Chọn, đặt tên dễ nhớ, dễ thuộc và đánh trúng tâm lý người mua luôn là vấn đề nhà sản xuất quan tâm khi tung sản phẩm ra thị trường. Với hàng Việt Nam, đặt tên gì để người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn?
Chọn, đặt tên dễ nhớ, dễ thuộc và đánh trúng tâm lý người mua luôn là vấn đề nhà sản xuất quan tâm khi tung sản phẩm ra thị trường. Với hàng Việt Nam, đặt tên gì để người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn?
Lâu nay, không ít nhà sản xuất hàng hóa trong nước đều “thích” chọn một cái tên tiếng nước ngoài hoặc tên ghép không rõ nghĩa để đặt cho sản phẩm.
* Tên ngoại mới hấp dẫn?
Cụ thể, những nhãn hiệu nổi tiếng và quen thuộc trong nhóm hàng thời trang Việt Nam hiện có rất nhiều tên nước ngoài của Anh, Mỹ, Italia…, hoặc tên ghép “nửa Việt, nửa Tây” như Blue - Xchange, Ninomaxx, San Sciaro - Manhattan, Mattana, Ha - Gatini, Gosto… Các nhãn hiệu thực phẩm cũng có khá nhiều tên “ngoại”, như: thực phẩm chế biến Vissan, dầu ăn Neptune, Marvella… Ngoài ra, một số ngành hàng từ may mặc đến giày dép, kể cả hóa mỹ phẩm, khi tung sản phẩm ra thị trường cũng thường có tên mang “dáng dấp” nước ngoài.
Chọn mua bánh kẹo. Ảnh: V.Lâm
Nhiều doanh nghiệp đã lý giải trên các phương tiện truyền thông về ý nghĩa của việc đặt tên “ngoại” cho sản phẩm của mình. Chẳng hạn, nhãn hàng thời trang cao cấp San Sciaro của Tổng công ty may Việt Tiến có từ “San” là một dòng họ cao quý ở Ý, “Sciaro” là một cái tên gợi nhớ đến nước Ý với phong cách thời trang nổi tiếng thế giới. Tương tự, nhãn hàng Hà Gatini của Công ty Nhất Hà cũng ghép từ tên Hà (con gái của người khai sinh ra thương hiệu) và Gatini là một từ tiếng Ý. Thương hiệu thời trang mới ra mắt chưa lâu của Biti’s cũng có nhãn hiệu khá “Tây” là Gosto. Theo giải thích, thông điệp của nhãn hiệu là rất Việt Nam với chữ “S” nằm giữa là hình bản đồ nước Việt Nam còn “go to” là đi tới, mang theo S - Việt Nam với ý nghĩa muốn mang bản sắc văn hóa Việt Nam đến với thời trang quốc tế.
Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm khô tại Đồng Nai cho rằng, việc đặt tên nước ngoài cho sản phẩm có thể do nhiều nguyên do: tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng; tên “Tây” dễ nhớ, dễ thuộc hơn tên Việt; nhắm đến thị trường quốc tế trong tương lai… “Tuy nhiên, cũng rất khó để nhận định nên hay không nên trong việc chọn tên ngoại cho hàng Việt Nam. Bởi ngoài vai trò là một cái tên, nhà sản xuất khi cho ra một nhãn hiệu sản phẩm còn phải tính đến nhiều yếu tố khác, như thu hút khách hàng, khả năng phát triển sản phẩm đó ở thị trường quốc tế vì quả thực rất khó để làm người nước ngoài nhớ đến một cái tên thuần Việt…” - giám đốc này nói.
* Người tiêu dùng nghĩ gì?
Trong khi doanh nghiệp có cách lý giải khác nhau về việc đặt tên nước ngoài hay tên Việt cho sản phẩm, thì người tiêu dùng cũng có những nhận định riêng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhi, nhà ở KP3, phường Tam Hiệp cho rằng, tên “Tây” hay tên Việt không mấy quan trọng, vấn đề là ở uy tín của nhà sản xuất; chất lượng cũng như sự trau chuốt về bao bì mới là điều chị quan tâm. “Ví dụ, với một sản phẩm bánh kẹo, tôi chỉ cần biết nó là do Kinh Đô hay BIBICA sản xuất, thêm vào đó là bao bì, khẩu vị, còn tên nước ngoài hay tên Việt Nam với tôi không quan trọng lắm” - chị Nhi nói.
Hàng thời trang cao cấp nhãn hiệu Việt. Ảnh: V.Lâm
Còn chị Trần Thị Thanh, nhân viên kinh doanh của một công ty Nhật Bản, nhà ở phường Tam Hòa thì nhận xét, với các mặt hàng có tiếng lâu năm thì không sao, còn những mặt hàng mới thì tên ngắn gọn, dễ nhớ càng tốt. “Tôi thấy sản phẩm tên nước ngoài cũng tốt, vì nó thường ngắn gọn hơn tên tiếng Việt. Không nhất thiết hàng Việt thì cái gì cũng phải Việt hóa, bởi chỉ cần biết hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất là người tiêu dùng có thể lựa chọn và ủng hộ!” - chị Thanh nêu ý kiến.
Lãnh đạo một siêu thị ở TP. Biên Hòa đánh giá, với nhiều nhóm, ngành hàng thì việc đặt tên ngoại hay tên “thuần Việt” cho sản phẩm không thực sự quan trọng trong thị hiếu của người tiêu dùng, trừ một số ngành như sữa, hóa mỹ phẩm… Thực tế trên thị trường hiện nay, nhiều mặt hàng thực phẩm có tên rất dễ nhớ, như nước mắm Nam Ngư, mì tôm Sao Sáng, mì tôm Đệ Nhất, dầu ăn Tường An, bánh kẹo Kinh Đô, Hải Hà… đã trở thành những nhãn hiệu quen thuộc và có doanh số bán hàng lớn. Nhóm hàng may mặc cũng xuất hiện khá nhiều tên khó quên được, chẳng hạn như Hạnh, Việt Thy, Việt Tiến, Việt Thắng, Thắng Lợi… đều là những thương hiệu không thể nhầm lẫn với mặt hàng khác cùng chủng loại. Như vậy, việc đặt tên cho hàng Việt xem ra vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Song để người tiêu dùng dễ chấp nhận, cơ bản vẫn là chất lượng sản phẩm.
Vi Lâm