Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm tổn thất sau thu hoạch bằng lò sấy

09:08, 26/08/2011

Gần đây, một số nông dân mạnh dạn đầu tư lò sấy, nhờ đó đã giảm được 5% lượng nông sản thất thoát.

Gần đây, một số nông dân mạnh dạn đầu tư lò sấy, nhờ đó đã giảm được 5% lượng nông sản thất thoát.

Vụ hè-thu 2011, nông dân Đồng Nai gieo trồng trên 43 ngàn hécta lúa, bắp. Vụ này, lúa, bắp thu hoạch xong gặp khó khăn lớn nhất là phơi khô. Bởi mưa nhiều nên có những ngày không thể đem ra phơi và để lâu sẽ hư, điều này đã khiến nông dân phải chấp nhận bán tươi. Do đó, khâu tổn thất sau thu hoạch của lúa, bắp khá cao, ước tính mỗi năm nông dân mất hàng trăm tỷ đồng.

 * Lợi nhiều mặt

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổn thất đối với cây lúa trên 12% và bắp trên 6%. Trong đó, đa số lúa, bắp bị thất thoát trong quá trình thu hoạch và làm khô. Với tổng sản lượng lúa mỗi năm trên 330 ngàn tấn và bắp hơn 326 ngàn tấn, nông dân trong tỉnh “tự đánh mất” gần 40 ngàn tấn lúa/năm và gần 18 ngàn tấn bắp/năm.

Ông Sanh ở ấp 1, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) có lò sấy lúa đã tiết kiệm được 500 ngàn đồng /tấn lúa so với phơi thông thường.        Ảnh: H. GIANG
Ông Sanh ở ấp 1, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) có lò sấy lúa đã tiết kiệm được 500 ngàn đồng /tấn lúa so với phơi thông thường. Ảnh: H. GIANG

Để hạn chế tổn thất trong phơi khô nông sản, một số nông dân đã mạnh dạn đầu tư lò sấy lúa. Thực tế cho thấy, lúa, bắp thu hoạch về đem vào lò sấy sẽ giảm được khoảng 5% sản lượng thất thoát. Việc dùng lò sấy giảm được gần 500 ngàn đồng/tấn nông sản so với phơi thủ công. Đồng thời, lúa bắp được sấy còn đảm bảo về chất lượng nên thương lái sẵn sàng mua với giá cao hơn trên 200 đồng/kg.

Ông Nguyễn Đức Sanh ở ấp 1, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Trước đây, tôi có đầu tư lò sấy nhưng công suất nhỏ, chủ yếu phục vụ trong gia đình. Thấy vụ hè-thu mưa nhiều, lao động khan hiếm, nhu cầu sấy lúa của bà con trong ấp tăng cao nên vừa qua tôi mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng nâng cấp lò sấy lên 8 tấn/mẻ để sấy thuê cho bà con. Một mẻ lúa thu hoạch về sấy chỉ từ 10-12 giờ là xong, rẻ hơn công phơi gần 500 ngàn đồng/tấn. Do có lợi nên đa số bà con trong xã có nhiều lúa đều thuê sấy nhằm tránh lệ thuộc vào thời tiết”. Ông Nguyễn Quý Minh, ấp 5 xã Bình Lợi, nói: “Gia đình tôi có 4 hécta đất chuyên canh lúa 3 vụ/năm. Mỗi vụ tôi thu khoảng 20 tấn lúa, sân phơi không có nên đa phần phải phơi ngoài đường rất khó khăn, chưa kể có khi thu hoạch xong gặp mưa mấy ngày liền không phơi được đành bán tươi với giá rẻ hơn rất nhiều so với bán khô. Vì vậy, tôi đầu tư lò sấy với công suất gần 1 tấn/mẻ. Lúa được sấy, giảm được thất thoát, thương lái vào tận nhà mua với giá cao hơn khi chưa phơi trên 200 đồng/kg”.

Theo tính toán của nông dân, dùng lò sấy lúa, bắp giảm công phơi, giảm hao hụt và giá bán cao hơn, tính ra có lợi khoảng 1 triệu đồng/tấn.

 * Nhanh thu hồi vốn

Hiện nay đầu tư cho lò sấy có công suất từ 8-15 tấn nông sản/mẻ, tốn khoảng từ 50-100 triệu đồng/lò. Tuy vốn ban đầu bỏ ra nhiều, song chỉ sau 1 vụ chủ lò sấy có thể thu hồi vốn. Ông Sanh cho hay: “Tôi hoàn tất việc nâng cấp lò sấy cách đây gần 1 tháng. Từ đó đến nay tôi sấy được khoảng 30 mẻ, mỗi mẻ trừ tiền củi, điện… còn lời hơn 1 triệu đồng. Tôi ước tính chỉ sau 1 vụ sẽ thu hồi vốn”. Ông Trần Quang, Chủ nhiệm Liên hiệp CLB Xuân Tiến, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), cho biết: “Cách đây 2 năm, Liên hiệp CLB đầu tư 100 triệu đồng xây lò sấy nông sản có công suất khoảng 15 tấn/mẻ. Chỉ sau 1 vụ có thể thu hồi vốn, đồng thời giảm nhiều công phơi, giảm tổn thất cho các thành viên của liên hiệp”.

Ông Trần Viết Huy, Trưởng trạm khuyến nông huyện Vĩnh Cửu, cho biết: “Vụ hè-thu, nông dân trong huyện sản xuất gần 2 ngàn hécta lúa và bắp nên nhu cầu sấy nông sản rất cao. Nắm bắt cơ hội này, thời gian gần đây, nhiều nông dân đã tự bỏ vốn ra làm lò sấy. Toàn huyện hiện có 17 lò sấy nông sản. Tới đây, Trạm khuyến nông sẽ hỗ trợ nông dân làm thêm lò sấy và tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình”.

Theo ông Vũ Quốc Ái, Phó phòng Kỹ thuật thuộc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, tổn thất lúa bắp chủ yếu ở khâu thu hoạch và làm khô. Vì thế, sử dụng máy móc để thu hoạch và dùng lò sấy làm khô sẽ giảm thất thoát nông sản xuống dưới 3%. Như vậy, giá thành của sản xuất lúa, bắp sẽ hạ, lợi nhuận của nông dân sẽ tăng cao.

Hương Giang


 

 

 

Tin xem nhiều