Năm 2011 được đánh giá là khó khăn với tình hình kinh tế thế giới lẫn trong nước (lãi suất cao và lạm phát). Tuy nhiên, gần kết thúc 3 quý đầu năm, xuất khẩu Đồng Nai đang trong tâm thế chờ đợi một năm: thắng lớn!
Công ty khuôn máy Việt giới thiệu máy cắt tách hạt điều thế hệ mới tại thị xã Long Khánh. Ảnh: Khắc Giới |
Năm 2011 được đánh giá là khó khăn với tình hình kinh tế thế giới lẫn trong nước (lãi suất cao và lạm phát). Tuy nhiên, gần kết thúc 3 quý đầu năm, xuất khẩu Đồng Nai đang trong tâm thế chờ đợi một năm: thắng lớn!
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tháng 8-2011 đạt 845 triệu USD, tăng 3,2% so với tháng trước. Tính chung, trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 6 tỷ 210 triệu USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.
* Tăng trưởng ấn tượng
Trong đó, khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) hiện đang dẫn đầu về kim ngạch, đạt mức tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực: bảng mạch và linh kiện điện tử, giày dép, thực phẩm, vải, sợi… Khối DN có vốn ĐTNN trong 8 tháng qua cũng tăng mạnh về giá trị sản xuất công nghiệp. Cụ thể, sản xuất thực phẩm và đồ uống tăng 22,3%; ngành dệt tăng 26,7%; sản xuất vali, túi xách, yên đệm và giày dép tăng 20,7%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 14,4%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 19%; sản xuất và phân phối điện, sản lượng điện tăng 46,7%...
Theo Sở Công thương, nguyên nhân tăng sản xuất công nghiệp thuộc khu vực có vốn ĐTNN chủ yếu do lượng đơn hàng từ nước ngoài về nhiều. Khối DN địa phương và DN trung ương cũng đạt mức tăng giá trị sản xuất công nghiệp lần lượt là 28,8% và 28% so với 8 tháng đầu năm 2010.
Riêng về xuất khẩu của các DN địa phương, có nhiều mặt hàng trong 8 tháng đầu năm đạt mức tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái, như: cà phê 82,6 ngàn tấn, tăng gấp 3,4 lần; hàng mộc tinh chế 23 triệu USD, tăng gấp 1,2 lần; giày dép 25 triệu USD, tăng gấp 1,3 lần; hàng may mặc 29,7 triệu USD, tăng gấp 1,27 lần; hạt điều nhân 4,59 ngàn tấn, tăng 6%...
Nhận định về tình hình xuất khẩu 8 tháng đầu năm và triển vọng trong những tháng còn lại của năm 2011, ông Phan Văn Dân, Trưởng phòng kế hoạch - Sở Công thương, cho rằng đến thời điểm này, tăng trưởng xuất khẩu đã cao hơn hẳn so với 8 tháng đầu năm 2010 (tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2010 đạt 23,5%) và từ nay đến cuối năm, nhiều kỳ vọng vào một năm xuất khẩu của Đồng Nai thắng lớn. “Chúng tôi đã làm việc với nhiều DN thuộc các ngành, như: may mặc, giày da, điện tử, nông sản... cho thấy lượng đơn hàng từ nay đến hết năm khá nhiều, ngoại trừ ngành gỗ và gốm gặp một số khó khăn do thị trường đang bão hòa. Các tháng cuối năm với nhiều dịp lễ hội, tết... ở nhiều quốc gia cũng là cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng” - ông Dân nói.
* Đơn hàng ổn định
Nhiều DN cho biết, đến thời điểm này ổn định, họ khá yên tâm về đơn hàng của các tháng cuối năm. Anh Nguyễn Thế Thắng, Giám đốc Công ty Thuận Thắng chuyên về hàng mây, tre, đan ở TP.Biên Hòa cho biết, 7 tháng đầu năm nay lượng hàng xuất khẩu của công ty tăng khoảng 15%. DN hầu như không bị động về nguồn hàng sản xuất. Ngay cả những tháng được xem là ít hàng sản xuất nhất trong năm là mùa hè thì lượng hàng vẫn không sụt giảm. Đến nay, DN đã có đơn hàng hết tháng 9 và đang xem xét để ký tiếp các hợp đồng cho tháng 10. Do tình hình lạm phát cao nên công ty cũng khá thận trọng trong việc ký các hợp đồng sản xuất.
Sản xuất giày xuất khẩu ở Công ty ChangShin. Ảnh: K.NGÂN |
Không chỉ với Công ty Thuận Thắng mà nhiều đơn vị làm hàng mây tre đan xuất khẩu khác cũng chủ động được nguồn hàng. Anh Nguyễn Văn Thịnh, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thành Công (ở TP.Hồ Chí Minh, có xưởng sản xuất ở Biên Hòa) chia sẻ: “Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng của công ty khá ổn định, không bị gián đoạn. Doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng, bằng với cả năm 2010. Khó khăn không phải là thiếu hàng mà là lạm phát và lãi suất quá cao nên lãi rất thấp”.
Không chỉ đối với ngành hàng mây tre đan mà may mặc xuất khẩu năm nay cũng khá ổn định. Nhiều DN may xuất khẩu đã có đơn hàng đến hết năm. Phó giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (Dovitec) Nguyễn Văn Hoàng cho biết, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm của Dovitec đạt 214 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2010. Đến nay, một số hợp đồng xuất khẩu Dovitec đã ký đến hết năm. Theo anh Hoàng, năm nay ngành may mặc gặp thuận lợi về đơn hàng từ những tháng đầu năm. Ngành chế biến hạt điều ở Đồng Nai cũng có được kim ngạch xuất khẩu cao. Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Donafoods, chia sẻ: “Năm nay xuất khẩu hạt điều đạt cao, mặc dù sản lượng không tăng nhiều nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng hơn nhiều so với năm 2010. 8 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Donafoods đạt 34 triệu 600 ngàn USD, bằng 73% kế hoạch năm và tăng 154% so với cùng kỳ năm 2010”.
Nhiều ưu đãi về lãi suất và vốn cho xuất khẩu * Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát nêu khá rõ quan điểm, dù thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, song vẫn ưu tiên nguồn vốn cho sản xuất và xuất khẩu. Do đó, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã dành lãi suất khá ưu đãi cho các DN xuất khẩu, thường thấp hơn mức lãi cho vay thông thường từ 1-3%/năm. Nhiều chương trình tài trợ vốn cho DN xuất khẩu cũng được một số ngân hàng, như: Techcombank, Eximbank, HDBank, Viettinbank… triển khai trong thời gian qua với nhiều ưu đãi. Sắp tới, trong tháng 9, Ngân hàng nhà nước sẽ thực hiện một số biện pháp nhằm hạ thêm lãi suất vay, gỡ khó cho DN. * Theo ông Phan Văn Dân (Sở Công thương), nếu lãi suất vay giảm, DN xuất khẩu sẽ có thêm nhiều thuận lợi trong việc nâng cao sức cạnh tranh cho những tháng cuối năm. Được biết, cho vay lĩnh vực xuất nhập khẩu tại Đồng Nai hiện đang chiếm khoảng 20% tổng dư nợ trên địa bàn. |
Vi Lâm - Khắc Giới