Mặc dù lãi suất huy động ở nhiều chi nhánh ngân hàng tại Đồng Nai từ gần một tháng qua đã giảm so với trước, song nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, lãi vay vẫn rất cao.
Mặc dù lãi suất huy động ở nhiều chi nhánh ngân hàng tại Đồng Nai từ gần một tháng qua đã giảm so với trước, song nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, lãi vay vẫn rất cao.
Tuy kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn, song thời điểm này, nhiều DN cho biết đang có nhu cầu giải ngân thêm vốn hoặc vay mới để chuẩn bị nguyên vật liệu cho mùa làm ăn cuối năm. Nhiều DN kỳ vọng lãi suất sẽ giảm đáng kể sau khi Nghị quyết 11 được thực hiện, nhưng trong 4 tháng qua mọi việc diễn ra vẫn chưa đáp ứng tương xứng.
* Chỉ giảm nhỏ giọt
Qua tìm hiểu thực tế tại một số chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) trên địa bàn TP. Biên Hòa chúng tôi nhận thấy, xu hướng hạ lãi suất huy động đã bắt đầu gần 1 tháng nay, song mức giảm không cao, chỉ dao động từ 1 - 2%/năm. Với những khách hàng vãng lai có số tiền gửi không lớn (dưới 1 tỷ đồng), lãi suất về lại 14 - 15%/năm, không còn “ngất ngưởng” ở mức 16 - 17% như trước. Tuy nhiên với những khoản tiền lớn, người gửi vẫn có ưu thế trong đàm phán lãi suất với ngân hàng ở mức trên dưới 18%/năm, tùy nhu cầu huy động của ngân hàng đó.
Lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng giảm 1 - 2%/năm so với trước. Trong ảnh: Khách hàng đang giao dịch tại Ngân hàng ACB Đồng Nai. Ảnh: V.LÂM
Lãi suất huy động giảm, cộng với một số tín hiệu khác từ kinh tế vĩ mô như mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm trong 3 tháng gần đây so với đầu năm, xuất khẩu tăng mạnh, nhập siêu giảm…, khiến nhiều DN kỳ vọng lãi vay sẽ giảm theo. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho biết, hiện vẫn chưa thể giảm lãi suất vay, và chỉ một vài ngân hàng giảm rất nhẹ. Giám đốc một chi nhánh Ngân hàng TMCP có trụ sở trên đường 30- 4 (TP. Biên Hòa) nói: “Lãi suất vay hiện vẫn ổn định, không tăng nhưng chưa giảm. Nguyên nhân là do ngân hàng hiện vẫn sử dụng nguồn vốn huy động với lãi suất cao để cho vay”. Ông Huỳnh Lê Tuấn Kiệt, giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu chi nhánh Đồng Nai (ACB) cho biết, do có cơ chế mua bán vốn với hội sở nên khi lãi huy động giảm, lãi vay của ACB cũng được điều chỉnh giảm so với trước, song mức giảm chỉ từ 0,5 - 1%/năm.
Tại một vài ngân hàng khác, ở một số khoản vay, lãi vay cũng giảm, song giảm rất ít so với trước. “Các ngân hàng cũng đang nhìn nhau cả về lãi huy động lẫn cho vay. Tuy nhiên, nếu lãi huy động chỉ giảm nhẹ mà kỳ vọng lạm phát từ nay đến cuối năm từ 15 - 17% như điều chỉnh mới của Chính phủ thì lãi vay khó lòng giảm xuống dưới 20%” - lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng có trụ sở trên đường Nguyễn Ái Quốc nói.
* “Đuối” vì lãi cao kéo dài
Lãi suất ngân hàng cao, kéo dài nhiều tháng đã làm nhiều chủ DN - đặc biệt là các DN nhỏ và vừa không có khả năng tiếp cận các nguồn vốn có lãi suất ưu đãi hơn - rất mệt mỏi. Anh Trần Phú Lợi, chủ cơ sở nước uống đóng chai Fiva (huyện Xuân Lộc) cho biết, anh đang có nhu cầu vốn nhằm mở rộng cơ sở, nắm thời cơ mở rộng thị phần, nhưng chần chừ mãi vẫn chưa thực hiện vì lãi suất ngân hàng vẫn rất cao. Hiện tại, chỉ một số công trình đầu tư có tính bắt buộc, anh Lợi mới dám đến “gõ cửa” ngân hàng. “Lãi suất cao, cộng với lạm phát khiến cơ sở tôi phải gác lại một số công trình đầu tư để tập trung cho việc trả nợ ngân hàng và ổn định thu nhập cho nhân công” - anh Lợi tâm sự.
Nhiều DN đang mệt mỏi vì lãi suất vay cao, kéo dài nhiều tháng. Trong ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu tại một DN ở huyện Trảng Bom. Ảnh: Q.KHÁNH
Anh Đoàn Anh Quân, Giám đốc Công ty TNHH nhôm kính Đoàn Anh Quân ở TX. Long Khánh cũng cho rằng, việc lãi suất cao kéo dài không chỉ gây khó cho DN mà còn làm ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường. Anh Quân nói: “Từ đầu năm tôi nghĩ lãi suất chỉ ở mức cao trong thời gian ngắn, nào ngờ tình trạng này kéo quá dài, DN buộc phải nâng giá thành sản phẩm để tránh lỗ và duy trì sản xuất”. Hiện tại, mỗi tháng DN Đoàn Anh Quân phải trả lãi cho ngân hàng khoảng 400 triệu đồng - một khó khăn không phải nhỏ với một DN quy mô chưa lớn.
Giám đốc một DN chuyên về chế biến gỗ ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa cũng cho rằng, lãi suất cao kéo dài, nhiều DN khó lòng cầm cự, phải nghĩ đến chuyện thu hẹp sản xuất. “Trong ngành sản xuất gỗ, lợi nhuận tối ưu từ sản phẩm cũng chỉ đạt 18%, còn lãi ngân hàng hiện trên 20%. Các DN phải khéo “vun vén” thì mới tránh được lỗ trong giai đoạn này. Khi lãi suất ngân hàng thấp, DN sẽ mua trữ sẵn nguồn nguyên liệu trong thời điểm giá thấp. Còn hiện nay không dám trữ nguyên liệu vì số tiền lãi phải trả cho ngân hàng quá nhiều” - ông giám đốc DN này phân tích. Theo đó, với khoản nợ gần 20 tỷ đồng, mỗi tháng DN này phải xoay trở không dễ dàng để có được số tiền trả lãi. |