Theo Quyết định số 23 ngày 23-3-2011 của UBND tỉnh, trên địa bàn Đồng Nai có 520 cơ sở phải di dời ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư để đảm bảo môi trường. Đa số các cơ sở đều đồng ý sẽ di dời, song phần lớn còn chờ đợi chính sách hỗ trợ để tái đầu tư sản xuất.
Theo Quyết định số 23 ngày 23-3-2011 của UBND tỉnh, trên địa bàn Đồng Nai có 520 cơ sở phải di dời ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư để đảm bảo môi trường. Đa số các cơ sở đều đồng ý sẽ di dời, song phần lớn còn chờ đợi chính sách hỗ trợ để tái đầu tư sản xuất.
Trang trại gà đẻ trứng của chị Nguyễn Thị Tuyết ở ấp 3, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) nằm trong danh sách di dời đợt 1. Ảnh: T.L |
Để bảo vệ môi trường và để phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, trong đợt 1 sẽ có 520 cơ sở đang sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phải di dời ra khỏi khu vực đô thị. Trong đó có trên 30 doanh nghiệp lớn, còn lại đa số các cơ sở sản xuất, chăn nuôi vừa và nhỏ. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2014 toàn tỉnh sẽ hoàn thành việc di dời.
Đợi hỗ trợ
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lớn, vừa và nhỏ, thì việc di dời đến nơi mới đều rất khó khăn. Song, đây là quyết định nhằm đảm bảo môi trường và đời sống của người dân ở các khu đô thị, nên phần lớn các cơ sở đều đồng ý sẽ di dời. Tuy nhiên, các cơ sở vẫn còn đang chờ đợi chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhằm giảm bớt khó khăn và tổn thất, sớm tìm được nơi mới để đầu tư ổn định sản xuất. Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi Phú Sơn ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), cho biết: “Doanh nghiệp đang sản xuất ổn định phải dời đi sẽ gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư, lao động. Vì thế, chúng tôi mong tỉnh có những chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp di dời, như: giới thiệu đến nơi mới phù hợp với quy hoạch và thông báo rõ thời gian để các cơ sở yên tâm đầu tư xây dựng nhà xưởng”.
Công ty CP chăn nuôi Phú Sơn (huyện Trảng Bom) phải di dời trong đợt 1. Ảnh: H.G |
Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ trang trại gà đẻ trứng ở ấp 3, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), một trong những cơ sở phải di dời trong đợt 1, nói: “Trang trại của tôi đầu tư hơn 10 tỷ đồng, nếu phải chuyển đi, máy móc nhà trại gần như bỏ hết. Vì vậy, không có chính sách hỗ trợ của tỉnh về vốn, đất đai thì trang trại của tôi khó có điều kiện khôi phục được sản xuất như cũ”.
Lo lắng của chị Tuyết cũng là nỗi niềm chung của các trang trại chăn nuôi phải di dời trong đợt 1. Bởi vốn liếng của họ hầu hết đã dồn vào xây dựng chuồng trại, mua máy móc. Khi di dời tới nơi khác họ phải có tiền mua đất, xây dựng lại trang trại. Nếu không có sự hỗ trợ từ nhà nước phần lớn sẽ không đủ khả năng tái đầu tư sản xuất.
Tìm giải pháp có lợi
Theo Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT), trong số 520 cơ sở di dời đợt 1 theo Quyết định 23 của UBND tỉnh, thì có đến 322 cơ sở chăn nuôi, giết mổ; 40 cơ sở thuộc lĩnh vực gỗ, giấy, may, giày da; 37 cơ sở tái chế phế liệu; 28 cơ sở cơ khí điện máy, còn lại là các cơ sở gốm, sản xuất vật liệu xây dựng, nông sản, thực phẩm… Theo đó, đầu năm 2012, các cơ sở có thể bắt đầu di dời. Hiện tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và đang tiến hành xây dựng đề án hỗ trợ. Tuy nhiên, việc di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ra khỏi khu đô thị, dân cư tập trung tương đối phức tạp, vì các chính sách của trung ương về xử lý đất đai, các tài sản gắn liền với đất tại vị trí cũ sau di dời, hỗ trợ ngừng, nghỉ việc, đào tạo nghề cho người lao động, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, hỗ trợ đầu tư… chậm ban hành nên các địa phương cũng khó thực hiện.
Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN-MT, khẳng định: “Đa số các cơ sở đều đồng ý di dời, song họ còn đợi chính sách hỗ trợ cho đầu tư sản xuất đến nơi mới. Ngoài ra, các cơ sở đều mong tỉnh bố trí địa điểm tiếp nhận phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh. Do đó, Sở TN-MT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm hoàn thành đề án hỗ trợ các cơ sở di dời trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp các địa phương bố trí địa điểm cho các cơ sở di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi”.
Hiện nay, bảo vệ môi trường là một trong vấn đề được tỉnh quan tâm hàng đầu. Vì thế, việc di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu đô thị, khu dân cư để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng là việc sớm phải làm. Vấn đề còn lại hiện nay là sớm có chính sách phù hợp để các cơ sở sau di dời vẫn tiếp tục phát triển được sản xuất.