Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân trông chờ, doanh nghiệp thờ ơ!

10:07, 20/07/2011

Theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-7-2011 sẽ thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp. Chính sách này được nông dân cả nước cũng như Đồng Nai trông chờ, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm lại không mấy mặn mà!

 

Theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-7-2011 sẽ thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp. Chính sách này được nông dân cả nước cũng như Đồng Nai trông chờ, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm lại không mấy mặn mà!

 Thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) thực hiện trong giai đoạn 2011-2013 ở 20 tỉnh, thành trong cả nước. Mục đích của việc BHNN là nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Các sản phẩm sẽ được thí điểm bảo hiểm gồm: lúa, heo, trâu bò, gia cầm, cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng. Riêng Đồng Nai tham gia thí điểm BHNN cho heo, gà.

 * Người chăn nuôi… chờ

Đồng Nai là một trong 9 tỉnh được Chính phủ chọn tham gia thí điểm BHNN trong chăn nuôi. Sau khi xem xét, tỉnh đã chọn huyện Xuân Lộc để thực hiện thí điểm bảo hiểm trên đàn heo, gà. Mức hỗ trợ của Nhà nước là 100% phí bảo hiểm với các hộ nghèo, 80% với hộ cận nghèo, 60% cho các hộ nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo và 20% cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp. Tham gia thí điểm BHNN, nông dân sẽ yên tâm đầu tư sản xuất và thuận lợi trong việc vay vốn mở rộng chăn nuôi.

Anh Lâm Thanh Đức, chủ trang trại gà ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) đang trông chờ được tham gia BHNN. Ảnh: H.G
Anh Lâm Thanh Đức, chủ trang trại gà ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) đang trông chờ được tham gia BHNN. Ảnh: H.G

 Ông Lâm Thanh Đức, Chủ trang trại gà đẻ trứng ở ấp Bình Tân, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), cho hay: “Trang trại gà đẻ trứng của tôi có tổng đàn khoảng 60 ngàn con, vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Mấy năm gần đây, do dịch bệnh, giá cả thất thường nên tôi rất mong sớm được tham gia BHNN để an tâm đầu tư chăn nuôi. Đồng thời, khi tham gia thí điểm BHNN, các ngân hàng sẽ mạnh dạn cho tôi vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất”. Ông Bùi Đình Mậu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi heo xã Bảo Hòa, nói: “Cuối năm 2010, dịch heo tai xanh đã làm nhiều thành viên trong CLB trắng tay. Vì vậy, khi nghe có BHNN đa số các thành viên trong CLB đều muốn tham gia để giảm bớt rủi ro trong chăn nuôi. Tham gia bảo hiểm, người chăn nuôi buộc áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn, nguy cơ dịch bệnh trên đàn heo sẽ giảm”.

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, hiện địa phương đang triển khai nội dung thí điểm BHNN cho các xã. Thời gian tới, huyện sẽ chọn ra một số trang trại, CLB, HTX tham gia thí điểm mô hình này.

 * Thực hiện không dễ

Trên thực tế theo nhiều hộ nông dân, khả năng rủi ro trong chăn nuôi heo, gà rất lớn. Ngoài việc phải đối mặt với dịch bệnh thường xuyên rình rập, thì giá cả tương đối bấp bênh. Thực tế 2 - 3 năm gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá heo, gà biến đổi tăng giảm thường xuyên, nhiều thời điểm giá xuống dưới giá thành, khiến người nuôi thua lỗ nặng. Nhiều người chăn nuôi ở Đồng Nai phải giảm đàn vì thiếu vốn đầu tư hoặc chuyển qua cho thuê trang trại nuôi gia công cho các công ty lớn.

Cũng chính vì chăn nuôi tỷ lệ rủi ro cao nên hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều không mặn mà với việc tham gia BHNN. Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết: “Đa số các doanh nghiệp bảo hiểm đều không muốn tham gia thí điểm BHNN. Vì vậy đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa tìm được doanh nghiệp tham gia bảo hiểm. Trước khi thực hiện BHNN, sở sẽ phối hợp với địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để nông dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia như: tiêm phòng đầy đủ cho đàn heo, gà và áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh để giảm rủi ro. Sau đó, sẽ mời các doanh nghiệp bảo hiểm và nông dân ngồi lại với nhau cùng bàn bạc tìm giải pháp thực hiện, đem lại lợi ích cho cả 2 bên”.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng đã có thông tư hướng dẫn triển khai thí điểm BHNN ở 20 tỉnh, thành trong cả nước. Đối với người nuôi heo, gà tham gia bảo hiểm phải áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh tỷ lệ thiệt hại trên 15% với đàn heo và trên 20% với đàn gà sẽ được bảo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn vẫn là làm sao kêu gọi được các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm.

Ông Bùi Đình Mậu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi heo xã Bảo Hòa cũng mong được BHNN.
Ông Bùi Đình Mậu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi heo xã Bảo Hòa cũng mong được BHNN.
Về thời gian tính bảo hiểm, đối với gà thịt, gà công nghiệp từ 1 - 50 ngày và 1-150 ngày đối với gà bản địa. Riêng gà đẻ trứng, thời gian được bảo hiểm từ 1 - 365 ngày. Với heo thịt, thời gian bảo hiểm tối đa là 120 ngày (tính từ khi heo 60 ngày tuổi đến 180 ngày tuổi hoặc giết thịt).

 

 

 

 

 

 

 

 



 

Hương Giang

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều