Từ kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi heo, ông Nguyễn Văn Sanh ở xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom đã có sáng kiến ra cách làm hầm biogas hình bán nguyệt, thay thế cho kiểu hầm biogas hình tròn. Cách làm này vừa không gây ô nhiễm môi trường vừa giảm được chi phí mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Sanh. |
Từ kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi heo, ông Nguyễn Văn Sanh ở xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom đã có sáng kiến ra cách làm hầm biogas hình bán nguyệt, thay thế cho kiểu hầm biogas hình tròn. Cách làm này vừa không gây ô nhiễm môi trường vừa giảm được chi phí mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Năm 1996, gia đình ông Sanh bắt đầu nuôi 5 con heo nái. Từ thu nhập tích lũy sau một thời gian nuôi, vào năm 2002 ông quyết định phát triển thêm đàn heo lên 20 con nái, 100 heo thịt và đến cuối 2005 tăng lên gần 1.000 con heo. Việc phát triển thêm đàn heo buộc ông phải làm hầm biogas để xử lý môi trường và tận dụng làm chất đốt.
Do lượng phân của hàng trăm con heo thải ra quá nhiều nên hầm biogas cũ không thể nào chứa hết làm cho môi trường trở nên ô nhiễm. Từ kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp với việc tham quan nhiều trang trại nuôi heo quy mô lớn ở trong và ngoài tỉnh, ông Sanh đã tự thiết kế ra một kiểu hầm boigas hình bán nguyệt. Để làm một hầm biogas theo cách của ông cũng khá đơn giản. Đầu tiên, ông đào đất với độ sâu từ 1,5m theo kiểu hình chữ nhật, sau đó xây được 0,5m là đổ đà kiềng để giữ cho móng vững chắc, đến khi xây cách mặt đất khoảng 20mm thì cài gắn các móc sắt bằng inox và lòng hầm được đổ bê-tông. Yêu cầu kỹ thuật của loại hầm này là phải làm kiên cố để có thể sử dụng lâu dài. Sau đó lấy tấm bạt của xe ô tô tải đã được làm sẵn úp lên trên miệng hầm và cài chặt vào các móc inox xung quanh hầm. Tại 2 góc của hầm làm 2 ống nhựa: một ống dẫn chất thải vào hầm và một ống dẫn nước đã được xử lý ra để tưới cây, yêu cầu 2 ống phải bằng nhau từ kích thước đến độ cao. Chi phí cho xây hầm biogas này khoảng 30 - 40 triệu đồng với tổng diện tích khoảng 50m2.
Đối với kiểu hầm biogas hình tròn thì yêu cầu phải đào đất thật sâu và cho túi ủ ga bằng ny-lông xuống nằm gọn dưới lòng đất. Cách làm này ít tốn kém, khoảng 10 triệu đồng và chỉ chứa được lượng phân nhất định. Bất tiện của loại hầm biogas hình tròn là nếu như túi ủ bị hư hỏng thì phải múc toàn bộ lượng phân heo ra để thay cái mới và phải chờ một tháng sau mới có gas để sử dụng. Còn hầm biogas của ông Sanh trong trường hợp tấm bạt bị hư có thể thay ngay cái khác và cũng chỉ trong vòng một ngày là có khí gas sử dụng. Ông Sanh cho biết: “Với diện tích 50m2, sức chứa của hầm ga này khoảng 50 khối nước thải. Không chỉ dùng cho việc nấu nướng và thắp sáng, đến nay tôi đã dùng để chạy 3 máy phát điện, một máy xay xát thức ăn cho heo. Sau 2 năm làm loại hầm này, gia đình tiết kiệm được chi phí khoảng vài trăm triệu đồng, đồng thời không làm ô nhiễm môi trường”.
Ông Đặng Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: “Ông Sanh không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi mà còn biết sáng tạo ra kiểu làm hầm biogas mới, vừa giảm chi phí sản xuất lại không làm ô nhiễm môi trường. Mô hình này cần được nhân rộng để cho các trại chăn nuôi khác làm theo”.
Thu Trà