Trong khi tiếp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ nhiệm HTX tiểu thủ công nghiệp Định Quán (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) nhiều lần phải dừng câu chuyện để xử lý công việc. Đang vào thời kỳ thấp điểm của ngành mây, tre đan xuất khẩu nhưng ở đây vẫn đầy ắp hàng sản xuất.
Trong khi tiếp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ nhiệm HTX tiểu thủ công nghiệp Định Quán (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) nhiều lần phải dừng câu chuyện để xử lý công việc. Đang vào thời kỳ thấp điểm của ngành mây, tre đan xuất khẩu nhưng ở đây vẫn đầy ắp hàng sản xuất.
Chị Thắm (phải) đang trao đổi với một học viên. Ảnh: V.Nam |
Gần 20 năm trước, với chiếc xe máy cũ chị Thắm lặn lội từ Định Quán về Biên Hòa, sang Bình Dương rồi tới TP.Hồ Chí Minh để học nghề đan lát mây, tre. Học được nghề, chị nhận hàng về nhà làm rồi chia lại sản phẩm và dạy cho những người quen cùng đan.
Thời gian đầu chỉ có vài gia đình nhưng rồi số lượng người tham gia ngày càng đông, nhất là vào những tháng nông nhàn. Nhu cầu về việc làm ngày một nhiều, chị Thắm bắt đầu chuyển dần từ người sản xuất sang làm vai trò dịch vụ, tạo hàng mẫu và đào tạo nghề. Chị đi liên hệ với những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trực tiếp sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ ở trong và ngoài tỉnh để nhận hàng về cho người dân trong huyện sản xuất. “Tôi bị nghề này cuốn hút quá mạnh, nếu không cũng khó trụ được tới bây giờ. Thời gian đầu mở cơ sở sản xuất bị lỗ liên tục. Tôi nản chí, nhiều lần tính bỏ nghề nhưng rồi cũng ráng gượng và cố gắng khắc phục. Một số cơ sở đan lát hoạt động cùng thời gian đầu với tôi sau này thấy khó khăn quá đã đóng cửa. Làm nghề này lãi thấp, chủ yếu là giải quyết việc làm cho bà con” - chị Thắm tâm sự.
Có lẽ nhờ vào sự kiên trì đó mà đến nay, chị được xem là người thành công trong lĩnh vực đan lát xuất khẩu ở huyện Định Quán. Năm 2003, chị Thắm cùng với một số người đam mê nghề này thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp Định Quán (HTX TTCN Định Quán) và chị được bầu làm chủ nhiệm.
HTX TTCN Định Quán trong những năm gần đây hoạt động khá hiệu quả, doanh thu hàng năm đạt trên dưới 10 tỷ đồng. HTX liên tục mở rộng cơ sở của mình. Ban đầu chỉ loanh quanh trên địa bàn xã Phú Ngọc thì nay cơ sở HTX đã mở rộng đến những xã vùng sâu vùng xa như: Thanh Sơn (huyện Định Quán), Cát Tiên (huyện Tân Phú) và sang cả một số xã của tỉnh Lâm Đồng. Số lượng lao động của HTX đến nay có đến gần 800 người.
Chị Thắm cho hay, HTX đã phối hợp với Trung tâm khuyến công của tỉnh và Trung tâm dạy nghề của huyện mở khá nhiều lớp đào tạo nghề đan lát này cho người dân trong huyện. “Những lớp dạy nghề của HTX mở ra thu hút khá đông người học (50 người/lớp) do trong quá trình đi học mọi người cũng có thu nhập từ những sản phẩm mình làm ra” - chị Thắm bộc bạch.
Hiện HTX đang chờ huyện hoàn thiện cụm công nghiệp để xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất. Đến thời điểm này, HTX TTCN Định Quán đã ký hợp đồng hàng sản xuất đến hết tháng 10 năm nay.
Vân Nam