Cây sầu riêng cũng như nhiều loại trái cây khác luôn rơi vào cảnh được mùa rớt giá. Thế nhưng, khi trái sầu riêng Đồng Nai được thị trường Mỹ chấp nhận với số lượng không hạn chế thì doanh nghiệp xuất khẩu lại không gom nổi hàng.
Cây sầu riêng cũng như nhiều loại trái cây khác luôn rơi vào cảnh được mùa rớt giá. Thế nhưng, khi trái sầu riêng Đồng Nai được thị trường Mỹ chấp nhận với số lượng không hạn chế thì doanh nghiệp xuất khẩu lại không gom nổi hàng.
Đồng Nai có khoảng 4.500 hécta sầu riêng, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 26 ngàn tấn trái. Vào vụ thu hoạch, nông dân trong tỉnh thường xuyên gặp cảnh giá cả tăng giảm thất thường, đầu ra khó khăn. Năm 2009, Công ty Phát triển công nghệ sinh học DONA-TECHNO (TX. Long Khánh) tìm được thị trường xuất khẩu trái sầu riêng DONA sang Mỹ. Nhưng, khi sản phẩm được thị trường Mỹ chấp nhận và sẵn sàng đặt mua với số lượng lớn lên đến hàng ngàn tấn, thì phía công ty lại không dám ký hợp đồng vì lo không đủ nguồn hàng cung cấp.
* Thừa và thiếu
Sầu riêng ở Đồng Nai được trồng nhiều ở TX. Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ. Tuy nằm trên vùng trồng sầu riêng với diện tích hàng ngàn hécta, song lại đang xảy ra nghịch lý là doanh nghiệp muốn mua đủ hàng để xuất khẩu lại không mua được, còn nông dân bán hàng khó khăn. Nguyên nhân là do diện tích sầu riêng trong tỉnh lớn nhưng mỗi hộ sản xuất một giống khác nhau, như: Ri6, Khổ qua, Chín Hóa, DONA… Có những vườn nông dân trồng vài cây giống này, vài cây giống kia và mỗi hộ theo một quy trình khác nên khi trái sầu riêng chín tuy cùng một giống vẫn có chất lượng khác xa nhau.
Công nhân của Công ty DONA-TECHNO đang đóng gói sầu riêng chuẩn bị xuất khẩu.
Để có trái sầu riêng đồng đều về hình dáng, chất lượng đảm bảo có thể xuất khẩu, năm 1997, Công ty Phát triển công nghệ sinh học DONA-TECHNO đã tiến hành đầu tư giống, phân bón và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho nông dân trong tỉnh và ký hợp đồng bao tiêu trái sầu riêng. Năm 2009, vùng nguyên liệu đầu tư của DONA-TECHNO tại Đồng Nai lên đến trên 400 hécta, công ty đem sản phẩm chào hàng phía Mỹ và được thị trường này khá ưa chuộng. Sau đó, Công ty Wing Produce-Cali, một công ty chuyên nhập khẩu trái cây của Mỹ, đề nghị đặt hàng với số lượng lớn nhưng phía DONA-TECHNO không dám ký hợp đồng xuất trên 20 tấn vì khó mua được hàng đạt yêu cầu.
Trên thực tế, dù công ty đã đầu tư vùng nguyên liệu khá lớn ở Đồng Nai và các tỉnh lân cận như: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông… nhưng vẫn không mua đủ số lượng. Vì sầu riêng làm theo quy trình của DONA cho trái chín sớm, chất lượng ngon nên thương lái vào vườn trả giá cao hơn làm các nhà vườn phá hợp đồng với công ty. Việc thất tín của nhiều nhà vườn đã khiến trái sầu riêng đánh mất cơ hội xuất khẩu để ổn định đầu ra.
* Cần sự liên kết chặt chẽ
Vụ sầu riêng 2011, phía doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đặt hàng trái sầu riêng DONA, phía công ty mới chỉ
xuất khẩu được khoảng 18 tấn. Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc DONA-TECHNO, cho biết: “Trái sầu riêng mang thương hiệu DONA được thị trường Mỹ khá ưa chuộng vì mùi vị thơm ngon. Nếu đủ nguồn hàng có thể xuất khẩu quanh năm. Công ty đã có kho lạnh, trái sầu riêng thu hoạch để vừa chín tới sẽ được đưa vào kho lạnh bảo quản ở nhiệt độ -180C. Với nhiệt độ như trên, trái sầu riêng có thể bảo quản trong 6 tháng. Do đó, các nhà vườn trồng sầu riêng DONA và sản xuất theo quy trình kỹ thuật của công ty, thì vào bất kỳ thời điểm nào có trái công ty cũng mua”. Để có vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo số lượng, chất lượng cho xuất khẩu phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, đồng thời, cả hai bên cần giữ chữ tín để hợp tác phát triển.
Ông Wally Thomrson, Giám đốc Công ty Wing Produce-Cali của Mỹ, cho biết, năm 2009 công ty bắt đầu nhập khẩu trái sầu riêng DONA ở Đồng Nai. Mùi vị của trái sầu riêng DONA được thị trường Mỹ rất ưa thích. Nếu có hàng nhiều, công ty có thể nhập khẩu quanh năm với số lượng lớn. Sau trái sầu riêng, công ty đang tìm kiếm đối tác để nhập khẩu tiếp trái mít tố nữ của Đồng Nai.
Về đầu ra cho trái cây, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo nhận định: “Hiện nay liên kết giữa 4 nhà còn lỏng lẻo, vì vậy trái cây nông dân làm ra thường phải bán qua nhiều khâu trung gian, lợi nhuận của nông dân không cao. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh vận động nông dân tham gia hợp tác xã, có diện tích lớn canh tác theo cùng một quy trình kỹ thuật, sản phẩm làm ra sẽ dễ bán và có thể xuất khẩu. Với thực tế hiện nay, nếu nông dân không gắn kết lại với nhau và liên kết cùng doanh nghiệp thì nông sản sẽ luôn rơi vào điệp khúc được mùa rớt giá”.
Theo tính toán của một số hộ nông dân ký hợp đồng bán sầu riêng cho DONA-TECHNO, canh tác theo đúng quy trình của đơn vị này năng suất đạt từ 10-12 tấn/hécta/năm. Giá công ty bao tiêu là 17 ngàn đồng/kg, trừ chi phí nông dân còn lời khoảng 100 triệu đồng/hécta/năm.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty DONA- TECHNO, sầu riêng giống DONA muốn xuất khẩu qua thị trường Mỹ phải đảm bảo các quy trình kỹ thuật, như: trọng lượng đạt từ 2,5-3,5 kg/trái, hình dạng tương đối tròn đều, có màu xanh đặc trưng, vỏ mỏng, gai nhỏ, sạch sẽ, không có vết bệnh. Trái có múi ngọt, không sượng, không nhiễm chất độc hại cho sức khỏe con người và vật nuôi. Quá trình chăm sóc cây phải có sổ nhật ký ghi lại các công việc đã làm. Mỗi cây trong vườn đánh số riêng và chế độ chăm sóc cho mỗi cây đều được ghi vào nhật ký cho biết quy trình canh tác, thời gian thực hiện công việc, loại phân bón, lượng phân bón, loại thuốc bảo vệ thực vật, diễn biến sinh lý của cây. |
Hương Giang