Dự án (DA) Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành do Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam làm chủ đầu tư vừa được công bố sáng 12-8, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội…
Dự án (DA) Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành do Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam làm chủ đầu tư vừa được công bố sáng 12-8, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội…
Trung tâm xã Suối Trầu hôm nay, một đơn vị hành chính sẽ không còn sau khi hình thành sân bay Long Thành. Ảnh: T. NGUYÊN
Đông đảo người dân nằm trong DA thuộc các xã: Long Phước, Long An, Bình Sơn, Suối Trầu, Bàu Cạn và Cẩm Đường (huyện Long Thành) không khỏi thấp thỏm trước thông tin CHK quốc tế Long Thành sẽ sớm được triển khai. Thực tế, sự kiện đáng quan tâm này đã được người dân chờ đợi từ năm 2006.
* Người dân mong chờ gì?
Chúng tôi đến xã Suối Trầu ngay sau thời điểm Bộ Giao thông - vận tải công bố quy hoạch CHK quốc tế Long Thành. Đây là địa phương sẽ phải giải tỏa trắng khi DA được triển khai xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Hồng Trường: Nhiệm vụ của sân bay quốc tế Long Thành rất lớn! Việt Nam được đánh giá có vị trí địa lý, kinh tế và chính trị quan trọng trong khu vực. Vùng Đông Nam bộ hoàn toàn có thể trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa trong khu vực. Những năm gần đây, tình hình vận tải bằng hàng không trên cả nước tăng nhanh. Riêng sân bay Tân Sân Nhất có công suất từ khoảng trên 15 triệu lượt hành khách/năm nhưng có thời điểm tăng cao hơn. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam lại tăng nhanh qua từng năm, ước vào khoảng 15-20% trung bình mỗi năm. Chỉ tính 7 tháng đầu năm nay, cả nước vận chuyển 21,4 triệu hành khách thì sân bay Tân Sơn Nhất đã phục vụ 11,5 triệu hành khách (tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước) và trong 341 ngàn tấn hàng hóa thì Tân Sơn Nhất cũng chiếm 171 ngàn tấn. Điều này cho thấy, sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải. Bộ đang nghiên cứu trình Chính phủ về giải pháp khả thi đối với hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất. Khả năng sân bay này sẽ giảm dần và có thể ngưng hoạt động sau năm 2035. Chính vì vậy, nhiệm vụ của sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động là rất lớn, đòi hỏi đáp ứng được nhu cầu phục vụ phát triển chung của đất nước nói chung và hàng không nói riêng. Trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ đảm nhiệm 80% tổng lượng khách quốc tế tính luôn cả khách quá cảnh trên các chuyến bay quốc tế và 20% khách quốc nội…
Suối Trầu là vùng kinh tế mới có diện tích trên 1.400 hécta. Toàn xã có 3 ấp với hơn 1.800 hộ. Những năm qua, người dân Suối Trầu sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng thu nhập thường bấp bênh, khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn. 5 năm qua, do nằm trong vùng quy hoạch, nên hầu như xã Suối Trầu không được đầu tư gì nhiều, kể cả giao thông, trường học, trạm xá, nhà văn hóa... Chính vì vậy, khi DA được công bố, nhân dân địa phương rất háo hức. Ông Nguyễn Trí Vĩnh (ấp 2, xã Suối Trầu), một lão nông có hơn 30 năm sống ở Suối Trầu khá bồn chồn khi nói về mai này phải đến nơi ở mới. Ông bảo, người dân Suối Trầu chăm chỉ trong lao động, phát triển kinh tế, song một khi phải rời bỏ ruộng nương, chẳng biết số lao động già như ông sẽ phải bươn chải ra sao.
Cùng suy nghĩ với ông Vĩnh, ông Đặng Tiểu Bình (ngụ ấp 1) tâm sự: “Khi hay tin CHK quốc tế Long Thành công bố quy hoạch, dân trong xã rất háo hức, mong sao DA sẽ nhanh chóng được triển khai đúng tiến độ. Đối với công trình lợi ích quốc gia như sân bay Long Thành, thì việc người dân phải rời bỏ nơi ở cũ, đến nơi ở mới là điều đáng buồn, nhưng ai cũng ủng hộ. Tuy nhiên, Nhà nước cần quan tâm đến chính sách cho người bị thu hồi đất, nhất là về bồi thường, giải tỏa, tái định cư. Mai này khi không còn đất sản xuất, số lao động từ 45 tuổi trở lên sẽ làm việc gì để sống? Đây là điều mà tất cả người dân trong xã Suối Trầu đang hết sức trăn trở, lo lắng”. Ông Bình kiến nghị, khi sống ở nơi tái định cư, người lao động cần được tạo điều kiện, giải quyết việc làm phù hợp với lứa tuổi.
* Tính cạnh tranh cao
CHK quốc tế Long Thành nằm trên địa bàn huyện Long Thành, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 40km về hướng đông-bắc, cách Vũng Tàu 70km theo hướng tây-bắc và cách sân bay Tân Sơn Nhất 43km. DA được dự kiến sẽ khánh thành trước năm 2020. Đến giai đoạn thứ ba (sau năm 2030), tổng công suất phục vụ đạt 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng/năm. Đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai. Vốn đầu tư được huy động từ nhiều nguồn: Quỹ đầu tư phát triển của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ, cổ phần và đầu tư nước ngoài.
Nói về mục tiêu quy hoạch CHK quốc tế Long Thành, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam cho biết, với chức năng trung chuyển hành khách, hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á, sân bay Long Thành có khả năng cạnh tranh cao so với các cảng hàng không lớn trên thế giới. Cụ thể giai đoạn một, sân bay có 2 đường hạ cất cánh song song, kích thước 60mx4.000m, đáp ứng khai thác máy bay A380 hoặc tương đương; hệ thống sân đậu máy bay có 34 vị trí gần và 25 vị trí xa, 1 vị trí cách ly, 3 vị trí cho tàu bay chuyên cơ và 5 vị trí ga hàng hóa. Ngoài ra còn có đài kiểm soát không lưu cùng các công trình phụ trợ khác. Giai đoạn tiếp theo đến năm 2030 (giai đoạn hai) và sau năm 2030 (giai đoạn ba), hệ thống đường lăn, sân đậu máy bay đều đáp ứng yêu cầu của một cảng hàng không quốc tế. Riêng khu hàng không dân dụng có ga hành khách quốc tế, quốc nội và ga hàng hóa.
Trong quy hoạch, sân bay Long Thành có mạng lưới giao thông kết nối với các trục lộ chính trong khu vực. Chẳng hạn đường ra vào cảng, ở hướng tây-nam nối trực tiếp với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi về đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, phía đầu hướng đông-bắc nối với đường vành đai 4; tuyến đường sắt cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Nha Trang và tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành kết nối ngầm với CHK quốc tế Long Thành tại phía trục chính trước mặt nhà ga hành khách. Ngoài ra, quốc lộ 51 hiện đang được thi công mở rộng lên đến 8 làn xe (dự kiến hoàn tất vào năm 2012) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi và về sân bay.
Theo tính toán, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động hết công suất, sẽ đảm nhiệm 80% tổng lượng khách quốc tế, tính luôn cả khách quá cảnh trên các chuyến bay quốc tế và 20% khách quốc nội. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giảm dần lượng phục vụ các chuyến bay và không đảm nhận các chuyến bay trung chuyển cũng như khách quá cảnh trên các chuyến bay quốc tế. Như vậy, CHK quốc tế Long Thành sẽ là thủ phủ hàng không của Việt Nam trong tương lai.
Dự án cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành có ý nghĩa lớn và rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội không chỉ ở Đồng Nai mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi đi vào hoạt động, CHK quốc tế Long Thành sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong toàn khu vực. Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch CHK quốc tế Long Thành trên địa bàn Đồng Nai với tính chất quy mô của một dự án mang tầm vóc quốc gia, đánh dấu bước phát triển mới của ngành hàng không Việt Nam. Việc hình thành CHK quốc tế Long Thành trên diện tích hơn 5 ngàn hécta sẽ có ảnh hưởng nhất định đến một bộ phận dân cư sinh sống, cần phải di dời ra khỏi phạm vi quy hoạch. Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh đã chuẩn bị triển khai hai khu vực tái định cư ở Lộc An - Bình Sơn (diện tích 282 hécta) và Bình Sơn (284 hécta), đều ở huyện Long Thành, dành cho trên 5 ngàn hộ dân có đất bị thu hồi. Ngoài những khu vực dân cư mới, tỉnh Đồng Nai cũng đã triển khai nghiên cứu, lập quy hoạch chung khu vực 21 ngàn hécta xung quanh CHK quốc tế Long Thành, nhằm chuẩn bị cơ sở để xây dựng, định hướng phát triển phù hợp với yêu cầu của địa phương trong những giai đoạn tiếp theo. |
Đỗ Duy