Có lẽ chưa khi nào cụm từ “hàng Việt Nam” lại được quan tâm nhiều như thời điểm hiện nay khi ngày càng có nhiều thương hiệu “thuần Việt” được người tiêu dùng ghi nhớ và tin cậy. Nhiều thương hiệu hàng Việt hiện chiếm thị phần khá lớn trong phân khúc hàng bình dân, song ở phân khúc hàng cao cấp và một số ngành hàng khác, vẫn có quá ít sự lựa chọn cho những người muốn dùng hàng Việt.
Có lẽ chưa khi nào cụm từ “hàng Việt Nam” lại được quan tâm nhiều như thời điểm hiện nay khi ngày càng có nhiều thương hiệu “thuần Việt” được người tiêu dùng ghi nhớ và tin cậy. Nhiều thương hiệu hàng Việt hiện chiếm thị phần khá lớn trong phân khúc hàng bình dân, song ở phân khúc hàng cao cấp và một số ngành hàng khác, vẫn có quá ít sự lựa chọn cho những người muốn dùng hàng Việt.
Qua 2 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (8-2009 - 8-2011) đã có nhiều chương trình từ lớn đến nhỏ, nhằm vận động người Việt quay về dùng hàng Việt, thay đổi tâm lý sính ngoại đã được đánh giá có những thành công nhất định. Hiện tại, có thể nói, độ bao phủ của hàng Việt đã rộng lớn hơn hẳn so với trước và rất nhiều người tiêu dùng đã trở nên quen thuộc với các thương hiệu Việt.
Người tiêu dùng mua hàng Việt Nam tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao Đồng Nai năm 2010. Ảnh: TL
* Hàng bình dân: “Thắng” lớn
Các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Co.op Mart, Metro, Vinatex mart hiện tại đều khẳng định, hàng Việt Nam đang chiếm từ 90 - 95% lượng hàng hóa bày bán trong siêu thị. Dù khái niệm hàng Việt ở các siêu thị này là khá rộng (thể hiện ở chỗ hàng Việt là hàng được sản xuất trong nước, thay vì chỉ giới hạn phải là “thương hiệu Việt”) cũng có thể khẳng định, cuộc vận động kêu gọi người dân Việt dùng hàng Việt bước đầu đã có tác dụng lớn.
Trên thị trường hiện nay, hàng loạt các thương hiệu hàng Việt đã được người tiêu dùng biết đến, ghi nhớ và tin tưởng. Có thể kể đến các thương hiệu như: may Việt Tiến và Nhà Bè; giày dép Bi i’s và Vina giày; bánh kẹo Kinh Đô và Bibica; gốm sứ Minh Long; cà phê Trung Nguyên và Vinacafé Biên Hòa; sữa Vinamilk; đường Biên Hòa; thực phẩm chế biến Vissan và D&F… cùng hàng loạt các thương hiệu Việt khác - chủ yếu là hàng tiêu dùng - cũng đã được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình, đồng thời phân phối rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Chị Nguyễn Thị Như, chủ một cửa hàng tạp hóa lâu năm trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP. Biên Hòa), nhận xét: “Tôi thấy điều thay đổi rõ nét nhất trong mua sắm của người tiêu dùng 2 - 3 năm gần đây là rất nhiều thương hiệu Việt Nam đã được người mua tín nhiệm, thay vì chỉ đánh giá cao hàng ngoại như trước. Thậm chí, các loại hàng ngoại xuất xứ không rõ ràng như hàng Trung Quốc còn bị tẩy chay”.
Nhiều người tiêu dùng khi được hỏi đều có chung một số nhận định về hàng tiêu dùng Việt Nam, trong đó chủ yếu là các đặc điểm: xuất xứ và hạn sử dụng rõ ràng; giá phải chăng; bao bì ngày càng đẹp; chất lượng khá ổn định; hợp khẩu vị và thói quen sử dụng của người Việt. Có lẽ chính vì những ưu điểm trên mà hàng tiêu dùng Việt Nam đang từng bước chinh phục người tiêu dùng Việt Nam một cách khá vững chắc, nhất là phân khúc thị trường hàng hóa bình dân. Điều này đã phần nào thay đổi được nhận thức “hàng ngoại lúc nào cũng tốt hơn” - vốn rất phổ biến trước đây.
* Thương hiệu Việt: Vẫn chưa mạnh
Bên cạnh sự lớn mạnh đầy ngoạn mục của nhiều thương hiệu Việt ở những ngành hàng tiêu dùng phổ biến, phải thừa nhận một thực tế là ở nhiều ngành hàng đòi hỏi công nghệ tốt, chất lượng cao, thì hàng Việt hầu như vắng bóng hoặc chỉ đáp ứng được ở mức thấp. Ông Đoàn Đình Lũy, Giám đốc siêu thị điện máy Đệ Nhất Phan Khang (TP. Biên Hòa) nhận định, trong ngành hàng điện máy - kỹ thuật số, rất ít thương hiệu Việt Nam có thể tự khẳng định mình. “Hiện tại, trong cơ cấu hàng hóa bán tại siêu thị, chỉ có vài thương hiệu Việt như: VTB, Tiến Đạt… còn lại đều là hàng của các tập đoàn nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam (thương hiệu ngoại) hoặc hàng nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài” - ông Lũy nói.
Qua khảo sát thị trường, chúng tôi nhận thấy, một số DN nhỏ cũng có sản xuất hoặc lắp ráp các mặt hàng điện máy khá đơn giản về công nghệ rồi dán nhãn Việt Nam như ti vi Sam và một số mặt hàng loa, nồi cơm điện, máy xay sinh tố… Tuy nhiên, thị phần của những mặt hàng này còn rất nhỏ và cạnh tranh rất khó khăn với các mặt hàng cùng loại xuất xứ Trung Quốc trên cả 2 phương diện: giá và chất lượng. Tình trạng thương hiệu Việt hiếm hoi cũng diễn ra ở các ngành hàng đòi hỏi công nghệ cao khác như hàng kỹ thuật số, xe hơi, xe gắn máy…
Về khía cạnh hàng tiêu dùng, cũng còn khá nhiều “lãnh địa” mà các nhà sản xuất trong nước dường như chưa thể “chạm” tới và sân chơi chính vẫn nhường cho hàng ngoại, đặc biệt là các phân khúc thị trường hàng hóa trung, cao cấp. Theo đó, hóa phẩm, mỹ phẩm, sữa và các chế phẩm từ sữa… cũng là những ngành hàng mà vì nhiều lý do, các thương hiệu trong nước đang chịu lép vế. Theo đó, hàng Việt đều “nhường” phân khúc cao cấp lại cho hàng ngoại. Đối với ngành hóa mỹ phẩm, Việt Nam dù có Hiệp hội Hóa mỹ phẩm với hơn 100 hội viên, nhưng thực tế, hầu hết các sản phẩm đều nằm ở nhóm hàng bình dân và chiếm thị phần nhỏ.
Giám đốc một siêu thị ở TP. Biên Hòa cho biết, hàng Việt bày bán tại các siêu thị hiện nay tuy chiếm số lượng nhiều, song mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ở phân khúc bình dân, còn ở phân khúc hàng cao cấp, dù tỷ lệ nhỏ, song hàng ngoại hầu như đang chiếm lĩnh. “Song phải thừa nhận, hàng Việt tham gia thị trường chưa lâu, kinh nghiệm về công nghệ, mẫu mã, nắm bắt nhu cầu thị trường… còn giới hạn, trong khi phải cạnh tranh gắt gao với hàng ngoại nên trước mắt, hàng Việt chưa thể lấn sân ở phân khúc cao cấp cũng là dễ hiểu” - giám đốc này nhận xét. |
Vi Lâm