Sau khi Báo Đồng Nai ra ngày 23-8 đăng bài “Thua đậm trên sân nhà”, đề cập tới lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đang bị doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài “thâu tóm”, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thanh Bình (biểu tượng “Con heo đỏ”) kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đã dành cho phóng viên một cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Sau khi Báo Đồng Nai ra ngày 23-8 đăng bài “Thua đậm trên sân nhà”, đề cập tới lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đang bị doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài “thâu tóm”, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thanh Bình (biểu tượng “Con heo đỏ”) kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đã dành cho phóng viên một cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Đức Bình
Yếu kém về tư duy và chiến lược phát triển thị trường
* PV: Là một nhà chăn nuôi và sản xuất TĂCN lớn, ông nghĩ gì khi doanh nghiệp trong nước đang “thua đậm” trên sân nhà?
- Ông Phạm Đức Bình: Đúng là đã có một thời kỳ rất hưng thịnh của các doanh nghiệp sản xuất TĂCN trong nước, đó là vào khoảng những năm 1995 - 1997. Hồi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương và Đồng Nai đã tạo ra những tên tuổi, thương hiệu mà người chăn nuôi trong khu vực đều biết đến. Thậm chí, DN sản xuất đến “bở hơi tai” cũng không đáp ứng đủ số lượng TĂCN cho khách hàng. Lúc bấy giờ cũng đã có những nhà đầu nước ngoài (ĐTNN) nổi tiếng về ngành chăn nuôi và TĂCN nhảy vào làm ăn tại Việt Nam, như: CP (Thái Lan), Cargill (Mỹ), Proconco (liên doanh Pháp - Việt)… Thế nhưng, DN trong nước vẫn phát triển mạnh, tạo được uy tín với người chăn nuôi. Nhiều DN ở Đồng Nai sau đó còn mở rộng thị trường và xây dựng thêm nhà máy chế biến TĂCN ở miền Bắc.
Sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn. Ảnh: K.M
Đến nay, tình hình đã khác hẳn, ngành chăn nuôi trong nước (bao gồm con giống và sản xuất TĂCN) đang bị các DN ĐTNN chi phối khá lớn. Ngày càng có nhiều nhà ĐTNN nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi và TĂCN, ngược lại có không ít DN sản xuất tên tuổi trong nước đã “biến mất”!
* Theo ông, nguyên nhân vì sao?
- DN trong nước thua trên sân nhà chủ yếu do chính mình yếu kém. Cần phải nhìn thẳng vào sự thật là hầu hết DN trong nước đi lên từ mô hình làm ăn theo kiểu gia đình, do vậy tư duy và tầm nhìn chiến lược có bị hạn chế; chưa có kinh nghiệm về tiếp thị, quảng bá thương hiệu và phát triển thị trường; kỹ năng quản trị doanh nghiệp yếu kém. Điều này cho thấy, nhiều DN trong nước làm ăn theo lối suy nghĩ “tiểu nông”, cứ sản xuất ồ ạt cho đến khi phát triển rộng lớn thì lúng túng, không biết làm sao “nắm giữ” cho được thị phần, hoặc như xây thêm nhà máy mới ở địa phương khác thì không có đủ năng lực quản trị cho hiệu quả. Cũng có không ít DN trong nước khi làm ăn gặp thời, phất lên mạnh thì mắc bệnh chủ quan, tự mãn, không đầu tư cho cải tiến công nghệ và xây dựng thương hiệu. Trong khi DN ĐTNN có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh cạnh tranh, trước khi vào Việt Nam họ đã nghiên cứu kỹ thị trường và có chiến lược phát triển sản xuất bài bản. Họ có bước đi vững chắc, xây dựng nhà máy ở đâu là phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường đến đó. Họ biết làm quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, đồng thời năng lực, trình độ quản trị doanh nghiệp cũng rất tốt.
* Vậy còn có tác động gì khác khiến DN trong nước sụt giảm?
- “Cái bệnh” phổ biến của người Việt là “sính” hàng ngoại cũng góp phần làm cho doanh nghiệp TĂCN trong nước thua ngay trên sân nhà! Chúng tôi nhận thấy không chỉ trên lĩnh vực hàng tiêu dùng, mà ngay trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất TĂCN thì nông dân Việt Nam cũng “chuộng” mác ngoại, cho dù giá đắt hơn. Và cũng không ai thẩm định rằng, TĂCN của doanh nghiệp ĐTNN là tốt hơn sản phẩm của DN trong nước. Bên cạnh đó, còn thiếu chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho DN trong nước khi bước vào thời kỳ mở cửa, cạnh tranh và hội nhập.
Không liên kết không có sức mạnh
* Ông có thấy người chăn nuôi luôn bị thiệt thòi, trong khi DN ĐTNN tăng trưởng mạnh?
Trang trại heo thịt của anh Đình ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom. Ảnh: H.G
- Trước khi trách người ta thì phải trách mình trước đã. Như tôi nói ở trên, người chăn nuôi “sính” TĂCN có mác ngoại nên phải mua với giá đắt hơn. Khi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi cần có nhận thức đúng đắn là phải lấy công làm lời để tính toán tiết kiệm chi phí. Ví dụ như người nuôi vẫn có thể tự pha trộn thức ăn để tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương hoặc với từng loại heo, gà và lứa tuổi đang nuôi có thể lựa chọn loại thức ăn phù hợp, ít tốn tiền hơn… Loại trừ những rủi ro do dịch bệnh, rớt giá, nếu cứ nuôi heo mà phụ thuộc hoàn toàn về giống đến TĂCN từ bên ngoài chẳng khác gì một gia đình không khá giả mà thường xuyên đi ăn cơm tiệm thì làm sao có tích lũy!
* Nhưng không lẽ chỉ trách cứ người chăn nuôi?
- Đúng như vậy. DN làm ăn là phải tính toán đến lợi nhuận, nhưng với vai trò quản lý nhà nước vẫn có thể điều tiết lợi nhuận của DN một cách hợp lý. Để người chăn nuôi thiệt thòi và luôn trong tâm trạng phấp phỏng thua lỗ thì ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế quốc gia. Cụ thể, khi người chăn nuôi bị lỗ sẽ giảm đàn, nguồn cung giảm trong khi cầu không giảm thì đẩy giá thịt tăng cao. Lúc ấy lại “mở cửa” cho nhập khẩu thịt heo, gà vào để kéo giá thực phẩm xuống, điều này lại không khuyến khích phục hồi và phát triển chăn nuôi trong nước.
* Vậy ông có đề xuất gì ?
“Trên lĩnh vực sản xuất TĂCN, cơ hội cho DN trong nước vẫn còn nhiều, điều cốt lõi là các DN phải biết vượt lên chính mình. Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh, trong đó ngành chăn nuôi có liên quan đến cuộc sống của nhiều triệu người. Doanh thu về lĩnh vực sản xuất con giống và TĂCN hàng năm lên đến nhiều tỷ USD. Nếu DN Việt Nam mạnh dạn thực hiện tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị, đầu tư công nghệ, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, làm tốt chiến lược quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm và biết chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi sẽ vươn lên cạnh tranh mạnh mẽ với DN ĐTNN”.
- Theo tôi, thứ nhất là người chăn nuôi phải liên kết với nhau để có tiếng nói đối trọng đủ sức mạnh, tạo áp lực cần thiết với nhà sản xuất khi thấy có những biến động, giá tăng bất thường từ việc cung ứng con giống cho đến TĂCN. Tôi nghĩ, khi hiệp hội của những nhà chăn nuôi đồng loạt kiến nghị giảm giá con giống hoặc TĂCN do tăng bất thường, nếu không sẽ tẩy chay sản phẩm của DN thì họ phải cân nhắc. Thứ hai là, Nhà nước nên hỗ trợ thành lập trung tâm khảo nghiệm và thẩm định con giống và TĂCN. Theo đó, trung tâm này định kỳ sẽ công bố xếp loại con giống và TĂCN (kèm theo mức giá có thể chấp nhận) để khuyến cáo người nuôi có sự lựa chọn phù hợp. Ba là, Nhà nước cần quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất TĂCN nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định để hạ giá thành sản phẩm. Hiện nay, nhiều loại nguyên liệu cho chế biến TĂCN còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu trong khi Việt Nam có lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải có chính sách thuế để hạn chế xuất khẩu nguyên liệu nông sản. Hiện nay, thuế nhập khẩu nguyên liệu cho TĂCN như bắp, khoai mì là 5%, trong khi xuất khẩu những loại nguyên liệu này với thuế suất bằng không là không hợp lý...
Nếu những vấn đề trên được thực hiện, tôi nghĩ ngành chăn nuôi trong nước sẽ phát triển bền vững và DN trong nước cũng sẽ tăng năng lực cạnh tranh với DN ĐTNN
* Xin cám ơn ông.
Xuân Phú (thực hiện)