Báo Đồng Nai điện tử
En

Lợi bất cập hại

08:07, 01/07/2011

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 200 điểm kinh doanh, tái chế phế liệu. Các cơ sở này tuy góp phần  giảm được một lượng rác phải chôn lấp, song lại tạo ra những nguy cơ gây hại không nhỏ cho môi trường...

 

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 200 điểm kinh doanh, tái chế phế liệu. Các cơ sở này tuy góp phần  giảm được một lượng rác phải chôn lấp, song lại tạo ra những nguy cơ gây hại không nhỏ cho môi trường...

Đi dọc theo một số trục đường chính của tỉnh như quốc lộ 1A, quốc lộ 51 và các con đường liên huyện, xã, phường sẽ thấy hàng loạt cơ sở mua bán phế liệu, người mua, kẻ bán ra vào tấp nập. Có những điểm hàng xếp tràn cả ra mép đường, bốc mùi hôi nồng nặc.

 

* Ô nhiễm nghiêm trọng

Các điểm mua bán, tái chế phế liệu đa số ở TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, Long Thành và Nhơn Trạch. Đây là các khu vực có nhiều khu công nghiệp và dân cư sinh sống đông đúc, việc mua bán phế liệu dễ dàng hơn. Thông thường, phế liệu được các cơ sở mua về phân loại, sau 2 - 3 ngày có xe tải từ các cơ sở tái chế về lấy hàng. Tại các cơ sở mua bán phế liệu, nhiều mặt hàng là rác thải độc hại cũng có mặt, như: thùng, bình đựng keo, nhớt, hóa chất, sơn, ắc-quy hỏng… được chất đống tràn lan ngoài trời. Ông Dương Quốc Cường ở ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) than: “Gần trang trại của tôi có điểm tái chế bịch ny-lông, suốt ngày bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu. Đã thế, vào những ngày mưa còn chịu thêm cảnh nước rửa bịch ny-lông chảy tràn ra đường gây mất vệ sinh. Vừa qua, do khí thải, nước thải từ cơ sở này đổ ra đã làm trại gà của tôi chết khoảng 5 ngàn con gà giống, thiệt hại gần 100 triệu đồng”. Không chỉ mình ông Cường bức xúc, những hộ dân sống gần cơ sở tái chế rác này đều chung cảnh ngộ.

Phế liệu xếp tràn ra ngoài đường tại điểm mua bán phế liệu trên đường Nguyễn Ái Quốc gần chợ Hóa An thuộc xã Hóa An (TP.Biên Hòa).
Phế liệu xếp tràn ra ngoài đường tại điểm mua bán phế liệu trên đường Nguyễn Ái Quốc gần chợ Hóa An thuộc xã Hóa An (TP.Biên Hòa).

 

Hỏi thăm một vài người dân sống gần điểm mua bán phế liệu ở khu phố 6, phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) chúng tôi được biết, ngày nắng thì mùi hôi từ đống phế liệu bốc lên nồng nặc, ngày mưa nước từ các đống phế liệu chảy tràn ra đường và cống rãnh gần đó rồi đọng lại, khi nắng lên ruồi muỗi bay đến ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt. Còn ở Long Thành ông Lý Hà Huấn, cán bộ Phòng Tài nguyên và môi trường huyện cũng cho biết: “Toàn huyện có đến 36 điểm kinh doanh, tái chế phế liệu. Đa số các điểm đều vi phạm về môi trường, như: đổ phế liệu hàng tràn lan không có mái che, nước thải từ phế liệu chưa được xử lý để tràn ra đường, cống, suối...”.

* Quản lý chưa chặt

Do việc quản lý các điểm kinh doanh, tái chế phế liệu trên địa bàn tỉnh còn lỏng lẻo nên tình trạng gây ô nhiễm môi trường vẫn tràn lan. Chủ các cơ sở này đa số là người từ nơi khác đến thuê mặt bằng kinh doanh phế liệu, trong đó rất nhiều cơ sở không đăng ký kinh doanh, không làm đánh giá tác động môi trường. Sau một thời gian hoạt động gây ô nhiễm, phần lớn các điểm kinh doanh bị những hộ dân sinh sống xung quanh phản ứng. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, nếu chỉ nhắc nhở và phạt nhẹ thì các điểm này sẽ đóng phạt và tiếp tục hoạt động. Trường hợp bị xử phạt hành chính với số tiền lớn, họ sẽ chuyển đi thuê địa điểm khác để tiếp tục kinh doanh.

Ông Ngô Đức Vượng, Phó phòng Tài nguyên và môi trường huyện Trảng Bom, cho biết: “Thời gian qua, các điểm kinh doanh, tái chế phế liệu trên địa bàn mọc lên khá nhiều. Hiện phòng phối hợp với các xã tiến hành điều tra nắm chính xác số lượng, địa điểm kinh doanh phế liệu, nhằm có biện pháp quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho khu dân cư và nguồn nước”.

Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Trưởng phòng Tài Nguyên và môi trường Biên Hòa, chủ trương của thành phố không cho mở các điểm kinh doanh, tái chế phế liệu trên địa bàn. Vì ngoài gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở còn làm mất mỹ quan của thành phố.

 

Hàng năm, Phòng tài nguyên và môi trường các huyện, thị, thành đều tổ chức kiểm tra những điểm kinh doanh, tái chế phế liệu lớn, song đa số mới dừng lại ở việc nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính ở mức nhẹ, rồi buộc phải làm cam kết bảo vệ môi trường. Thế nhưng, hầu hết các điểm kinh doanh, tái chế phế liệu đều không thực hiện theo cam kết. Việc đưa rác thải vào tái chế để giảm một phần lượng rác chôn lấp là cần thiết, nhưng lại gây ra ô nhiễm không khí và nguồn nước là điều không thể chấp nhận.

 

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều