Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập rất nhiều về những tác hại của các đập thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai, nhất là hai công trình thủy điện 6 và 6A. Bởi, nếu 2 công trình này được xây dựng thì hàng trăm hécta rừng đầu nguồn sẽ mất và hệ sinh thái Vườn quốc gia Nam Cát Tiên sẽ bị phá vỡ…
Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập rất nhiều về những tác hại của các đập thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai, nhất là hai công trình thủy điện 6 và 6A. Bởi, nếu 2 công trình này được xây dựng thì hàng trăm hécta rừng đầu nguồn sẽ mất và hệ sinh thái Vườn quốc gia Nam Cát Tiên sẽ bị phá vỡ…
Vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên mai này sẽ biến mất nếu xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Sự phát triển ồ ạt, tràn lan các công trình thủy điện trên sông Đồng Nai còn dẫn đến nguy cơ đe dọa môi trường. Bởi, nguồn tài nguyên nước trên lưu vực sông Đồng Nai khi đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây tác động không nhỏ về mặt an sinh xã hội cho các tỉnh vùng hạ lưu, trong đó có Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường đại học Cần Thơ đưa ra câu hỏi: Nếu tất cả công trình trên (hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, cùng với 20 nhà máy thủy điện bậc thang khác) khi hoàn thành, đưa vào sử dụng và đồng loạt vận hành thì ở vùng hạ lưu sẽ ra sao?
* Xây các đập thủy điện có tính đến lợi ích dân sinh?
Lưu vực sông Đồng Nai nằm trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố (Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương , Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Thuận và Ninh Thuận) với các hệ thống sông: Đồng Nai (13.858km2), La Ngà (4.100km2), Sông Bé (7.650km2), Vàm Cỏ Đông (6.155km2) và Vàm Cỏ Tây (6.938km2). Tính đến nay, chỉ trên nhánh chính của sông Đồng Nai đã có đến 9 đập thủy điện, gồm: Đạ Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai (2, 3, 4, 5, 6, 6A) và thủy điện Đồng Nai. Trên chi lưu La Ngà có 5 công trình thủy điện, gồm: Đại Nga, Hàm Thuận, Đa Mi, La Ngâu và Bảo Lộc. Tương tự, trên chi lưu sông Bé cũng có đến 6 công trình: Dak Glun, Dak Gluk 2, Thác Mơ, Thác Mơ mở rộng, Cần Dơn và Srok Phumieng.
Hiện nay, trong lưu vực này có dân số gần 20 triệu người. Đây cũng là vùng phát triển kinh tế năng động bậc nhất cả nước, có mật độ khu công nghiệp dày đặc, tốc độ đô thị hóa cao và tất cả đều sử dụng nguồn nước ngọt “quý giá” từ sông Đồng Nai. Trong khi đó, tài nguyên nước ở sông Đồng Nai chỉ đứng vào loại trung bình so với cả nước (bình quân đầu người 2.200m3/năm, bình quân cả nước 9.600m3/năm) và đang chịu nhiều áp lực, dẫn đến nguồn nước bị suy thoái và cạn kiệt do sử dụng quá mức; ô nhiễm nguồn nước đang tăng dần...
Trong khi đó, báo cáo của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết, lưu vực sông Đồng Nai và vùng phụ cận hiện đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về nguồn nước và cảnh quan môi trường. Nhiều nhà khoa học chỉ rõ: Quy hoạch thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai đang bị thay đổi một cách tùy tiện, chưa được xem xét một cách thấu đáo về lợi ích chung trong phòng lũ, cấp nước, môi trường.
Còn theo UBND TP.Hồ Chí Minh, việc xây dựng nhiều công trình thủy điện trên đầu nguồn sông Đồng Nai đã và đang tác động lớn đến môi trường sinh thái trong lưu vực, như: nguồn nước bị ô nhiễm, làm suy giảm diện tích rừng do việc phá rừng đầu nguồn để lấy mặt bằng xây dựng công trình thủy điện. Quá trình tích nước, xả nước khi vận hành nhà máy cũng là nguyên nhân gây ra lũ lớn trong mùa mưa bão và có thể gây tác động không tốt, hoặc cạn kiệt nước trong vùng khô hạn cho vùng hạ lưu, khiến nước sinh hoạt, sản xuất thiếu trầm trọng. Thực tế, trong mùa khô vừa qua, mực nước sông Đồng Nai đã giảm khoảng 20cm và nước mặn xâm nhập sớm hơn 2 tháng so với các năm trước, khiến nhiều nhà máy nước như: Tân Hiệp, Thủ Đức phải ngừng hoạt động khoảng 2 - 6 giờ/ngày. Riêng thủy điện Trị An, năm nay nguồn nước vẫn đang nằm dưới mực nước chết dù đang cao điểm mùa mưa.
Theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (Viện Sinh học nhiệt đới), do ảnh hưởng của những thủy điện bậc thang trên thượng nguồn đang hoạt động, khiến lưu lượng và dòng chảy tại khu vực này khác trước rất nhiều. Chính vì vậy trong thời gian tới, nếu thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (cách địa điểm xây dựng thủy điện 6 chừng 4km đường chim bay) được xây dựng, thì ở vùng hạ lưu thiếu nước là điều chắc chắn. Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy hội sông Mekong Việt Nam thì nói, tài nguyên nước và đất rừng của vùng đầu nguồn cần được nhìn nhận là tài sản chung vô giá của đất nước và của các thế hệ con cháu. Song, thách thức hiện nay đối với phát triển thủy điện trên sông Đồng Nai là khó có thể dự báo trước được điều gì sẽ phát sinh! Ví dụ, có những thay đổi vô cùng to lớn liên quan đến môi trường sinh thái, nhưng lại không xảy ra ồ ạt mà cứ diễn biến từ từ. Đây chính là mối nguy hiểm tiềm ẩn rất khó lường.
* Nhiều thủy điện trên một dòng sông: Lợi hay hại?
Hầu hết các nhà khoa học đều lấy làm lo ngại đối với việc xây dựng nhiều công trình thủy điện trên cùng một lưu vực sông, đó là việc ngăn nước của các nhà máy sẽ làm mất đi dòng chảy sinh thái của sông, ảnh hưởng đến hệ động - thực vật xung quanh, đồng thời diện tích rừng bị thu hẹp, khả năng giữ nước kém, đất đai bị xói mòn, sạt lở…
Các nhà khoa học và nhà báo tại điểm dự kiến xây dựng thủy điện. Ảnh: Tạ nguyên
Thạc sĩ Lê Nhất Thống, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai cho rằng, tình trạng thiếu nước trên lưu vực sông Đồng Nai ngày càng trở nên nghiêm trọng, vì lượng mưa hàng năm ngày càng ít đi (do biến đổi khí hậu), cộng với sự tích nước ở các nhà máy thủy điện, khiến tình trạng xâm nhập mặn phía hạ lưu ngày càng trở nên trầm trọng hơn, đe dọa đến an ninh lương thực và an sinh xã hội trên lưu vực sông Đồng Nai. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, theo ông Thống là do sự thiếu hiểu biết, tư duy về thủy điện. Bởi, thực tế khoa học đã chứng minh rằng, trên cùng một dòng sông chỉ làm một hồ thủy điện thì điện sẽ phát quanh năm, làm hai hồ thủy điện thì thời gian phát điện ngắn lại vài tháng. Và, sự thật này đã diễn ra trước mắt, đó là con sông Đồng Nai đang “gồng mình gánh nặng” vì có quá nhiều nhà máy thủy điện. Ông Thống còn dẫn chứng: “Trong đợt khảo sát về tác động môi trường của các nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai cuối năm 2010 cho thấy, hàng loạt nhà máy phải ngưng hoạt động do thiếu nước. Cụ thể, trong khi hồ thủy điện Trị An nằm gần cuối sông Đồng Nai không tích đủ nước để vận hành nhà máy điện, thì ngược lên thượng nguồn sông Đồng Nai, tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, thủy điện Đồng Nai 2 lại đang trong giai đoạn tích nước để chuẩn bị khởi động các tổ máy. Còn thủy điện Đồng Nai 3 cũng tích lượng nước về hồ rất ít, không thể vận hành được các tổ máy phát điện. Nguyên nhân dẫn đến thiếu nước, khiến các nhà máy phải “nghỉ ngơi”, hoặc hoạt động cầm chừng là do các thủy điện trên thượng nguồn sông Đồng Nai như: Đại Ninh, Đồng Nai 2… cũng đang tích nước để phát điện!
Nhiều nhà khoa học còn lo ngại cho việc xây dựng nhiều công trình thủy điện trên cùng một lưu vực sông sẽ dẫn đến việc phải ngăn nước cho các nhà máy hoạt động và đây cũng chính là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hệ động - thực vật xung quanh, diện tích rừng bị thu hẹp và khả năng giữ nước kém, đất đai sẽ ngày càng bị xói mòn sạt lở. Ông Lê Nhất Thống còn cho biết, chất lượng nước tại các đập về hạ lưu là vấn đề đáng được quan tâm, vì việc điều tiết nước về vùng hạ lưu thấp sẽ không tẩy rửa được ô nhiễm, nhất là tại các đập nước thủy điện...
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho biết, công tác quản lý tài nguyên nước cho toàn lưu vực sông Đồng Nai hiện nay còn chưa được quan tâm đúng mức, vì đang thiếu một “nhạc trưởng”. Ngoài hệ thống quản lý tài nguyên nước đang vận hành, hệ thống lưu vực sông Đồng Nai còn tồn tại 2 tổ chức là Ban Quản lý quy hoạch sông Đồng Nai (2001- trực thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (2009-trực thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường), nhưng hai tổ chức này hầu như không có tiếng nói đối với các vấn đề quan trọng trong khu vực. Ông Tứ còn trích dẫn “thông điệp” của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh, Phòng Nghiên cứu sinh thái (DoE) thuộc Viện Sinh học Nhiệt Đới (ITB): “Phải xem tài nguyên nước - sông ngòi như là mạch máu bảo đảm sự sinh tồn, phát triển của một nền kinh tế - và sự tồn tại của thế hệ hôm nay và mai sau... để có biện pháp phòng tránh nguy cơ đột qụy do tắc nghẽn mạch máu”.
Vì mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, hiện TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Chính phủ, Bộ xem xét không cho xây dựng quá nhiều đập thủy điện trên sông Đồng Nai để hạn chế tác động đến môi trường, tài nguyên động - thực vật, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, an sinh xã hội...
Lê Hiền