Thông điệp phát đi từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhằm thiết lập lại trật tự của “chợ” lãi suất bằng cách dồn về lãi huy động ở mức 14%/năm bước đầu được các ngân hàng thực hiện nghiêm. Song vấn đề đáng quan tâm là lãi suất vay sẽ giảm như thế nào và liệu trật tự này kéo dài lâu khi thời điểm cuối năm đang tới…
Thông điệp phát đi từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhằm thiết lập lại trật tự của “chợ” lãi suất bằng cách dồn về lãi huy động ở mức 14%/năm bước đầu được các ngân hàng thực hiện nghiêm. Song vấn đề đáng quan tâm là lãi suất vay sẽ giảm như thế nào và liệu trật tự này kéo dài lâu khi thời điểm cuối năm đang tới…
Chỉ thị 02 ngày 7-9 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: sẽ áp dụng những biện pháp mạnh tay như đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng vi phạm và hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của tổ chức tín dụng trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bị xử lý; hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động và cho vay của đơn vị vi phạm thuộc tổ chức đó.
* Lo ngại xóa “chợ” huy động
Chính vì vậy, chỉ trong hai ngày 8 và 9 tháng này, hàng loạt ngân hàng lớn nhỏ ở Đồng Nai đã áp dụng mức lãi suất 14%/năm theo quy định cho tất cả các khoản gửi đến hạn và khoản gửi mới, kể cả với số tiền lớn. Nếu như trước đó, chỉ với khoản tiền từ 500 triệu đồng trở lên, tại các ngân hàng nhỏ, khách gửi có thể “đòi” lãi suất lên đến 17 - 18%/năm thì hiện tại, theo một số khách hàng, ngân hàng nào cũng chỉ trả mức 14%/năm, một số chương trình khuyến mãi kèm theo cũng bị cắt bỏ.
Giao dịch tại Eximbank Đồng Nai. Ảnh: V.Lâm
Hiện tại, tình trạng phổ biến diễn ra trên thị trường huy động VNĐ là nhân viên nhiều ngân hàng đang “khổ sở” thuyết phục khách hàng tiếp tục gửi tiền tại ngân hàng mình, bởi khi lãi suất tiền gửi ở ngân hàng nào cũng như nhau thì các khách hàng có món tiền lớn sẽ cân nhắc các yếu tố khác như thương hiệu, độ an toàn của ngân hàng, chất lượng dịch vụ... Do đó, có thể các ngân hàng nhỏ sẽ trở nên yếu thế hơn so với các ngân hàng lớn trong việc cạnh tranh giữ khách hàng, điều này gây nên lo ngại rằng, liệu trần lãi suất huy động 14%/năm có giữ được lâu, trong khi tình trạng thiếu vốn và mất cân đối có thể sẽ diễn ra khi lãi suất vay hạ và nhu cầu vay vốn tăng lên.
Mặt khác, về phía người gửi tiền, lãi suất 14%/năm nếu so với chỉ số lạm phát trong một năm qua, “không bõ bèn” bởi chỉ số tăng giá tháng 8-2011 so với tháng 8-2010 (tốc độ tăng giá sau 1 năm) của cả nước đã lên đến 23,02% và mức tăng 8 tháng đầu năm 2011 là 15,68%. Như vậy, với mức lãi suất 14%/năm hiện không hấp dẫn đối với người gửi tiền vào ngân hàng. Chưa kể, kỳ vọng lạm phát năm 2011 cũng không mấy khả quan, do đó khả năng nhiều người rút tiền tiết kiệm đầu tư vào các kênh khác cũng có thể sẽ xảy ra. Còn về phía NHNN lý giải với lãi suất tiền gửi mới là tính toán cho thời gian tới lạm phát sẽ giảm, không phải lạm phát đã qua.
* Khi nào mới giảm lãi vay?
Cách đây 1 tháng, đã lác đác xuất hiện tín hiệu giảm lãi vay ở các chi nhánh ngân hàng lớn, nhỏ trên địa bàn Đồng Nai thông qua một số chương trình tài trợ sản xuất - xuất khẩu, tài trợ cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ của các ngân hàng như Vietcombank, Eximbank, ACB, Vietinbank, SHB… với mức giảm khoảng từ 0,5 - 1,5% so với trước.
Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi vay thời gian qua vẫn duy trì ở mức 18 - 23% và nhiều DN vẫn đang phải chịu đựng tình trạng “giật gấu vá vai” suốt một thời gian dài do lãi suất quá cao. Do đó, lãi suất vay giảm như thế nào là điều mà các DN quan tâm. Vài ngày qua, mặc dù một số ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất vay - vẫn thông qua một số chương trình tài trợ sản xuất, kinh doanh cho một số đối tượng vay cụ thể. Song về mặt bằng chung, một số lãnh đạo chi nhánh ngân hàng tại Đồng Nai cho biết, ít nhất là từ giữa đến cuối tháng 9, lãi suất vay mới có thể giảm. Lãnh đạo ACB Đồng Nai cho biết hiện đã có cơ sở để hạ lãi suất vay ngoài việc lãi huy động về 14%/năm. Trong đó, quan trọng là lãi suất ở hoạt động mua bán vốn thuộc phạm vi nội bộ đã giảm đáng kể. Do đó, khoảng cuối tháng 9, lãi vay sẽ hạ về 17-19%/năm. Agribank Đồng Nai cũng nhận định, khoảng trung tuần tháng 9, dự kiến ngân hàng này sẽ giảm lãi vay khu vực nông nghiệp - nông thôn xuống mức 17%/năm (giảm từ 1-1,5%/năm).
Một vấn đề được quan tâm khác là lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ khi nào giảm, bởi khá nhiều đối tượng DN vừa và nhỏ đang phải trả mức lãi khá cao. Tuy nhiên, một số người đứng đầu chi nhánh ngân hàng nhỏ ở Đồng Nai cho biết, trong tháng 9 lãi suất vay sẽ phải hạ, song cụ thể thời điểm nào thì còn phải “nghe ngóng” và tính toán vì hiện tại vẫn phải sử dụng nguồn vốn huy động trước đây với lãi suất phổ biến từ 17-18%/năm.
Vi Lâm