Trong 3 năm thực hiện chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008-2010), toàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng kể. Giá trị bình quân trên cùng diện tích được nâng lên. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, để “tam nông” phát triển bền vững vẫn cần những bước đột phá mới.
Trong 3 năm thực hiện chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008-2010), toàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng kể. Giá trị bình quân trên cùng diện tích được nâng lên. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, để “tam nông” phát triển bền vững vẫn cần những bước đột phá mới.
Trong 3 năm thực hiện Kế hoạch 97 của Tỉnh ủy về tam nông, diện mạo vùng nông thôn đã có nhiều đổi mới, cơ cấu kinh tế trên địa bàn các xã chuyển dịch theo hướng tích cực; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngày càng được quan tâm; thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp phát triển, kết cấu hạ tầng được cải thiện. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân sau gần 3 năm đạt 4,6%/năm. Giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng vượt chỉ tiêu Kế hoạch 97 đề ra.
* Bước chuyển mình
Nếu năm 2008, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 hécta chỉ đạt gần 42 triệu đồng/hécta thì đến năm 2010 đã tăng lên trên 57 triệu đồng/hécta. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của chính nông dân cùng hỗ trợ của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong việc hỗ trợ vốn, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật mới đem lại năng suất cao. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được các địa phương quan tâm. Do đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2008 là hơn 14 triệu đồng/người/năm, năm 2010 tăng lên 17 triệu đồng/người/năm.
Nông dân xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) áp dụng kỹ thuật mới chăm sóc tiêu cho năng suất 5-8 tấn/hécta/năm. |
Trong 3 năm gần đây, cơ sở hạ tầng nông thôn được ưu tiên đầu tư phát triển với tổng nguồn vốn gần 2.600 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước gần 2.200 tỷ đồng, dân đóng góp gần 111 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác. Từ nguồn vốn trên đã mở mới, nâng cấp và sửa chữa 639km đường giao thông các loại, gần 260km đường điện trung hạ thế và hàng ngàn phòng học, nhiều trạm y tế, nhà văn hóa xã… Đường giao thông được nâng cấp mở rộng, làm mới, giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản thực phẩm được dễ dàng, tỷ lệ hao hụt giảm bớt và giá bán cao hơn. Tỷ lệ hộ nông thôn có điện sử dụng đạt 98,5%, nước hợp vệ sinh khoảng 90%. Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch 97, số hộ nghèo từ 8,59% giảm xuống còn 2,93% vào cuối năm 2010 (tương đương trên 28 ngàn hộ).
Việc xây dựng 18 xã điểm nông thôn mới có những bước chuyển biến, cụ thể trong 33 chỉ tiêu theo Quyết định 74 của UBND tỉnh (ban hành ngày 31-10-2008) đã có 24 chỉ tiêu đạt và vượt.
* Cần sự liên kết
Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch 97 về “tam nông”, đời sống của người dân vùng nông thôn được nâng lên. Song, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại hàng loạt những khó khăn, đòi hỏi các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh xuống địa phương cùng liên kết chặt chẽ để tháo gỡ, tạo ra những bước đột phá nhằm nâng cao thu nhập của người dân hơn nữa. Bởi, sản xuất của nông dân trong tỉnh hiện còn manh mún, chưa quy hoạch được những vùng sản xuất tập trung để đầu tư thâm canh theo chiều sâu. Đồng thời, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Do đó, thu nhập của người dân có tăng nhưng chưa cao. Nông dân vùng sâu, vùng xa còn ít cơ hội tiếp xúc chính sách khuyến nông để được chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật. Hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu, đa số nông dân thiếu vốn đầu tư sản xuất.
Nông dân xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) chuyển đổi đất lúa sang trồng bắp, tăng lợi nhuận. Ảnh: H. GIANG |
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định: “Tam nông rất cần sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành và địa phương mới tạo ra bước đột phá nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân. Thực tế cho thấy, địa phương nào tổ chức tốt công tác triển khai, chỉ đạo tập trung, sát thực tế, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị tỉnh cùng tháo gỡ giải quyết thì địa phương đó làm tốt. Ngoài ra, cùng với sự đầu tư của nhà nước, các địa phương tăng cường vận động phát huy sức mạnh từ dân cùng đóng góp xây dựng nông thôn”.
Hiện nay, các huyện bước đầu chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, muốn phát huy được thế mạnh, theo ý kiến của các kỹ sư nông nghiệp, các địa phương tìm ra cây trồng, vật nuôi thế mạnh để chuyển đổi và sản xuất theo hướng hàng hóa hạ giá thành. Nông dân chủ động liên kết lại tự tìm đầu ra cho sản phẩm và sản xuất gắn với thị trường.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Kế hoạch 97 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành nhấn mạnh, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Do đó, thời gian tới cần triển khai mạnh mẽ cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới. Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tính toán, cân đối và có cơ chế huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bố trí tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho tam nông. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, tăng nhanh tỷ lệ cơ khí hóa trong sản xuất, chế biến và gắn với tiêu thụ sản phẩm để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, góp phần đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn. |
Hương Giang