Từ đầu năm đến nay, nghề nuôi thủy sản ở Đồng Nai phải đối mặt với nhiều khó khăn như: dịch bệnh, nguyên liệu đầu vào liên tục leo thang trong khi giá sản phẩm bán ra chỉ tăng nhẹ. Do đó, nhiều hộ nuôi thủy sản đã phải thu hẹp sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, nghề nuôi thủy sản ở Đồng Nai phải đối mặt với nhiều khó khăn như: dịch bệnh, nguyên liệu đầu vào liên tục leo thang trong khi giá sản phẩm bán ra chỉ tăng nhẹ. Do đó, nhiều hộ nuôi thủy sản đã phải thu hẹp sản xuất.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng, người nuôi cá bè giảm đàn để bớt rủi ro. Trong ảnh: Nuôi cá bè trên sông Cái thuộc phường Thống Nhất (TP. Biên Hòa).
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2011 đạt gần 27 ngàn hécta, giảm gần 5 ngàn hécta so với 6 tháng đầu năm 2010. Trong đó, giảm nhiều nhất là diện tích nuôi cá tạp nước ngọt, cá giống và tôm. Nguyên nhân dẫn đến diện tích nuôi cá nước ngọt giảm mạnh là do nguyên liệu đầu vào tăng từ 20-30%, trong khi giá cá thương phẩm, cá giống bán ra chỉ tăng 5-8% và đầu ra hạn chế.
* Giảm số lượng và diện tích
Mấy năm gần đây, để rút ngắn thời gian nuôi và tăng năng suất trên cùng một diện tích, nhiều hộ nuôi thủy sản ở Đồng Nai đã chuyển qua nuôi cá dạng công nghiệp, bán công nghiệp. Nuôi cá theo dạng này phải cho ăn thêm cám bao khoảng 1-2 lần/ngày, song mỗi năm nông dân có thể thu 2 vụ và năng suất cũng tăng gấp 2-3 lần nuôi quảng canh. Thế nhưng, từ đầu năm 2011 đến nay, thức ăn cho thủy sản được điều chỉnh tăng 2-4 lần/tháng, mỗi lần khoảng 200 đồng/kg. Hiện giá thức ăn thủy sản từ 11.000-11.800 đồng/kg, thêm chi phí giống, công chăm sóc, thuốc phòng trừ bệnh đã đẩy giá thành của cá nước ngọt lên 26-30 ngàn đồng/kg. Song cá bán tại ao, hồ chỉ khoảng 18-25 ngàn đồng/kg, khiến nhiều hộ bị thua lỗ nặng.
Anh Lê Trọng Lực ở ấp Độc Lập, xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) kể: “Mấy năm trước nuôi cá rô đồng bán công nghiệp trúng lớn, vì đầu ra thuận lợi, giá lại cao. Song, từ đầu năm 2011 đến nay, thức ăn thủy sản, công thợ tăng cao, hộ nào càng nuôi nhiều càng lỗ nặng. Trước đây, tôi nuôi gần 2 hécta cá rô đồng dạng công nghiệp, giờ giảm xuống còn 0,5 hécta và cho ăn thêm các thức ăn khác để giảm giá thành mới mong bớt lỗ”.
Không chỉ người nuôi cá thương phẩm bán công nghiệp, công nghiệp chịu cảnh thua lỗ mà người nuôi cá giống thời gian gần đây cũng gặp cảnh tương tự. Ông Lê Hoàng Sơn ở khu phố 2, phường Tam Hiệp (TP. Biên Hòa) cho hay: “Tôi nuôi cá giống hơn 10 năm, nhưng chưa khi nào gặp cảnh điêu đứng như năm nay. Những năm trước, tôi làm 6 lứa cá giống/năm, mỗi lứa khoảng 4 tấn, trừ chi phí còn lời 30 triệu đồng/lứa. Song, từ đầu năm 2011 đến thời điểm này, giá thức ăn thủy sản và các vật tư đầu vào đã tăng khoảng 30%, giá cá giống chỉ tăng 6% nên chỉ huề vốn. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, tôi chỉ làm có một lứa cá giống và số lượng cũng giảm một nửa”. Hỏi thăm một số trại nuôi cá giống khác ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) thì được biết, đa số các trại đều phải giảm số lượng, diện tích vì giá thành của sản phẩm bị đội lên quá cao, trong khi cá giống bán ra tăng rất ít và đầu ra rất hạn chế. Do người nuôi, cá thương phẩm chuyển qua nuôi quảng canh hoặc ngưng nuôi, nên nhu cầu về giống giảm mạnh.
* Chuyển sang nuôi quảng canh
Do giá thức ăn thủy sản và vật tư đầu vào tăng cao, nhiều hộ nuôi thủy sản trong tỉnh đã chuyển sang nuôi quảng canh bằng cách tận dụng các phế phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt làm thức ăn để hạ giá thành. Nuôi quảng canh có nhược điểm là thời gian kéo dài, năng suất thấp, song chi phí chỉ bằng 1/3 nuôi công nghiệp nên người nuôi vẫn có lời.
Ông Nguyễn Trung Quang ở ấp Tân Hữu, xã Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) nói: “Gần một năm nay giá thức ăn thủy sản tăng cao, 2 hécta ao chuyên nuôi cá chép, trôi, trắm của tôi chỉ tận dụng nguồn phân heo và cỏ làm thức ăn chính cho cá. Nuôi theo cách này thời gian kéo dài, năng suất chỉ bằng 1/5 nuôi công nghiệp nhưng giá thành chỉ gần 10 ngàn đồng/kg, tôi vẫn lời khoảng 10 ngàn đồng/kg cá thương phẩm”.
Ông Lê Hoàng Sơn ở khu phố 2, phường Tam Hiệp (TP. Biên Hòa) chỉ nuôi cá giống cầm chừng. Ảnh: HG
Với phương pháp nuôi quảng canh, mỗi năm chỉ thu được gần 10 tấn cá/hécta, với giá bán từ 18-25 ngàn đồng/kg, người nuôi lời gần 100 triệu đồng/hécta/năm. Không chỉ người nuôi cá, một số hộ nuôi tôm cũng chuyển sang nuôi quảng canh để giảm bớt dịch bệnh và chi phí đầu vào. Ông Đỗ Văn Hướng, ấp Tập Phước, xã Long Phước (huyện Long Thành) cho biết: “Hiện nay nuôi tôm đối mặt với đủ nỗi lo, như nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh, giá nguyên liệu đầu vào tăng... Để hạn chế bớt rủi ro, gần một năm nay tôi chuyển qua nuôi quảng canh, lượng giống chỉ dám thả 50 ngàn con/hécta, bằng 1/10 năm 2008. Nhờ vậy, mỗi vụ tôi lời được trên 10 triệu đồng/hécta”.
Theo Chi cục Thủy sản Đồng Nai, từ đầu năm đến nay nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, dịch bệnh, nguồn nước bị ô nhiễm, giá các loại thức ăn, nguyên liệu đầu vào đều tăng cao, sản phẩm bán ra lại đứng ở mức thấp nên diện tích thả nuôi giảm đáng kể. Trước tình hình trên, Chi cục Thủy sản khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích nuôi. Đồng thời, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm giảm giá thành của sản phẩm.
Hương Giang