Vụ mùa năm 2011, nông dân trong tỉnh sẽ gieo trồng gần 63 ngàn hécta cây trồng hàng năm, hiện bà con nông dân đang xuống giống theo thời vụ. Tuy đầu vụ có mưa nhiều khá thuận lợi, song nếu không theo dõi diễn biến thời tiết sắp tới để bố trí cây trồng phù hợp sẽ khó đạt hiệu quả.
Vụ mùa năm 2011, nông dân trong tỉnh sẽ gieo trồng gần 63 ngàn hécta cây trồng hàng năm, hiện bà con nông dân đang xuống giống theo thời vụ. Tuy đầu vụ có mưa nhiều khá thuận lợi, song nếu không theo dõi diễn biến thời tiết sắp tới để bố trí cây trồng phù hợp sẽ khó đạt hiệu quả.
Theo kế hoạch của các huyện, thị thành, vụ mùa này loại cây trồng nhiều là lúa, bắp, rau, đậu. Trong đó, lúa khoảng trên 30 ngàn hécta, bắp gần 19.500 hécta, rau gần 5 ngàn hécta và đậu gần 4 ngàn hécta. Năm nay vào đầu vụ mùa tuy lượng mưa khá dồi dào, nhưng những vùng sản xuất dựa vào nước trời nếu không theo lịch xuống giống và chọn loại giống phù hợp sẽ dễ gặp hạn vào cuối vụ. Điều này ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của cây trồng.
* Gieo trồng đúng thời vụ
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai, vào tháng 9, 10 lượng mưa sẽ giảm dần và mùa mưa năm 2011 sẽ kết thúc vào giữa tháng 11. Do đó để tránh được hạn cuối vụ, nông dân trong tỉnh xuống giống vụ mùa chậm nhất vào cuối tháng 9. Những vùng không chủ động được nguồn nước tưới cuối vụ cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết: “Muốn vụ mùa 2011 đạt hiệu quả, các địa phương nên vận động nông dân xuống giống đúng thời điểm. Đối với những vùng thu hoạch hè-thu trễ phải hướng dẫn bà con trồng gối vụ, tránh hạn cuối vụ. Đồng thời, tùy theo điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng để sử dụng các loại giống cho phù hợp, ưu tiên cho các giống ngắn ngày có năng suất cao và chống chịu được sâu bệnh”.
Nông dân ở ấp Tân Thịnh, xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom) đang chuẩn bị xuống giống vụ mùa. Ảnh: H. GIANG
Với các vùng trũng trồng lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân xuống giống đồng loạt trên cùng một cánh đồng để tránh rầy di trú, dễ phòng trừ sâu bệnh. Trong quá trình gieo sạ, chăm sóc áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận.
Đồng Nai hiện có hơn 100 công trình thủy lợi lớn nhỏ, nhưng khả năng cung cấp nước tưới cho cây trồng rất hạn chế chỉ gần 10 ngàn hécta/vụ. Đa số các công trình thủy lợi chỉ phục vụ tưới cho cây lúa, diện tích còn lại nông dân phải chủ động nguồn nước tưới. Rất nhiều diện tích cây trồng không chủ động được nguồn nước tưới nên phải lệ thuộc vào thời tiết. Vì thế, việc theo dõi kỹ thời tiết, bố trí thời điểm xuống giống và chọn loại cây trồng thích hợp quyết định lớn đến hiệu quả của vụ mùa.
* Chọn cây có thế mạnh
Tại cuộc họp về nông nghiệp mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh lưu ý: “Hiện nay, bắp và đậu nành là hai cây trồng thế mạnh của Đồng Nai không phải lo đến đầu ra. Thu nhập của những cây trồng này cũng không thua kém gì các cây hàng năm khác. Do đó, ở những vùng chuyển đổi được, các địa phương nên vận động nông dân chuyển qua trồng bắp, đậu nành để tiết kiệm nguồn nước tưới phục vụ cho vụ sau”.
Trồng bắp, đậu nành và các loại đậu khác nguồn nước tưới chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với trồng lúa. Trong khi lợi nhuận của các cây trồng này cao hơn trồng lúa từ 5 - 10 triệu đồng/hécta/vụ. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, những vùng chuyên canh một loại cây trồng hàng năm 2-3 vụ liền thường bị sâu bệnh nhiều và đất đai cằn cỗi hơn. Trong trường hợp chuyển đổi được, nông dân nên luân canh thêm các loại cây trồng khác để cắt mầm bệnh trong đất và cải tạo lại đất đai. Trong đó, các loại đậu là cây trồng cải tạo đất tốt nhất, đồng thời có thể chịu hạn và thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 60-80 ngày/vụ.
Một số nông dân trồng đậu luân canh ở huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ cho hay, sau 2-3 vụ liền trồng lúa hoặc bắp nên luân canh một vụ đậu, cây lúa và cây bắp vụ sau sẽ ít sâu bệnh, năng suất cao hơn 0,4-1 tấn/hécta/vụ. Trồng đậu vốn đầu tư thấp, nếu chăm sóc tốt năng suất đạt gần 2 tấn/hécta/vụ, với giá như hiện nay nông dân lời trên 25 triệu đồng/hécta/vụ.
Hiện nay, với cây đậu nành một số nông dân trong tỉnh sử dụng giống mới, áp dụng kỹ thuật đẩy năng suất lên 2,5 tấn/hécta/vụ cho lợi nhuận gần 35 triệu đồng/hécta/vụ. Trước đây, nông dân trong tỉnh ngại trồng đậu vì đa số các khâu phải làm thủ công, tốn nhiều công lao động, nhưng hiện tại nhiều công đoạn trồng và thu hoạch đậu đã có thể cơ giới hóa, giảm được nhiều công lao động, như: làm đất, tưới, bóc tách hạt ra khỏi quả...
Hương Giang