Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp “ngóng” giảm lãi suất

08:08, 28/08/2011

Cuộc họp của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình với 12 ngân hàng thương mại (NHTM) ngày 26-8 tại Hà Nội đã phát tín hiệu rằng lãi suất sẽ giảm về 17 - 19% trong tháng 9. Tuy chưa công bố chính sách hay đường hướng gì cụ thể, song giới DN đang kỳ vọng vào điều này vì đã “chịu hết xiết” với lãi suất trên dưới 20%/năm suốt một thời gian dài.

Cuộc họp của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình với 12 ngân hàng thương mại (NHTM) ngày 26-8 tại Hà Nội đã phát tín hiệu rằng lãi suất sẽ giảm về 17 - 19% trong tháng 9. Tuy chưa công bố chính sách hay đường hướng gì cụ thể, song giới DN đang kỳ vọng vào điều này vì đã “chịu hết xiết” với lãi suất trên dưới 20%/năm suốt một thời gian dài.

Trong vài tháng qua, một số ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất VNĐ hoặc tung ra những chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất - xuất khẩu với mức lãi suất ưu đãi hơn so với mặt bằng chung. Tuy thế, lãi suất vẫn còn cao.

* Giảm nhẹ, vẫn còn cao

Thực tế,  mức lãi suất mà một số ngân hàng có thể giảm chỉ… chút ít và chưa thực sự “đỡ đần” được DN trong giai đoạn khó khăn này. Cụ thể, ngân hàng Vietcombank trong tháng 8 đã giảm lãi vay khoảng 0,5%/năm, hiện đang áp dụng mức lãi suất khoảng 18,5% cho các khoản ngắn hạn và 19%/ năm cho trung - dài hạn. Tương tự, Eximbank cũng đã giảm lãi suất cho các DN xuất khẩu thông qua những chương trình tài trợ xuất khẩu, như: “tài trợ xuất khẩu bằng VNĐ với lãi suất ưu đãi” hoặc “tài trợ xuất khẩu bằng VNĐ với lãi suất ngoại tệ”. Trước đó, HDBank cũng triển khai cho vay ưu đãi với DN hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ dành cho khách hàng phục vụ ngành sản xuất lắp ráp ô tô, lắp ráp xe máy, thiết bị điện tử tin học, thiết bị gia dụng, cơ khí - chế tạo máy, dệt may, da giày với lãi suất cho vay ưu đãi hơn so với lãi suất cho vay thông thường. Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng công bố chương trình tín dụng đặc biệt “tiếp vốn kinh doanh, ưu đãi lãi suất” dành cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh áp dụng từ nay đến cuối năm 2011.

Một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay, song mức giảm khá nhẹ và chưa thực sự hỗ trợ DN. Trong ảnh: Giao dịch tại Eximbank Đồng Nai.
Một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay, song mức giảm khá nhẹ và chưa thực sự hỗ trợ DN. Trong ảnh: Giao dịch tại Eximbank Đồng Nai.

Hầu hết các ngân hàng hạ lãi suất đều chọn mức giảm từ 1 - 2%/năm so với mức lãi thông thường, song như nhận xét của một DN lớn trong ngành xuất khẩu tại Đồng Nai thì sự ưu đãi trên không mấy tác dụng bởi mức lãi thông thường của một số ngân hàng vốn dĩ đã rất cao.

Khảo sát thực tế cho thấy, hiện vẫn còn nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay rất cao. Lãi suất vay được các chi nhánh ngân hàng công bố tại Đồng Nai hiện tại phổ biến ở mức 18 - 20% (nhóm các ngân hàng lớn) và từ 20 - 23% (nhóm các ngân hàng nhỏ). Và mặc dù gần đây lãi có xu hướng giảm, nhưng theo phản ảnh của nhiều DN cho thấy, một số ngân hàng đang cho vay lãi suất thực tế lên đến 24 - 25%/năm chứ không phải ở mức 20-23% như công bố.

* Bao nhiêu là hợp lý?

Cũng kỳ vọng vào những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm lãi suất, song nhiều DN cũng cho rằng, lãi suất vay phải giảm một cách thực tế với mức giảm thuyết phục mới có thể hỗ trợ DN phần nào trong “cuộc chiến” khắc nghiệt để tồn tại và phát triển kinh doanh. Vậy, lãi suất giảm bao nhiêu là hợp lý?

Ông Trần Tấn Phát, Giám đốc Công ty TNHH Tuyết Tấn Phát (TP. Biên Hòa) chuyên kinh doanh lĩnh vực xe hơi,  nói rằng hy vọng từ nay đến cuối năm, lãi suất vay ngắn hạn sẽ kéo về mức 15 - 16%, và với các DN có ý định đầu tư trung - dài hạn thì lãi suất chỉ nên dừng ở mức 12%, bởi những dự án đầu tư trung và dài hạn như: xây dựng nhà máy, đầu tư máy móc dây chuyền mới… phải mất nhiều năm mới hoàn thành.

Tương tự, ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) cho rằng, về lâu dài, lãi suất nên về quanh mốc 12% và từ nay đến cuối năm, cố gắng về mức 15 - 16%. Lý giải vì sao lại kỳ vọng ở mức lãi suất gần như “không tưởng” này nếu xét trên tình hình lạm phát hiện tại, ông Phục nêu thực trạng, đa số DN trong tổng công ty đều hoạt động trong ngành nông nghiệp với tỷ suất lợi nhuận chỉ từ 10 - 15% và hiện đều đang gặp rất nhiều khó khăn với vấn đề lãi suất, thậm chí nhiều đơn vị đang chịu lỗ. Theo đó, chỉ khi lãi suất giảm một cách thực sự, DN mới có cơ hội “sống sót”.

Đang phải vay vốn tại một ngân hàng TMCP với mức lãi trên 20%/năm, ông Đỗ Tấn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Thanh Hưng (TP. Biên Hòa) lại cho rằng, với mức tăng CPI như hiện tại, cộng thêm lãi suất huy động cao nên khả năng lãi suất giảm mạnh như mong muốn của giới DN là rất khó, do đó từ nay đến cuối năm, ông Hưng hy vọng lãi sẽ  về  khoảng 17%/năm.  “Còn với mức lãi trên 20%/ năm như hiện tại, DN chỉ có thể cố gắng cầm cự chứ không thể nghĩ đến chuyện mở rộng kinh doanh hoặc đầu tư các dự án dài hơi được” - ông Hưng nói.

Vi Lâm

Tin xem nhiều