Trong bối cảnh phải tập trung mọi nguồn lực để chống lạm phát, con số tăng trưởng hơn 31% của kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2011 được cho là khá ấn tượng. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp (DN), điều này chưa làm họ mừng vui, bởi ngoài công ăn việc làm được đảm bảo, vấn đề lợi nhuận rất đáng quan tâm.
Trong bối cảnh phải tập trung mọi nguồn lực để chống lạm phát, con số tăng trưởng hơn 31% của kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2011 được cho là khá ấn tượng. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp (DN), điều này chưa làm họ mừng vui, bởi ngoài công ăn việc làm được đảm bảo, vấn đề lợi nhuận rất đáng quan tâm.
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 4,4 tỷ USD, tăng 31,4% so cùng kỳ năm 2010 và đạt 53% kế hoạch năm. Mức tăng này khá đồng đều giữa các khối DN trung ương, địa phương và DN có vốn đầu tư nước ngoài. So với mục tiêu Nghị quyết đề ra từ đầu năm là kim ngạch xuất khẩu tăng từ 15 - 17% thì con số tăng trưởng trong 6 tháng qua là khá ấn tượng.
* Tăng trưởng trong khó khăn
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trên địa bàn Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm nay gồm: giày dép các loại, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm chất dẻo, máy vi tính, điện tử và linh kiện điện tử, gốm sứ, các mặt hàng nông sản... Theo số liệu của Cục Hải quan Đồng Nai, 6 tháng qua, các DN trong tỉnh đã xuất khẩu trên 20 mặt hàng sang hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu đứng đầu là châu Á chiếm khoảng 54% tổng kim ngạch, thứ 2 là châu Mỹ chiếm hơn 27% và châu Âu chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu.
Một góc xưởng may của Công ty Dovitec. Ảnh: K.Giới
Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng, đây là mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhất kể từ năm 2008 đến nay, dù nền kinh tế các nước nằm trong nhóm thị trường truyền thống của DN Đồng Nai vẫn còn nhiều khó khăn do hậu quả của khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ công châu Âu, động đất và sóng thần ở Nhật Bản... Bối cảnh trong nước 6 tháng đầu năm nay cũng không mấy thuận lợi do lạm phát, lãi suất vay quá cao, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh...
* Lợi nhuận giảm
Là một trong những mũi nhọn kinh tế Đồng Nai, do vậy kim ngạch xuất khẩu tăng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đằng sau con số tăng 31,4% đầy ấn tượng vẫn ẩn chứa nhiều nỗi lo của DN. Bởi thực tế cho thấy, với giá đầu vào tăng mạnh, nhiều đơn hàng của DN không tăng được giá bán đã ảnh hưởng đến lợi nhuận. Anh Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Công ty Việt Hoa (phường Long Bình - TP.Biên Hòa), chuyên làm hàng mây tre đan xuất khẩu cho biết, 6 tháng đầu năm DN đã xuất khẩu đạt gần 7 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2010. Doanh thu là vậy, nhưng lợi nhuận gần như không có. Anh Thắng nói: “Mọi chi phí trong quý 1 tăng quá cao làm hàng không lỗ cũng là may rồi. Công ty tôi xác định trong năm nay cố gắng duy trì sản xuất và bảo toàn vốn để giữ công nhân, còn lợi nhuận không tính tới”. Cũng theo anh Thắng, không chỉ Công ty Việt Hoa, mà nhiều DN khác trong ngành đan lát mây tre xuất khẩu đều gặp khá nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao nên rất ít đơn vị có lãi.
Ở lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu cũng khó khăn không kém. Phó giám đốc một DN gỗ khá lớn tại phường Tân Biên - Biên Hòa, cho biết 6 tháng đầu năm nay DN này xuất khẩu đạt trên 7 triệu USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 800 ngàn USD nhưng DN vẫn đang gồng mình chịu lỗ. Ông phó giám đốc này tính toán, chi phí đầu vào sản xuất đã tăng 35%, trong khi đó giá hợp đồng xuất hàng chỉ tăng được hơn 10%. Theo Hiệp hội chế biến lâm sản Đồng Nai, năm nay rất ít DN chế biến gỗ xuất khẩu làm ăn có lãi, bởi giá gỗ nguyên liệu và chi phí sản xuất ở mức quá cao.
Khá thận trọng khi đưa ra đánh giá cho câu hỏi về hiệu quả lợi nhuận của các đơn hàng xuất khẩu so với các năm trước, ông Châu Minh Nguyện cho rằng: “Theo tôi, với các mặt hàng nông sản thì DN có lãi thực sự bởi giá nông sản xuất khẩu thời gian qua tăng mạnh. Riêng nhóm sản phẩm công nghiệp, chưa thể đưa ra con số cụ thể là DN bị sút giảm bao nhiêu % lợi nhuận do giá cả tăng, song có thể nói DN chịu nhiều thiệt thòi so với các năm trước do chi phí đầu vào thời gian qua tăng rất mạnh”. Ông Nguyện cũng nói, đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, xuất khẩu nông sản được lợi về giá: giá nhân điều tăng trên 40%; cà phê tăng trên 50%, hạt tiêu tăng trên 72%, cao su tăng hơn 62%... Riêng các sản phẩm công nghiệp, thiệt thòi chủ yếu là DN khi ký hợp đồng với những đơn hàng trước rất khó lường được sự biến động giá cả, và khi giá tăng mạnh, việc điều chỉnh lại hợp đồng rất khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian qua việc ngân hàng luôn duy trì lãi suất ở mức trên dưới 20%/năm là quá cao đối với ngành sản xuất.
Quả thực, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc tăng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi sự cố gắng nhiều của các DN. Không ít DN chấp nhận lỗ nhằm duy trì công việc cho người lao động và chờ thời cơ thuận lợi hơn.
Một trong lĩnh vực sản xuất gặp thuận lợi là hàng may mặc xuất khẩu. Ngay từ đầu năm, hầu hết các DN may đều xây dựng doanh thu tăng từ 10 - 15% và điều đó không phải là khó khăn. Tuy nhiên, về lợi nhuận các DN cũng chỉ dự kiến bằng, thậm chí thấp hơn so với năm 2010. Công ty cổ phần Đồng Tiến (Dovitec) là một ví dụ. Đến nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã được ký hợp đồng đến hết năm. Doanh thu 5 tháng đầu năm của Dovitec đạt 146 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng doanh thu theo kế hoạch năm nay là 375 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2010. Tuy nhiên, lợi nhuận của DN dự kiến chỉ tương đương năm ngoái. Phó giám đốc Công ty Nguyễn Văn Hoàng nói: “Doanh thu xuất khẩu chắc chắn đạt mức tăng trưởng 10% so với năm 2010, nhưng lợi nhuận có thể cũng chỉ tương đương năm ngoái. Mặc dù có đơn hàng khá tốt từ đầu năm, nhưng do tình hình lạm phát nên chúng tôi phải tăng lương và phụ cấp cho người lao động. Tính ra mức lương bình quân tăng tới 48% so với năm 2010”. |
Khắc Giới - Kim Ngân