Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô: Thách thức còn lớn

09:07, 22/07/2011

Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII ngày 21-7, đã nêu rõ: Nguy cơ lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã trở thành thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta trong năm 2011.

Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII ngày 21-7, đã nêu rõ: Nguy cơ lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã trở thành thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta trong năm 2011.

Tuy nhiên, với nhiều giải pháp tích cực và chủ động trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo điều hành của Chính phủ cùng sự đồng thuận của toàn xã hội, nỗ lực, cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội cả nước 6 tháng đầu năm 2011 đã đạt được những kết quả tích cực.

* Khó khăn còn nhiều

Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 42,33 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ, gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội thông qua (10%). Nhập siêu bằng 15,72% tổng kim ngạch xuất khẩu (chỉ tiêu Quốc hội là không quá 18%). Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua bổ sung gần 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 409,7 tỷ đồng, bằng 38,3% GDP. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt khoảng 327,8 ngàn tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán năm. Mặc dù tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt 5,57%, thấp hơn cùng kỳ và chỉ tiêu cả năm 2011 Quốc hội thông qua nhưng đây là nỗ lực rất lớn của cả nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, thúc đẩy sản xuất phát triển sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong ảnh: Sản xuất bao bì ở Công ty CP bao bì Sovi (KCN Biên Hòa 1).
Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, thúc đẩy sản xuất phát triển sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong ảnh: Sản xuất bao bì ở Công ty CP bao bì Sovi (KCN Biên Hòa 1).

Trong điều kiện ngân sách khó khăn, phải phấn đấu giảm bội chi, Chính phủ vẫn đặc biệt quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. 6 tháng qua, cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 724,36 ngàn người, trong đó xuất khẩu lao động 45,86 ngàn người. Đã xuất dự trữ quốc gia cứu trợ 56,2 ngàn tấn gạo và các vật tư, thiết bị thiết yếu với tổng giá trị khoảng 512 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định bên cạnh những kết quả tích cực ban đầu trong 6 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang đứng trước những thách thức, khó khăn rất lớn. Đó là lạm phát, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao. Lãi suất huy động bình quân tăng khoảng 2,9% so với cuối năm 2010. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khá lớn. Việc vay vốn tín dụng của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng; tiềm lực của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán tuy đã được tăng cường nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.

Nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đã có cải thiện nhưng mức nhập siêu vẫn còn cao, 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 6,65 tỷ USD bằng 15,72% kim ngạch xuất khẩu. Khu vực sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn do phải tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ và kiềm chế lạm phát. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm so với cùng kỳ. Thị trường chứng khoán khó khăn, thị trường bất động sản suy giảm. Đáng nói là mô hình phát triển kinh tế của nước ta còn một số bất cập. Hiệu quả công tác dự báo chưa cao; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa thu được nhiều kết quả...

* Tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát

Báo cáo của Chính phủ đã khẳng định, phải quyết liệt, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện các giải pháp, trong đó tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm

Chính phủ đã đưa ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Trong đó có các nhóm giải pháp về: chính sách tiền tệ; chính sách tài khóa; chính sách thương mại, giá cả, thị trường; thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; bảo đảm an sinh xã hội…

Trong chính sách tiền tệ, tiếp tục được điều hành chặt chẽ, thận trọng, giảm lãi suất ở mức phù hợp, bảo đảm thanh khoản của hệ thống tín dụng, kiểm soát nợ xấu. Ổn định giá trị đồng tiền là một trong những mục tiêu trung và dài hạ của chính sách này. Chính sách tài khóa cũng tiếp tục được thực hiện thắt chặt; phấn đấu vượt 7 - 8% dự toán thu ngân sách, tiết kiệm chi, sử dụng hiệu quả ngân sách. Với chính sách thương mại, giá cả, thị trường, cần đảm bảo cung cầu hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường…

Một trong các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội là phải tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện tiếp cận vốn  cho các doanh nghiệp và dự án hiệu quả, có đầu ra của sản phẩm; khuyến khích tiết giảm chi phí, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn để bảo đảm an ninh lương thực và tăng xuất khẩu nông sản, bảo đảm đời sống nông dân…

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn trong bối cảnh lạm phát, Chính phủ trình Quốc hội quyết định việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và thuế thu nhập cá nhân đối với một số trường hợp khó khăn, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội trong năm 2011 và 2012.

Xuân Phú


 

 

 

Tin xem nhiều