Cầu Đồng Nai mới được thông xe vào cuối tháng 12-2009, nhưng phần đầu cầu hiện vẫn chưa rục rịch thi công. Chính vì vậy, khu vực vòng xoay ngã tư Vũng Tàu liên tục kẹt xe, gây khó khăn trong việc đi lại của người tham gia giao thông…
Cầu Đồng Nai mới được thông xe vào cuối tháng 12-2009, nhưng phần đầu cầu hiện vẫn chưa rục rịch thi công. Chính vì vậy, khu vực vòng xoay ngã tư Vũng Tàu liên tục kẹt xe, gây khó khăn trong việc đi lại của người tham gia giao thông…
Thông tin về tiến độ thi công dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai (DNC) - đơn vị chủ đầu tư DA - cho biết, hạng mục nút giao tại ngã tư Vũng Tàu chậm 16 tháng so với dự kiến.
* Kẹt xe hàng ngày
Hàng ngày, tình trạng kẹt xe ở vòng xoay ngã tư Vũng Tàu diễn ra thường xuyên, nhất là vào những giờ cao điểm. Không ít lần, nhất là những dịp nghỉ lễ, do phương tiện từ các quốc lộ đổ dồn về đây, gây nên cảnh ùn tắc kéo dài, khiến dòng xe bị tắc nghẽn hàng cây số ở hai phần đầu cầu Đồng Nai.
Khu vực vòng xoay ngã tư Vũng Tàu hiện luôn chật cứng xe cộ. Ảnh: TN
Thống kê gần đây nhất cho thấy, tại vòng xoay ngã tư Vũng Tàu có lưu lượng xe lên đến 120 ngàn lượt/ngày đêm. Để “giải thoát” cho vòng xoay, thời gian gần đây, lực lượng CSGT hễ thấy có dấu hiệu ùn tắc thì ngay lập tức triển khai điều tiết phân luồng xe từ TP. HCM xuống phải đi theo đường ở trước KCN Biên Hòa 2; đồng thời tổ tuần tra cơ động hướng dẫn xe từ QL 51 về TP.HCM đi theo hướng đường Phạm Văn Thuận đến vòng xoay Tam Hiệp qua QL 1 để đến vòng xoay Vũng Tàu. Trường hợp xảy ra ùn tắc kéo dài, lực lượng CSGT triển khai việc phân luồng từ xa cho xe về TP. HCM chuyển hướng vào ngã ba Hố Nai theo đường Nguyễn Ái Quốc về ngã tư Tân Phong, đến cầu Hóa An và về ngã tư cầu vượt Linh Xuân.
Dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu có tổng vốn đầu tư khoảng 1.877 tỷ đồng, trong đó vốn của DNC là 1.255 tỷ đồng. Ngoài cầu chính đã thông xe, các hạng mục còn lại của dự án gồm: cầu vượt Tân Vạn, hầm chui, nút giao Vũng Tàu và nút giao Tân Vạn hiện thi công rất chậm. Toàn bộ 74 hộ dân thuộc phường An Bình có đất bị thu hồi, đã bàn giao mặt bằng, nhưng sau khi nhận, chủ đầu tư chỉ mới làm hàng rào chắn để không ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Một lãnh đạo thuộc Phòng CSGT đường bộ Công an cho biết, cho đến nay, vòng xoay ngã tư Vũng Tàu đã trở nên quá tải vì lưu lượng xe qua lại. Nếu tình hình thi công nút giao, cầu vượt ngã tư Vũng Tàu kéo dài thì lực lượng chức năng sẽ còn phải vất vả trong việc điều tiết giao thông, lập lại trật tự trong khu vực này.
* Thiếu vốn giải phóng mặt bằng
Theo Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai (DNC), diện tích đất thuộc dự án là 17,3 hécta, nhưng mới nhận bàn giao 5,8 hécta (33,41%); trong tổng số 312 hộ bị thu hồi đất, chỉ có 90 hộ đã di dời (29,22%); số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng 416 tỷ đồng, nhưng mới cấp 117 tỷ đồng (28%). Do kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) từ Trung ương chưa chuyển về cho Đồng Nai (299 tỷ đồng) nên 238 hộ dân ở phường Long Bình Tân có đất bị thu hồi hiện vẫn chưa nhận được tiền bồi thường! DNC cho rằng, vì tiến độ GPMB thực hiện chậm nên việc thi công phải kéo dài. Hợp đồng của DNC là nếu tháng 12-2009 nhận bàn giao đất dự án ở phường An Bình thì tháng 10-2011 sẽ hoàn thành các hạng mục ở khu vực này. Thực tế việc chuyển giao đất cho chủ đầu tư đã không đúng kế hoạch nên hiện tại khu vực này vẫn chưa thi công. Hay như tại phường Long Bình Tân, dự kiến tháng 9-2010 đơn vị thi công được nhận mặt bằng, nhưng đến nay dân vẫn còn ở tại chỗ. Phần hầm chui, kế hoạch từ tháng 10 đến tháng 12-2010 hoàn thành GPMB thì tháng 12-2012 công trình hoàn thành, song phải đến hết năm nay nhà thầu mới nhận đủ mặt bằng…
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai, cho biết tiến độ thi công của đơn vị chủ đầu tư quá chậm, ngay cả khi đã có mặt bằng. Ví dụ, mặt bằng làm đường kết nối dẫn từ chân cầu vào cảng đã được bàn giao từ khá lâu, song chủ đầu tư liên tục… hẹn lần, cho đến nay vẫn chưa xong. Để xe container có thể chuyển hàng hóa từ cảng ra, Công ty phải đầu tư trước một đường dẫn ra QL1.
* Trạm thu phí đặt ở đâu?
Công trình cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu được DNC đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Mặc dù đến nay nhiều hạng mục trong dự án chưa thi công, nhưng chủ đầu tư phải tổ chức thu phí để sớm hoàn vốn. Lâu nay, vị trí đặt trạm ở Sông Phan (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) cách cầu Đồng Nai trên 140km, nhưng ở vị trí này có lưu lượng xe ít nên thời gian thu phí sẽ kéo dài khoảng 29 năm 6 tháng. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp vận tải gần đây “la trời” vì không qua cầu Đồng Nai nhưng khi đến trạm Sông Phan vẫn phải mua phí!
Do thiếu vốn giải phóng mặt bằng nên khu vực phường Long Bình Tân đến nay vẫn chưa giải tỏa được. Ảnh: TN
Căn cứ vào hợp đồng BOT, giai đoạn 2010-2013 mức thu sẽ tăng lên 1,5 lần và từ đầu năm 2014 sẽ tăng mức thu lên hai lần so với năm đầu tiên, nhưng thời gian qua Bộ Tài chính không cho phép tăng giá, đã làm DNC giảm nguồn thu.
Các phương tiện giao thông từ KCN Biên Hòa 1 hoặc từ phường An Bình ra QL51 đi Vũng Tàu, nếu theo hướng tuyến dưới gầm cầu Đồng Nai; từ phường Long Bình Tân đi theo đường gom bên cạnh hầm chui đến vòng xoay ngã tư Vũng Tàu về Biên Hòa không phải mua phí giao thông. Trường hợp đi Vũng Tàu, nếu nhập vào đường dưới dạ cầu Đồng Nai sẽ không qua trạm thu phí.
Trước những khó khăn trong việc thu phí từ trạm Sông Phan, DNC đã có văn bản trình Bộ Giao thông - vận tải kiến nghị với Thủ tướng cho phép dời trạm thu phí Sông Phan về đầu cầu Đồng Nai. Theo đó, DNC sẽ xây dựng hai trạm thu phí một chiều từ QL1 về TP.Hồ Chí Minh (đặt ở phường An Bình) và hướng ngược lại (phường Long Bình Tân). Tại buổi làm việc với DNC mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã thống nhất chủ trương này, nhưng lưu ý đơn vị chủ đầu tư phải tính toán cụ thể nhằm phân luồng, điều tiết lưu lượng xe qua lại hợp lý, tránh ùn tắc giao thông. Trước mắt, lãnh đạo tỉnh yêu cầu DNC phải đẩy nhanh tiến độ thi công nút giao ngã tư Vũng Tàu, khi nào hoàn thành tuyến nhánh rẽ đi QL51 mới tiến hành thu phí giao thông.
Tạ Nguyên