Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng

10:07, 07/07/2011

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) có hiệu lực từ 1-7-2011 rất được quan tâm bởi nó ảnh hưởng đến hàng triệu NTD Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phát triển của thị trường hàng hóa, dịch vụ ngày một chóng vánh.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) có hiệu lực từ 1-7-2011 rất được quan tâm bởi nó ảnh hưởng đến hàng triệu NTD Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phát triển của thị trường hàng hóa, dịch vụ ngày một chóng vánh.

Sau gần 12 năm có hiệu lực, thực tế cho thấy các quy định của Pháp lệnh về Bảo vệ quyền lợi NTD (ra đời năm 1999) đã xuất hiện nhiều bất cập và chưa theo kịp với yêu cầu thực tế bảo vệ quyền lợi NTD. Theo đó, một số quy định về bảo vệ quyền lợi NTD trong Pháp lệnh mới chỉ ở mức chung chung, khó thực hiện, nhất là về cơ chế giải quyết khiếu nại của NTD và chế tài áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền lợi của NTD.

* Nhiều điểm mới

Chính vì vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD mới có hiệu lực hôm 1-7 đã bổ sung khá nhiều thiếu sót trong Pháp lệnh, trao cho NTD nhiều quyền hơn. Ông Lê Xuân Trường, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi NTD Đồng Nai phân tích: “Luật trao cho NTD 8 quyền cơ bản, song theo tôi, có một số điểm mới rất có lợi cho người tiêu dùng. Điển hình là Luật mới sẽ quản lý hợp đồng mẫu; quy định tổ chức đại diện cho người tiêu dùng trong quá trình khiếu nại hoặc khởi kiện và người tiêu dùng không còn phải tự mình chứng minh khuyết tật của hàng hóa, dịch vụ khi khởi kiện...”.

Với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới có hiệu lực, nhiều điều khoản giúp cho NTD không còn ở thế yếu khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: V. LÂM
Với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới có hiệu lực, nhiều điều khoản giúp cho NTD không còn ở thế yếu khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: V. LÂM

 

Cụ thể, về hợp đồng mẫu, trên thực tế rất nhiều giao dịch giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thực hiện thông qua các hợp đồng mà trong đó điều kiện giao dịch chung do doanh nghiệp (DN) đơn phương soạn thảo và áp dụng với nhiều NTD. Do đó có rất nhiều hợp đồng chỉ chú trọng quyền lợi của DN mà bỏ qua khía cạnh đảm bảo quyền lợi NTD như hợp đồng ADSL, truyền hình cáp, một số hợp đồng trong lĩnh vực bảo hiểm, hợp đồng mua hàng trả góp… Về khía cạnh này, Luật mới quy định khá đầy đủ việc đăng ký hợp đồng theo mẫu, được cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt trước khi ban hành. Quy định này giúp NTD không bị ở vào thế bất lợi khi cùng DN ký kết hợp đồng cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Một điều có lợi khác là với Luật mới, NTD không phải tự mình chứng minh khuyết tật của hàng hóa, dịch vụ như trước - điều rất khó đối với đa số NTD, bởi thiếu về kiến thức, kỹ thuật, tài chính... Chẳng hạn, khi nghi ngờ sữa bột có nhiễm melamine, NTD có quyền khiếu nại và DN sản xuất có trách nhiệm lấy mẫu, xét nghiệm nhằm chứng minh mẫu sữa đó đạt chất lượng, vô hại với sức khỏe người dùng, bản thân NTD không thể tự mình lấy mẫu đem đi xét nghiệm để chứng minh sản phẩm đó kém chất lượng. Ngoài ra, Luật cũng quy định thêm một số điều khoản có lợi cho NTD như trách nhiệm của bên thứ 3 (cơ quan truyền thông) trong việc cung cấp thông tin sản phẩm đến NTD, tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD hợp pháp có quyền tự khởi kiện DN khi xét thấy quyền lợi chung của NTD bị xâm phạm...

* Trách nhiệm của cả 2 bên

Về trách nhiệm của NTD, ông Lê Xuân Trường cho rằng, Luật mới không phải là “phép mầu” trao mọi quyền hạn cho NTD trong hành vi mua bán hàng hóa, dịch vụ mà bên cạnh đó, bản thân NTD cũng phải ý thức được nghĩa vụ của mình. “Luật quy định cụ thể nghĩa vụ của NTD như kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ… và thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn…” - ông Trường liệt kê.

Một trong những trách nhiệm của doanh nghiệp  là cung cấp đầy đủ thông tin chất lượng, thành phần sản phẩm cho người tiêu dùng.
Một trong những trách nhiệm của doanh nghiệp là cung cấp đầy đủ thông tin chất lượng, thành phần sản phẩm cho người tiêu dùng.

 

NTD có nhiều quyền lợi hơn, đồng nghĩa với việc các DN cung cấp hàng hóa và dịch vụ có thêm nhiều trách nhiệm, ràng buộc về chất lượng, độ an toàn, cung cách phục vụ… để không bị người tiêu dùng khiếu nại. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D & F) cho rằng, Luật mới sẽ làm cho các DN có ý thức cao hơn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các mặt hàng nhạy cảm như thực phẩm. “Luật mới ra đời với nhiều điểu khoản ràng buộc khiến DN phải chú ý hơn đến việc sản xuất, công bố các chỉ tiêu chất lượng, thành phần trên sản phẩm của mình, cũng như khi thông tin, quảng cáo sản phẩm, bởi người tiêu dùng hoàn toàn có thể chất vấn ngược lại nhà sản xuất về độ trung thực của thông tin” - ông Phương nói.

 

 Ông Nguyễn Tuấn Phương cũng nhận định, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD khi triển khai thực tế cũng nên được hướng dẫn một cách hết sức chi tiết, chính xác để có thể đồng thời bảo vệ NTD lẫn các nhà sản xuất chân chính, tránh trường hợp các đối thủ cạnh tranh lợi dụng quyền hạn của NTD gây mất uy tín cho các nhà SX tốt, tạo ra các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

 

Vi Lâm



 

 

Tin xem nhiều