Báo Đồng Nai điện tử
En

81 tuổi vẫn gắn bó với rừng

09:09, 18/09/2011

Dù đã qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng hàng ngày lão ông Vũ Văn Quý (81 tuổi), ngụ ở ấp 2, xã Phú An (huyện Tân Phú) vẫn cùng mọi người trong gia đình đi tỉa cành, phát dọn khu rừng rậm trên diện tích 15 hécta.

Dù đã qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng hàng ngày lão ông Vũ Văn Quý (81 tuổi), ngụ ở ấp 2, xã Phú An (huyện Tân Phú) vẫn cùng mọi người trong gia đình đi tỉa cành, phát dọn khu rừng rậm trên diện tích 15 hécta.

Đây là khu rừng mà ông Quý đã dày công khoanh nuôi chăm sóc hàng chục năm qua. Đến nay giá trị kinh tế của khu rừng này lên đến hàng tỷ đồng.

 * Trồng rừng trên đồi trọc

Ngay khi đặt chân đến khu rừng của ông Vũ Văn Quý, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự trù phú, xanh tốt của một khu rừng trồng. Ông Quý bảo, không ít người còn cho rằng rừng nhà ông chẳng khác gì mấy so với rừng ở những khu bảo tồn thiên nhiên. Bởi dù là rừng trồng nhưng lại rất rậm rạp, có nhiều tầng, đặc biệt có cả cây gỗ lớn, đường kính trên 1m.

Ông Quý bên cây gỗ trong rừng trồng nhà mình.  (Ảnh: T.Khang)
Ông Quý bên cây gỗ trong rừng trồng nhà mình. (Ảnh: T.Khang)

Cách đây hơn 15 năm, toàn bộ khu rừng ông Quý trồng hiện nay, ngày ấy là những đồi trọc, còn sót lại vài bụi cây rừng, tre, dây leo... Năm 1996, ông Quý nhận hợp đồng phát triển rừng từ đất đồi với lâm trường 600 để khoanh nuôi và trồng mới. Với lòng đam mê và yêu rừng, hàng ngày ông cùng mọi người trong gia đình chăm sóc và trồng dặm thêm cây gỗ. Thời gian trôi qua, gia đình ông Quý đã chuyển vùng đất trọc thành màu xanh của cây rừng cho đến ngày nay.

Xuất thân từ một gia đình nông dân ở xã Phú Trung, huyện Tân Phú, với diện tích rẫy ít ỏi, nên dù đã rất nỗ lực tăng gia sản xuất nhưng gia đình ông Quý vẫn không thể khá hơn. Mãi đến khi có chương trình 327, ông mạnh dạn đề xuất với Lâm trường 600 nhận lại diện tích đồi trọc để trồng rừng. Khác với mọi người, khi được giao đất thường chặt hết những lùm cây tái sinh rồi mới trồng lại cây lâm nghiệp như tràm, bạch đàn, xà cừ… Còn gia đình ông thì giữ lại số bụi cây đó, bởi bản thân chúng là cây rừng còn sót lại, trong đó có không ít những loại gỗ quý bản địa như: gõ đỏ, cẩm lai,  dầu… Những chỗ nào đất trống ông nhận một số loại cây gỗ giống của lâm trường như sao, dầu về dặm vá... Chẳng bao lâu, khu đồi trọc từng bước được hồi sinh. Để “lấy ngắn nuôi dài”, ông Quý trồng tiêu dưới gốc cây, đồng thời thâm canh thêm cà phê xen lẫn cây rừng.

Sau này khi rừng của nhà ông Quý đã lớn, nhiều người đến hỏi mua cây lấy gỗ nhưng ông nhất quyết không bán. “Giữ được rừng mới khó, chứ chặt đi thì nhanh lắm. Công sức của gia đình tôi hàng chục năm qua chỉ với mong ước được gần gũi với rừng và để giữ rừng cho con cháu sau này. Đấy chính là hạnh phúc cuối đời tôi. Còn trong cuộc sống thì tiền ai không cần, nhưng chẳng biết bao nhiêu cho vừa…”- ông Quý nói.

* Gian nan giữ rừng

Những năm sau này khi rừng trồng của nhà ông Quý tốt tươi, có nhiều cây gỗ quý lớn nên khó tránh khỏi sự dòm ngó của bọn người xấu. Hơn nữa, rừng của ông lại nằm ven theo đường giao thông nên việc bảo vệ hết sức cam go. Chính vì vậy, trong khu rừng của ông luôn có 3 - 4 người thường trực trông nom. Có lần ba cha con ông Quý bị 20 tên côn đồ vây lại đòi “xin” ít gỗ. Trước sự ngang ngược của bọn này, ông lén gọi điện cho lâm trường và Hạt kiểm lâm vào giải cứu mới thoát được nguy hiểm. Nhờ rừng trồng đến nay xanh tốt, nên có khá nhiều đoàn của các trường đại học về tìm hiểu, nghiên cứu. Dân ở trong và ngoài địa phương cũng thường xuyên đến đây tham quan, nghỉ ngơi. Đánh giá về khu rừng trồng của ông Quý, các nhà chuyên môn khẳng định khu rừng có giá trị lớn về kinh tế, môi trường.

Từ một nông dân ít hiểu biết về lâm nghiệp, nhưng quá trình trồng rừng, ông Quý tích lũy cho mình một số kiến thức, đủ để “thuyết minh” cho mọi người hiểu được giá trị, lợi ích của việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

 Tiến Khang - Yến Nhi


 

Tin xem nhiều