Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Bài toán giảm nhập siêu

10:07, 18/07/2011

Trong phạm vi cả nước, nhập siêu lớn và kéo dài sẽ làm thâm hụt cán cân thương mại, đẩy tỷ giá giữa đồng nội tệ và ngoại tệ (chủ yếu là USD) tăng cao do nguồn ngoại tệ không đủ cung ứng cho nhập khẩu, gây nên nguy cơ lạm phát và mất ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, Chính phủ luôn tìm cách giảm nhập siêu. Với Đồng Nai, tìm cách giảm nhập siêu bền vững sẽ góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu đề ra.

Trong phạm vi cả nước, nhập siêu lớn và kéo dài sẽ làm thâm hụt cán cân thương mại, đẩy tỷ giá giữa đồng nội tệ và ngoại tệ (chủ yếu là USD) tăng cao do nguồn ngoại tệ không đủ cung ứng cho nhập khẩu, gây nên nguy cơ lạm phát và mất ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, Chính phủ luôn tìm cách giảm nhập siêu. Với Đồng Nai, tìm cách giảm nhập siêu bền vững sẽ góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu đề ra.

Ở góc độ địa phương, có vẻ như giảm nhập siêu là một nhiệm vụ quá khó khăn khi nó đòi hỏi hàng loạt các chính sách mang tính vĩ mô trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, nhiều DN và nhà quản lý cho rằng, ngay từ bây giờ, cần phân tích kỹ và có hướng giảm nhập siêu một cách bền vững. Qua đó, giảm nhập siêu ở các địa phương sẽ góp phần làm giảm nhập siêu cả nước.

* Hỗ trợ công nghiệp phụ trợ          

Ông Đỗ Tấn Hưng, Giám đốc công ty TNHH Hùng Thanh Hưng (TP. Biên Hòa) chuyên về may mặc cho biết, trong 3 năm gần đây, công ty ông đã giảm lượng nguyên liệu nhập khẩu từ 80% trong cơ cấu nguyên vật liệu xuống còn khoảng 50% do đã tìm được một vài đầu mối trong nước. “Với mặt hàng NK chủ yếu là vải, trước đây hầu hết tôi đều phải nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan hoặc Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, một số DN đã tham gia cung ứng cho thị trường này, chẳng hạn  như dệt Thắng Lợi. Do đó, tôi chuyển một phần nhu cầu sang sử dụng hàng trong nước” - ông Hưng nói.

Khuyến khích sản xuất hàng trong nước  thay thế hàng nhập khẩu là một trong những cách giảm nhập siêu bền vững.  Trong ảnh: Mua hàng tại một siêu thị điện máy ở TP. Biên Hòa.     Ảnh: K.Ngân
Khuyến khích sản xuất hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu là một trong những cách giảm nhập siêu bền vững. Trong ảnh: Mua hàng tại một siêu thị điện máy ở TP. Biên Hòa. Ảnh: K.Ngân

Tuy vậy, đánh giá của ông Hưng đối với một số DN hoạt động trong ngành CN phụ trợ may mặc vẫn chưa cao. Theo đó, các DN Việt Nam khá “chảnh”, chỉ chấp nhận cung ứng hàng với số lượng lớn, trong khi đó DN nước ngoài sẵn sàng cung ứng những đơn hàng nhỏ hơn nhiều một cách nhanh chóng. Về mẫu mã và chất lượng, nguyên liệu trong nước cũng chưa bằng. Ông Hưng cho rằng, cũng nên khuyến khích các DN vừa và nhỏ tham gia CN phụ trợ, bởi có thể họ sẽ hoạt động linh hoạt hơn trong vấn đề tìm kiếm và đáp ứng nhu cầu khách hàng, từ nhỏ đến lớn.

Từ một DN thường xuyên phải nhập khẩu sợi từ Trung Quốc để làm găng tay XK, sau nhiều đắn đo, ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh (Trảng Bom), đã quyết định bỏ hàng chục tỷ đồng đầu tư nhà xưởng, thiết bị để thành lập xưởng kéo sợi, vừa phục vụ chính mình vừa bán sợi cho các DN có nhu cầu. Hiện tại, dây chuyền nhập từ Đức đã vận hành trơn tru, DN không còn phải nhập khẩu sợi, mà bên cạnh đó, 40% lượng sợi sản xuất được có thể chia sẻ cho các DN khác có nhu cầu. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, hầu như DN không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào về thủ tục, vốn, thuế… khi đầu tư vào ngành CN phụ trợ. “Theo tôi, CN phụ trợ đa số là những ngành nghề cần đầu tư về vốn liếng, do đó, các DN nhỏ và vừa muốn tham gia thị trường này gặp phải nhiều khó khăn. Có chính sách ưu đãi về vốn là điều mà các DN chờ đợi nhiều nhất khi đầu tư vào lĩnh vực này” - ông Tuấn nói.

Cho đến thời điểm này, nhận diện một cách rõ ràng ngành công nghiệp phụ trợ để có những đề xuất chính xác về các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp quan trọng này là điều mà Đồng Nai đang quan tâm thực hiện. Theo lãnh đạo Sở Công thương, ngành CN hỗ trợ ở Đồng Nai thực chất đã tồn tại và hoạt động khá lâu, song chưa được đánh giá đúng mức, do đó chưa có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Một số DN khi được hỏi đưa ra nhận xét, thực chất trong vài năm qua, CN phụ trợ trong nước đã có một số bước tiến với sự tham gia của nhiều đối tượng DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, nhìn chung ngành CN mang tính “xương sống” này cần được hỗ trợ phát triển một cách thiết thực hơn.

* Khuyến khích sản xuất trong nước

Dưới góc độ một DN phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) hàng năm khá lớn, ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để DN sản xuất TĂCN có thể giảm NK nguyên liệu cần có chính sách đồng bộ khuyến khích tăng diện tích trồng trọt nông sản, nhất là bắp, đậu nành để nâng cao sản lượng và chủ động hơn cho nguồn cung cấp nguyên liệu trong nước. Nghịch lý ở chỗ Đồng Nai là vùng đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, hàng năm cung cấp cho thị trường trên dưới 400 ngàn tấn củ mì, hơn 300 ngàn tấn bắp, khoảng 1.500 - 2.000 tấn đậu nành nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn hàng năm vẫn phải bỏ ra hơn 500 triệu USD để nhập khẩu các loại nguyên liệu này cho sản xuất TĂCN. Ông Bình phân tích: “Nhà nước nên có chính sách đầu tư nghiên cứu cải tạo giống nông sản mới để cho sản lượng cao hơn, hỗ trợ và hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Có như vậy mới giúp nhà nông có lợi nhuận và yên tâm hơn khi đầu tư sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định”.

Ngành công nghiệp sản xuất giày dép xuất khẩu phụ thuộc khá nhiều nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu nên tạo ra giá trị gia tăng thấp. Trong ảnh: Sản xuất giày da xuất khẩu ở Công ty CP cao su màu (Casum).
Ngành công nghiệp sản xuất giày dép xuất khẩu phụ thuộc khá nhiều nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu nên tạo ra giá trị gia tăng thấp. Trong ảnh: Sản xuất giày da xuất khẩu ở Công ty CP cao su màu (Casum).

Không chỉ có thế, nhiều loại nguyên liệu nông sản có thế mạnh trên địa bàn Đồng Nai như: điều, cao su, tiêu… còn xuất thô quá nhiều khiến cho giá trị thấp. Do vậy, rất cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển để gia tăng giá trị kim ngạch XK.

Mặc dù trên 80% kim ngạch NK của Đồng Nai nhằm phục vụ cho sản xuất, song vấn đề giảm sử dụng hàng ngoại, hàng xa xỉ và tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước cũng là một trong những hướng đi cần quan tâm. Trong tháng 6 và 7-2011, Bộ Công thương liên tục đưa ra các quy định nhằm siết chặt “đường” nhập khẩu của một số mặt hàng được cho là xa xỉ như: xe hơi, mỹ phẩm, rượu ngoại, điện thoại di động… với mục đích kiềm chế nhập siêu. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một số chuyên gia thì cách làm này chỉ mang tính nhất thời và chưa phải là giải pháp căn cơ, nhất là khi Việt Nam phải tuân thủ các lộ trình giảm thuế, miễn thuế… khi gia nhập WTO. Theo đó, cách làm được cho là bền vững nhất chính là “hỗ trợ các DN sản xuất hàng trong nước trên nhiều khía cạnh, khuyến khích người tiêu dùng tăng cường sử dụng hàng Việt, không xài hàng ngoại với những mặt hàng đã có trong nước” - một lãnh đạo Sở Công thương nói.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia công nghiệp phụ trợ

Đó là ý kiến của ông Huỳnh Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, khi bàn về các giải pháp nền tảng nhằm góp phần giảm nhập siêu ở Đồng Nai nói riêng và trên bình diện cả nước nói chung. Theo đó, nên có các chính sách khuyến khích DN vừa và nhỏ tham gia CN phụ trợ bởi khá nhiều DN vẫn phải nhập những loại nguyên liệu đơn giản mà DN trong nước hoàn toàn có thể sản xuất. Ông Bình lấy ví dụ, một DN Nhật Bản quy mô nhỏ ở KCN Amata hoạt động khá hiệu quả bằng cách cung ứng các đoạn dây điện ngắn thành phẩm cho các DN sản xuất hàng điện máy, điện lạnh. Ngoài ra, một số mặt hàng đơn giản như : đinh đóng giày, đồ trang trí, nút áo… vẫn được nhiều DN nhập khẩu về vì trong nước chưa đáp ứng được. Những mặt hàng trên, DN vừa và nhỏ có thể tham gia, không nhất thiết phải kêu gọi những DN lớn đầu tư quy mô, tốn kém. “Vấn đề ở đây là phải xác định thật rõ ràng, thế nào là CN phụ trợ và những mặt hàng nào được xác nhận là CN phụ trợ... để DN có thể đầu tư và Nhà nước có những chính sách hỗ trợ đúng chỗ, đúng nơi” - ông Bình nói.

Kim Ngân

Tin xem nhiều