quá hẻo lánh vì sợ bị ép giá khi bán heo. Thế nhưng anh Vũ Đình Khôi ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất thì làm ngược lại.

Đang chăn nuôi ở gần nhà, đột ngột anh Khôi chuyển hết 500 con heo vào trong một khu vắng vẻ thuộc xã Gia Tân 3, cách xa nhà gần 5km. Nơi đây không có điện, mà đường đi cũng không dễ dàng. Chỉ tính đến việc vận chuyển cám cho đàn heo thôi thì nhiều người cũng cho là anh sai lầm, chưa kể còn phát sinh thêm nhiều chi phí khác. Nhưng rồi anh đã chứng minh được hiệu quả kinh tế hoàn toàn ngược lại. Anh Khôi tâm sự: “Ở vùng Gia Tân 1 này mật độ chăn nuôi đông lắm, nếu chăn nuôi càng ở gần nhau thì nguy cơ heo bị lây bệnh càng cao. Nuôi heo để thiệt hại về đầu con dễ lỗ hơn là bị ảnh hưởng về giá thành. Vì vậy làm sao đảm bảo an toàn cho đàn heo là quan trọng nhất. Kết hợp tốt giữa chăn nuôi và trồng trọt thì việc bù chi phí vận chuyển là hoàn toàn có thể gánh được”.

Về nơi chăn nuôi mới, anh đầu tư khá bài bản. Các dãy chuồng được xây dựng cách quãng để dễ kiểm soát bệnh cho từng khu vực. Một bể xử lý nước thải tạo biogas, hai hồ chứa nước thải sau xử lý dùng cho tưới cây trồng. Máy phát điện và máy bơm nước đều được trang bị chạy bằng biogas. Từ khi anh đưa trại về đây, 5 hécta vườn chôm chôm, điều và tiêu  được tưới nước và bón bằng nguồn phân heo sau khi xử lý, không phải mua phân hóa học. Tính ra mỗi năm cũng giảm được vài chục triệu đồng tiền phân bón. Không chỉ vậy, nhờ bón phân hữu cơ nên năng suất của vườn cây đã tăng lên gần 20% và giảm hẳn sâu bệnh. Lượng khí gas đủ cho 2 chiếc máy chạy suốt 12 giờ mỗi ngày, so với chạy máy bằng dầu diesel mỗi tháng anh Khôi giảm được gần 10 triệu đồng.

Theo anh Khôi, cái được lớn nhất là an tâm về dịch bệnh và xử lý tốt được nguồn nước thải không gây ô nhiễm môi trường. Phương án “trốn” dịch của anh đã thành công, vượt qua đợt dịch heo tai xanh bùng phát mạnh năm 2010, trong khi nhiều trại nuôi khác bị ảnh hưởng nặng nề. Anh Khôi nói “Lúc dịch heo tai xanh hoành hành thì trại heo của tôi vẫn bình thường do nằm biệt lập. Thời điểm đó tôi chỉ bị khó khăn do heo rớt giá”.

Nhờ giữ an toàn cho đàn heo nên khi dịch qua đi giá heo tăng cao cũng đã tạo thêm cơ hội cho anh. Anh Khôi cũng cho biết, anh chuẩn bị chuyển một trại heo 400 con nữa từ xã Quang Trung về vùng sâu này để đảm bảo an toàn. Hiện nay, trung bình mỗi tháng anh Khôi xuất hơn 20 tấn heo hơi cho thị trường.

Vân Nam


 

Tin xem nhiều