Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ nâng cấp các tuyến đường vận chuyển bauxite?

09:09, 18/09/2011

Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) hoàn thiện phương án cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) 20 và hai tuyến đường tỉnh ĐT 725 (Lâm Đồng) và 769 (Đồng Nai) để phục vụ vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu…

 

Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) hoàn thiện phương án cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) 20 và hai tuyến đường tỉnh ĐT 725 (Lâm Đồng) và 769 (Đồng Nai) để phục vụ vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu…

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, để hoàn thành thủ tục và triển khai thi công dự án (DA) cần phải có thời gian. Trong khi đó, nếu không có gì thay đổi thì kế hoạch vận chuyển bauxite sẽ được thực hiện trong tháng 11 tới.

 * Khẩn trương nâng cấp cầu, đường  

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT phải phê duyệt phương án nâng cấp hai tuyến đường tỉnh (725 và 769) trong tháng 9 này. Bên cạnh đó, Chính phủ còn giao Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam (TKV), đơn vị chủ đầu tư DA tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng  chủ động cân đối, hỗ trợ kinh phí cho hai địa phương Lâm Đồng và Đồng Nai thực hiện duy tu, bảo dưỡng, đồng thời cải tạo, nâng cấp hai tuyến đường này. Sau khi phương án được duyệt, Sở GTVT các tỉnh có tuyến đường đi qua tổ chức triển khai thực hiện; Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện việc thi công đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Đối với tuyến QL20, đoạn từ Lâm Đồng về Đồng Nai, Bộ GTVT triển khai đầu tư DA theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); áp dụng hình thức chỉ định nhà thầu có nhiều năng lực, kinh nghiệm để thực hiện DA chất lượng, đúng tiến độ; nghiên cứu, sắp xếp các trạm thu phí trên tuyến, mức thu phí và các cơ chế đặc thù khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA.

QL20 hiện đã hư hỏng nặng, nếu kế hoạch vận chuyển bauxite bằng xe 40 tấn (ảnh nhỏ) thì đường càng nhanh chóng xuống cấp. (Ảnh: T. Nguyên)
QL20 hiện đã hư hỏng nặng, nếu kế hoạch vận chuyển bauxite bằng xe 40 tấn (ảnh nhỏ) thì đường càng nhanh chóng xuống cấp. (Ảnh: T. Nguyên)

 

Ở đây có thể thấy, nếu các tuyến đường đoàn xe vận chuyển bauxite đi qua không được nâng cấp thì sự bất ổn trong an toàn giao thông là điều khó tránh khỏi, nhất là tại những khu vực dân cư đông đúc trên QL20 và ĐT 769. Chính vì vậy, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, địa phương và đơn vị liên quan nhanh chóng nâng cấp các tuyến đường xe vận chuyển bauxite đi qua và xem đây là công việc cấp bách, không thể chần chừ. Nhưng thông thường, đối với các DA giao thông, từ khi có chủ trương đến lúc triển khai thi công là một khoảng thời gian dài. Ngay cả khi DA tiến hành thi công, cũng phải mất hàng năm trời mới hoàn thành. Trong khi đó, QL20 từ Bảo Lộc về Dầu Giây dài 120 km, đoạn qua Đồng Nai có 2 cầu; ĐT 769 (hiện do Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Sở GTVT Đồng Nai quản lý) từ ngã tư Dầu Giây đến QL51 dài 33km và có 6 cầu. Do đó, dư luận không khỏi thắc mắc: trong giai đoạn lập hồ sơ, thủ tục để cải tạo, nâng cấp QL20, ĐT 769 thì có được vận chuyển bauxite?

* Không thể thi công ngay

Đề cập về quy trình thực hiện một DA giao thông - tính từ khi có chủ trương đến lúc thi công, một lãnh đạo trong ngành giao thông Đồng Nai khẳng định, phải mất hàng năm trời. Đó là chưa kể, nếu vướng đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng thì không biết đến bao giờ mới xong.

Cầu An Viễng trên ĐT 769 hiện xuống cấp nghiêm trọng.  Ảnh: T.N
Cầu An Viễng trên ĐT 769 hiện xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: T.N

 

Cụ thể, quy định hiện hành đối với việc triển khai thực hiện DA giao thông, phải qua nhiều bước. Trước tiên là lập DA. Sau khi có chủ trương, cơ quan chức năng tiến hành xây dựng đề cương cụ thể: chiều dài, rộng, cấp đường, kết cấu chịu tải…, nói chung là những thông số cơ bản về kỹ thuật của một DA giao thông. Tiếp đến, đề cương kỹ thuật được chuyển cho chủ đầu tư để thẩm định, phê duyệt. “Trót lọt” công đoạn này mới mời thầu đơn vị tư vấn thiết kế và tổ chức đấu thầu. Đơn vị nào trúng thầu sẽ thực hiện khảo sát, vẽ thiết kế rồi chuyển cho chủ đầu tư kiểm tra, xem xét. “Qua khỏi” khâu này, hồ sơ được chuyển cho một cơ quan độc lập thẩm tra. Nếu bản thiết kế được duyệt, chủ đầu tư gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên ngành để thẩm định thiết kế cơ sở; song song đó lấy ý kiến của các địa phương có tuyến đường đi ngang qua. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, nếu có sự đồng thuận cao mà không phải chỉnh sửa thì hồ sơ mới trình cho cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực tế lâu nay, rất ít hồ sơ DA giao thông chỉ trình một lần là hoàn tất.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, mật độ các phương tiện lưu thông trên QL20 hiện trên 15 ngàn lượt xe/ngày đêm, cao hơn rất nhiều lần so với thiết kế đường cấp VI. Trên cung đường có nhiều đoạn dốc quanh co, đi qua nhiều thị trấn, thị tứ đông dân cư. Ngoài ra, QL20 còn nhiều điểm đấu nối với đường nhánh, nên rất phức tạp về trật tự an toàn giao thông. ĐT 769 cũng là đường cấp VI, mặt đường rộng 7m, xây dựng từ năm 2001 đến nay đã hết hạn sử dụng. Toàn tuyến có nhiều đoạn cong cua rất nguy hiểm. Tại những khu vực dân cư tập trung hình thành nhiều hàng quán, buôn bán sầm uất. Mật độ phương tiện trên ĐT 769 nay tăng gấp nhiều lần so với một vài năm trước. Đáng kể là trong 8 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông xảy ra trên đường này cũng tăng cao hơn so cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt cả tuyến có 6 cầu, gồm: Cái Hảo, Bản, Bình Sơn, Ông Quế (tải trọng 25 tấn); Suối Bí (30 tấn) và An Viễng (20 tấn)…

 

Một cán bộ chuyên ngành đã thực hiện nhiều DA giao thông trên địa bàn tỉnh cho biết, quy trình làm thủ tục, hồ sơ đối với các DA giao thông lâu nay rất nhiêu khê. Các bước thủ tục này, nếu là DA nhỏ, nhanh nhất cũng mất nửa năm; còn DA lớn phải mất hàng năm. Đối với QL20, qua địa bàn Đồng Nai dài 75,6km là con đường độc đạo từ Lâm Đồng về. Vì vậy, cho dù thủ tục không gặp trở ngại, công trình tiến hành thi công cũng phải vài ba năm mới làm xong. Riêng ĐT 769, chỉ dài 33km nhưng lại có đến 6 cầu. Ví dụ, đơn vị lập DA chung cho cả đường và cầu thì thời gian làm giấy tờ có thể rút ngắn, nhưng một khi tách thành 2 DA lại là chuyện khác. Thêm vào đó, cả hai tuyến đường này đều đang khai thác, cho nên không thể dừng các phương tiện lưu thông để tập trung cho xây dựng. Đó chính là trắc trở không thể một sớm một chiều có thể nâng cấp ngay hai tuyến đường kể trên.

Như vậy có thể nói, mốc thời gian hoàn thành việc cải tạo, gia cố cầu, đường để vận chuyển bauxite nhôm từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu, sẽ kéo dài trong 2-3 năm nữa. Đây chính là điều không thể không cân nhắc trong việc chuyên chở bauxite như kế hoạch của TKV.

 [links()]

Tạ Nguyên

Tin xem nhiều