Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường tỉnh 769 không thể “gánh nổi” xe tải trọng 40 tấn!

11:08, 05/08/2011

Đoạn 1 của đường tỉnh (ĐT) 769 dài 33,38 km, bắt đầu từ ngã tư Dầu Giây (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) đến ngã tư Lộc An (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) được xây dựng từ năm 2001. Trong 10 năm phục vụ lưu thông, ĐT 769 chưa được đại tu, nâng cấp nên hiện nay đã xuống cấp…

 

Đoạn 1 của đường tỉnh (ĐT) 769 dài 33,38 km, bắt đầu từ ngã tư Dầu Giây (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) đến ngã tư Lộc An (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) được xây dựng từ năm 2001. Trong 10 năm phục vụ lưu thông, ĐT 769 chưa được đại tu, nâng cấp nên hiện nay đã xuống cấp…

ĐT 769 được thiết kế đường cấp IV, rộng 7m, chỉ phục vụ xe có tải trọng 10 tấn. Tuy nhiên thời gian qua, do phải “gánh” những đoàn xe trốn trạm cân Dầu Giây có tải trọng từ 20 - 30 tấn nên mặt đường hiện hư hỏng nặng nề.

 * Dân phập phồng lo sợ!

Hướng dẫn chúng tôi đi khảo sát toàn tuyến ĐT 769, ông Lê Quang Bình, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ, đường thủy (Sở Giao thông - vận tải) cho biết, tuổi thọ của đường ở Việt Nam chỉ đảm bảo phục vụ tốt trong 5 năm. Quá thời hạn này phải đại tu, nâng cấp lại. Ở Đồng Nai, do kinh phí eo hẹp nên nhiều tuyến đường không đại tu mà chỉ duy tu, bảo dưỡng, trong số này có ĐT 769 đã hết hạn sử dụng!

Tất cả cầu trên ĐT 769 không thể “cõng” xe tải trọng 40 tấn.
Tất cả cầu trên ĐT 769 không thể “cõng” xe tải trọng 40 tấn.

 

 Hiện tại, toàn tuyến ĐT 769 tính từ ngã tư Dầu Giây đến ngã tư Lộc An (đường tránh thị trấn Long Thành), gần như bị hư hỏng nặng vì tình trạng nứt chân chim chạy dài xuyên suốt. Ngoài ra, không ít đoạn đường bị xói lở hoặc ổ trâu, ổ gà. Nhìn chung, ĐT 769 như là chiếc áo rách nham nhở bởi liên tục có những đoạn sửa chữa chắp vá và những chỗ lồi lõm mới. Theo ông Bình, ĐT 769 hiện “khá” hơn nhiều so với thời gian trước, vì hàng ngày lực lượng công nhân thường xuyên đi dặm vá những chỗ hư hỏng do xe tải nặng gây ra. Nhưng đang trong mùa mưa, từ những đoạn nứt nẻ thì chắc chắn sẽ có nhiều chỗ mới bị phá hỏng. Điều này cho thấy, ĐT 769 sẽ còn rệu rạo hơn nếu không nhanh chóng đại tu, nâng cấp.

Dọc hai bên ĐT 769 có nhiều khu dân cư san sát, ngoài ra còn một số trường học, nhà thờ, chợ. Tại trung tâm xã Bình Sơn (Long Thành) - nơi tập trung nhiều dịch vụ, hàng quán và trường học, không ít người dân đã thể hiện bất bình về kế hoạch vận chuyển bauxite trên ĐT 769. Một số người cho biết, họ rất lo sợ cho sự an toàn của người đi đường và dân cư, nhất là học sinh trong thời điểm đến trường. “Rất nguy hiểm. Bởi ngay trong giai đoạn này trên ĐT 769 thường xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) chết người. Vì vậy, khi lượng xe siêu trọng chở bauxite liên tục qua lại thì khó có thể tránh được những sự cố bất trắc!” - một cựu chiến binh ở xã Bình Sơn nhận định.

* Những chiếc cầu không an toàn!

Trên đoạn 1 thuộc ĐT 769 có 5 cầu gồm: Suối Bí, Cái Hảo, An Viễng, cầu Bản, Bình Sơn. Trong số này cầu Suối Bí được nâng cấp đầu năm 2011, tải trọng 30 tấn. Còn lại cầu Cái Hảo xây dựng cách đây 10 năm, tải trọng 25 tấn. Tương tự là cầu Bản, tải trọng 25 tấn. Còn cầu Bình Sơn xây dựng năm 2009, tải trọng 30 tấn. Đáng kể là cầu An Viễng đã hoạt động qua 20 năm, do đó khó có thể “cõng” đủ lực như đã ghi trên bảng cảnh báo. Thực tế, số cầu trên đã “có tuổi” nên đang có hiện tượng xuống tải. Một trong những tác nhân khiến tải trọng cầu nhanh chóng giảm, đó là tình trạng xe tải nặng trốn trạm cân Dầu Giây thời gian qua.

 

Ông Dương Danh Quý, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh không khỏi bức xúc khi nói về thực trạng cầu đường ở Đồng Nai, đặc biệt là những tuyến nằm trong kế hoạch vận chuyển bauxite. Theo ông Quý, xe chuyên dùng đi trên đường còn có thể tháo gỡ những vấn đề liên quan đến trọng tải, nhưng đối với cầu thì quả là nan giải. Ví dụ như, tải trọng cầu chỉ 20 tấn thì không thể nào phục vụ được xe có tải trọng lớn hơn. Đây là nguyên tắc về mặt kỹ thuật. Bởi khi trọng tải xe vượt quá quy định, khi lên cầu chắc chắn sẽ tác động mạnh đến mặt cầu và móng cầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ công trình. Do đó, việc vận chuyển bauxite trên ĐT 769 trong giai đoạn này là không khả thi.

Cùng quan điểm với ông Quý, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Hòa Hiệp nhấn mạnh, trong thời gian gần đây, cử tri rất gay gắt về kế hoạch vận chuyển bauxite qua địa bàn Đồng Nai nói chung và ĐT 769 nói riêng. Một trong những nguyên nhân gây phản ứng trong dư luận, đó là các tuyến đường không đảm bảo ATGT vì mật độ phương tiện đã vượt quá thiết kế. Chỉ tính riêng ĐT 769 năm 2010 đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông làm chết 3 người; 6 tháng đầu năm 2011 xảy ra 9 vụ, làm chết và bị thương 9 người. Vì vậy, trong thời gian tới, nếu kế hoạch vận chuyển bauxite vẫn thực hiện, trong khi đường sá chưa được gia cố, nâng cấp, nhất là cầu, thì rất dễ xảy ra thảm họa, đe dọa tính mạng của nhân dân, đồng thời phá vỡ hạ tầng kỹ thuật do xe chuyên chở bauxite gây ra.

 

* Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - than khoáng sản Việt Nam (doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng dự án Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng) Dương Văn Hòa: Không thể ngày một ngày hai là nâng cấp, mở rộng ĐT 769!

Ngày 16-7-2010, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp bàn về phương án vận chuyển bauxite khi chưa có cảng Kê Gà (Bình Thuận). Theo đó, Phó thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp - than khoáng sản Việt Nam ứng trước kinh phí nâng cấp các tuyến ĐT, trong đó có đường 769. Vấn đề này, Bộ Giao thông - vận tải đã giao cho Tổng cục Đường bộ lập dự án. Song thực tế, muốn đại tu, nâng cấp công trình phải có hợp đồng cụ thể, đơn vị nào làm chủ đầu tư, đơn vị nào thi công. Bên cạnh đó, việc giải ngân, quyết toán ra sao để doanh nghiệp có thể hoàn vốn là điều Tập đoàn phải cân nhắc, tính toán kỹ. Nói cách khác, nếu ứng vốn xây dựng ĐT 769 như tinh thần Phó thủ tướng chỉ đạo, chắc chắn không thể ngày một ngày hai có thể thực hiện ngay được.

* Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) Trần Duy Nhân: Xe vận chuyển bauxite không mua phí cầu đường là không công bằng!

BVEC là doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng QL51 thì phải được thu phí cầu đường để sớm thu hồi vốn. Song ở đây, xe vận chuyển bauxite từ ĐT 769 ra QL51 không phải mua phí cầu đường sẽ gây thiệt thòi cho doanh nghiệp. Bởi, tải trọng xe chuyên chở bauxite lên đến 40 tấn thì không thể đảm bảo an toàn cho cầu đường trên QL51, mặc dù đường mới thi công. QL51 hiện đã quá tải với trên 25 ngàn lượt xe/ngày đêm, thời gian tới tăng thêm hàng trăm xe “siêu trường, siêu trọng” thì QL51 nhanh chóng xuống cấp là điều đương nhiên. Trong khi đó, đoàn xe 40 tấn của Tập đoàn Công nghiệp - than khoáng sản việt Nam nếu liên tục đi về hàng ngày trên tuyến đường này mà không phải trả phí giao thông là điều hết sức vô lý.

 

Tạ Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều