Trong số 3 khu công nghiệp (KCN) của ngành cao su đầu tư ở Đồng Nai, hiện chỉ có KCN Bàu Xéo “ăn nên làm ra”, các KCN còn lại vẫn trong cảnh đìu hiu, vắng bóng nhà đầu tư…
Trong số 3 khu công nghiệp (KCN) của ngành cao su đầu tư ở Đồng Nai, hiện chỉ có KCN Bàu Xéo “ăn nên làm ra”, các KCN còn lại vẫn trong cảnh đìu hiu, vắng bóng nhà đầu tư…
Thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, ngành cao su đã thành lập hàng loạt công ty cổ phần với nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ kinh doanh bất động sản, chế biến gỗ cao su cho đến xây dựng khu công nghiệp. Hiện nay, trong số 3 KCN do ngành cao su đầu tư trên địa bàn Đồng Nai, chỉ có KCN Bàu Xéo là thành công nhất, với tỷ lệ cho thuê đất lên đến hơn 80% (Theo báo cáo của Ban quản trị KCN này). Hai KCN Long Khánh và Dầu Giây tỷ lệ cho thuê đất chưa đến 5%.
* Mòn mỏi chờ người thuê
Theo quy hoạch, KCN Long Khánh (xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) thành lập từ năm 2007 có diện tích 264 hécta, trong đó đất dành cho thuê sản xuất 180 hécta và số còn lại là đất xây dựng hạ tầng giao thông, kho bãi, cây xanh. Đến nay đã hơn 4 năm nhưng KCN này hiện chỉ mới có 3 nhà đầu tư vào thuê đất với diện tích khoảng 7 hécta. Trong đó, chỉ có Công ty cổ phần chế biến gỗ cao su Đồng Nai đi vào hoạt động với 160 công nhân; hai công ty còn lại còn đang xây dựng nhà xưởng…
Công nhân chế biến gỗ tại KCN Long Khánh. |
Không mấy khả quan hơn, KCN Dầu Giây (nằm trên trục đường tỉnh769 thuộc xã Xuân Thạnh và Bàu Hàm II, huyện Thống Nhất) với diện tích quy hoạch 330 hécta, trong đó có 192 hécta đất cho thuê sản xuất đã khởi công từ năm 2006 nhưng đến nay cũng mới cho thuê được khoảng 8 hécta. Công ty TNHH chế biến thức ăn gia súc DE HEUS (Hà Lan) thuê 5,2 hécta và Công ty cổ phần khoáng sản - than Đông Bắc thuê gần 1,8 hécta.
* Xây dựng kiểu cuốn chiếu
Ông Lê Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Long Khánh cho rằng, do tình hình lạm phát, giá cả các nguyên vật liệu tăng, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp... là một trong những khó khăn khiến các nhà đầu tư chững lại! Bên cạnh đó, do lãi suất ngân hàng cao đến trên dưới 20% như hiện nay nên các doanh nghiệp không dám vay để mở rộng đầu tư.
Các KCN Long Khánh và Dầu Giây chỉ cách những cảng sông, cảng biển lớn như: Phú Mỹ, Thị Vải, Gò Dầu, Cái Mép từ 65 đến 75km. KCN Dầu Giây cách TP.Hồ Chí Minh 70km. Hiện tại giá cho thuê ở KCN Long Khánh chỉ từ 2 - 3USD/m2. Nhà đầu tư có thể trả tiền thuê đất một lần hoặc từng năm. |
Được biết, Công ty cổ phần đầu tư KCN Long Khánh có vốn điều lệ là 120 tỷ đồng (do 4 cổ đông đóng góp là Tổng công ty cao su Đồng Nai, Công ty cao su Bà Rịa, Công ty cao su Hàng Gòn (Đồng Nai) và Công ty cao su Hòa Bình - Bà Rịa). Trong khi đó, theo thiết kế, KCN Long Khánh cần đến hơn 600 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng bao gồm: điện, đường giao thông, nhà máy xử lý nước thải… Như vậy, nếu sử dụng hết vốn điều lệ thì KCN Long Khánh cũng chỉ đảm bảo có được 20% kinh phí đầu tư. Đó là chưa kể, khi thanh lý diện tích trồng cao su để lấy đất xây dựng KCN, Công ty cổ phần KCN phải trả cho Tổng công ty cao su Đồng Nai khoảng 600 triệu đồng/hécta và với tổng số 264 hécta, KCN Long Khánh sẽ phải trả cho Tổng công ty cao su Đồng Nai hơn 158 tỷ đồng. Còn KCN Dầu Giây cần tới 228 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ của Công ty cổ phần KCN Dầu Giây chỉ có 120 tỷ đồng. Như vậy, số tiền đền bù diện tích cao su còn lớn hơn số vốn điều lệ mà các Công ty cổ phần KCN cao su hiện có. Vì vậy, hiện tại các công ty cổ phần KCN vẫn còn nợ tiền thanh lý cao su với Tổng công ty cao su Đồng Nai.
Được biết, dù quy hoạch diện tích đến 264 hécta nhưng đến nay KCN Long Khánh mới thanh lý 150 hécta trồng cao su. Cũng theo ông Hùng, do chưa thu hút được nhà đầu tư vào thuê đất và do thiếu vốn nên chủ trương của hội đồng quản trị chỉ đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, tức là có nhà đầu tư thuê đất đến đâu thì mở rộng quy mô KCN đến đó để hạn chế thua lỗ. “Đầu tư dàn trải mà không có người thuê, thì càng đầu tư nhiều sẽ càng lỗ nặng”- ông Hùng nói.
Cả hai KCN Dầu Giây và Long Khánh đều được hình thành từ khoảng cuối năm 2006 đến đầu năm 2007, giai đoạn nền kinh tế kinh tế thế giới bước vào thời kỳ suy thoái, do đó thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta nói chung và Đồng Nai nói riêng cũng vì thế bị ảnh hưởng, trong đó có các KCN của ngành cao su. “Tuy nhiên, nếu xét những lợi thế về vị trí địa lý của hai KCN này thì hoàn toàn có thể tin tình hình sẽ khả quan hơn khi tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành, và xa hơn là dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành” - ông Lê Văn Cường, Trưởng phòng tuyên truyền thi đua văn thể, Tổng công ty cao su Đồng Nai bày tỏ lạc quan.
Thống Nhất