Báo Đồng Nai điện tử
En

Để hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật

10:08, 05/08/2011

Từ cuối năm 2010 đến nay, giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên thị trường tăng từ 15-25% làm chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp bị đội nên khá cao. Đa số nông dân loay hoay tìm cách giảm chi phí, trong khi nhiều loại nông sản chỉ tăng nhẹ.

Từ cuối năm 2010 đến nay, giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên thị trường tăng từ 15-25% làm chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp bị đội nên khá cao. Đa số nông dân loay hoay tìm cách giảm chi phí, trong khi nhiều loại nông sản chỉ tăng nhẹ.

 Đồng Nai có trên 300 ngàn hécta cây trồng các loại. Khoảng 3-4 năm lại đây, thời tiết bất thường nên phát sinh sâu bệnh trên cây trồng nhiều hơn. Lượng thuốc BVTV dùng để phun xịt, phòng trị bệnh cho cây trồng tăng lên. Số lượng thuốc phun tăng, kèm theo giá thuốc BVTV leo thang khiến chi phí đầu vào của thuốc phòng trị bệnh tăng thêm 3-8 triệu đồng/hécta/năm. Với nông dân thì đây là một khoản tiền không nhỏ.

* Giá thuốc… leo thang

Những năm gần đây, trên cây trồng xuất hiện nhiều loại sâu bệnh. Để phòng trừ sâu bệnh, đa số nông dân trong tỉnh phải phun xịt các loại thuốc BVTV. Có những loại sâu bệnh phải phun thuốc 1-2 lần vẫn không hết, nông dân phải đổi thuốc và tăng số lượng, việc này đồng nghĩa với chi phí đầu vào tăng lên. Anh Lâm Minh Hoàng ở ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân (TX. Long Khánh) nói: “Trang trại của tôi có gần 4 hécta chôm chôm, sầu riêng và măng cụt, trước đây thuốc BVTV chưa tăng, tốn khoảng 9-10 triệu đồng/hécta/năm. Từ cuối năm 2010 đến nay, giá thuốc tăng 15-25% kèm theo thời tiết thường xuyên có mưa, độ ẩm cao, nên sâu bệnh trên cây ăn trái nhiều hơn do vậy tiền thuốc BVTV tăng lên 16-18 triệu đồng/hécta. Dù thuốc BVTV có đắt cũng phải mua, vì nếu không phun xịt thuốc cây trồng bị sâu bệnh nhiều, năng suất giảm còn thiệt hại hơn”.

Đa số các loại thuốc BVTV đều tăng giá từ 15-25%. Trong ảnh: Một đại lý thuốc BVTV phường Tân Phong (TP. Biên Hòa).
Đa số các loại thuốc BVTV đều tăng giá từ 15-25%. Trong ảnh: Một đại lý thuốc BVTV phường Tân Phong (TP. Biên Hòa).

Ông Trần Văn Giỏi, ấp Bảo Vinh A, xã Bảo Vinh (TX. Long Khánh) cho hay: “Gần 1 năm nay, giá thuốc BVTV, phân bón tăng liên tục đẩy giá thành của sản phẩm tăng cao. Tôi có 1,5 hécta cà phê, năm trước chỉ hết khoảng 3 triệu đồng/hécta tiền thuốc BVTV nhưng năm nay hết trên 5 triệu đồng/hécta. Đó là nhờ tôi áp dụng các quy trình kỹ thuật nên sâu bệnh ít, với các hộ làm theo phương pháp truyền thống sâu bệnh nhiều, tiền thuốc, công phun xịt lên đến 8-9 triệu đồng/hécta”.

Chị Hương, chủ đại lý thuốc BVTV ở phường Tân Phong (TP. Biên Hòa) nhận xét: “Từ cuối năm 2010 đến nay, đa số các loại thuốc BVTV đều tăng giá. Dòng thuốc tăng giá nhiều nhất là những thuốc trừ sâu nhập khẩu từ nước ngoài về”.

* Cách hạn chế thuốc BVTV

Hiện tất cả chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp đều tăng từ 15-40%, đẩy giá thành của sản phẩm tăng cao. Tuy nhiên, giá nhiều loại nông sản chỉ tăng 5-10% khiến lợi nhuận của nông dân không tăng. Trước thực tế trên, nhiều nông dân loay hoay tìm cách cắt giảm chi phí đầu vào nhằm tăng lợi nhuận. Theo các kỹ sư nông nghiệp thì đây không phải là giải pháp hữu hiệu. Trong điều kiện như hiện nay, nông dân nên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm sâu bệnh, tăng năng suất mới là giải pháp lâu dài. Cụ thể, trên các loại cây trồng như: lúa, sầu riêng, cà phê, chôm chôm, bưởi, tiêu… ngành nông nghiệp đã triển khai các mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp, cải tạo thâm canh tăng năng suất, chất lượng.

Nhiều hộ trồng cây ăn trái ở huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu… đều khẳng định giá thuốc BVTV tăng không thua kém so với giá phân bón. Hiện nay với các loại cây trồng dễ bị sâu bệnh như cây ăn trái, tiêu, cà phê, rau, lúa vào mùa mưa sâu bệnh phát triển nhanh, bắt buộc phải phun thuốc phòng trừ, do vậy dù giá thuốc tăng cao nhưng nông dân vẫn phải mua.

Ông Lương Thành Trung, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Nai, cho biết: “Trên các loại cây trồng có diện tích lớn, chi cục đều phối hợp với các trạm BVTV và địa phương triển khai các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp - IPM. Kết quả, đa số các hộ làm theo quy trình này đều thành công, giảm lượng thuốc BVTV mà vườn cây vẫn phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất tăng 1,5-2 lần so với trước khi thực hiện. Các mô hình sau khi triển khai thành công, chúng tôi đều tổ chức hội thảo để nông dân học tập kinh nghiệm và nhân rộng”.

Một số biện pháp căn bản có thể giảm được thuốc BVTV với cây lúa là áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”. Cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày thì làm mương thoát nước, dọn dẹp vườn sạch sẽ trước mùa mưa và tăng cường bón phân hữu cơ ủ hoai kèm nấm đối kháng sẽ giảm được nhiều loại sâu bệnh. Khi vườn cây bị bệnh phải phun thuốc, nông dân nên áp dụng phương pháp “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).

Hương Giang


    

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều