Chưa xây dựng được thương hiệu, chưa phát triển được hệ thống phân phối rộng rãi, không có kinh phí truyền thông trong khi vẫn phải gánh một số khó khăn về lãi suất, giá nguyên liệu…, khiến nhiều cơ sở sản xuất hàng Việt nhỏ đang gặp nhiều trở ngại trên bước đường mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín hàng hóa.
Chưa xây dựng được thương hiệu, chưa phát triển được hệ thống phân phối rộng rãi, không có kinh phí truyền thông trong khi vẫn phải gánh một số khó khăn về lãi suất, giá nguyên liệu…, khiến nhiều cơ sở sản xuất hàng Việt nhỏ đang gặp nhiều trở ngại trên bước đường mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín hàng hóa.
Sản xuất xe đạp tại DNTN Dũng Thành Doanh. Ảnh: G.Hân |
Khi xác định thế mạnh cạnh tranh của mình trước các thương hiệu nội và ngoại nhập trong cùng một ngành hàng, một số chủ DN sản xuất hàng Việt quy mô nhỏ nhận xét, giá cả phải chăng và sản phẩm được chăm chút kỹ lưỡng là 2 khía cạnh mà họ “tự tin” nhất. Tuy nhiên, hiện tại, các yếu tố khó khăn chung như: lãi suất cao, giá nguyên vật liệu tăng mạnh đang khiến nhiều DN “chông chênh”.
LÃI CAO, NGUYÊN LIỆU ĐộI GIÁ
Bà Phạm Thị Sơn, chủ cơ sở kẹo Yến Nhi (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, năm nay các cơ sở sản xuất nhỏ như của bà gặp không ít khó khăn. Trong đó, vấn đề đáng lo nhất vẫn là giá nguyên liệu đầu vào (như: đường, đậu, hạt điều…) liên tục biến động tăng cao. “Nhiều khi chỉ qua một đêm, giá hạt điều, đậu phộng đã tăng lên cả chục ngàn đồng/kg. Nhiều đơn hàng hầu như không có lời vì giá sản phẩm đã chốt ngay từ lúc đặt hàng, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, DN trở tay không kịp” - bà Sơn nói.
Theo đó, giá nguyên liệu tăng tạo nên gánh nặng đồng vốn lớn, trong khi lãi suất ngân hàng quá cao càng gây khó khăn cho người sản xuất. Bà Sơn chia sẻ, hiện sản xuất đến đâu thì nhập nguyên liệu đầu vào đến đó, không dám trữ hàng như mọi năm, dù điều này làm DN bị động hơn trong việc ứng phó khi giá cả thị trường biến động liên tục. Năm nay, tuy sản lượng kẹo của cơ sở kẹo Yến Nhi cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu vẫn ổn định so với mọi năm nhưng lợi nhuận của người sản xuất lại giảm hẳn. Bà Sơn cho biết, DN chỉ cố gắng ổn định sản xuất chứ chưa dám có ý định đầu tư hay mở rộng thêm hoạt động của cơ sở.
Tương tự, bà Nguyễn Trần Song Thương, chủ cơ sở Dũng Thành Doanh chuyên sản xuất xe đạp ở TP. Biên Hòa, cho biết từ đầu năm 2011 đến nay, các loại vật liệu như sắt, inox, sơn… và một số phụ liệu khác đều tăng giá ít nhất 20%, gây khó khăn cho DN. Trong khi giá sản phẩm đầu ra chỉ có thể điều chỉnh tăng thêm 5 - 10% tùy địa bàn, DN bị giảm lợi nhuận khoảng 50% so với trước.
Hiện tại, nhiều DN sản xuất hàng Việt Nam có quy mô nhỏ cũng đang đối mặt với những khó khăn tương tự: giá đầu vào tăng cao, hàng bán khó, lợi nhuận giảm… Thêm vào đó, do không tiếp cận được với các nguồn vốn lãi suất hợp lý, các DN này hầu hết đều đang chịu đựng mức lãi vay trên 20% - mức lãi mà cả những DN có “sức khỏe” tốt cũng phải… kêu trời!
VẤT VẢ CHÀO HÀNG
Một trong những điểm yếu nhất của các cơ sở nhỏ khi muốn mở rộng thị trường là về hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm. Phó tổng giám đốc một DN lớn trong ngành thực phẩm cho biết, thông thường chi phí cho hoạt động truyền thông, quảng cáo chiếm từ 5 - 7% giá bán sản phẩm - đây là mức kinh phí tương đối khá lớn đối với các DN trong nước, còn với các thương hiệu nước ngoài, mức kinh phí dành cho việc này còn cao gấp nhiều lần. Trong khi đó, hàng Việt của các cơ sở nhỏ hầu hết đều không có kinh phí dành cho hoạt động này.
Mặt hàng nông sản sấy Thuận Hương ký gửi tại chuỗi cửa hàng D&F. Ảnh: V.Lâm |
Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc DNTN Thuận Hương, chuyên sản xuất các mặt hàng rau củ sấy khô (huyện Định Quán) cho biết, DN không có kinh phí để làm quảng cáo, tất cả các hoạt động bán hàng hay quảng bá sản phẩm đều thông qua một số chương trình hội chợ hay xúc tiến thương mại của địa phương. “Vì là sản phẩm mới, lại không có quảng cáo nên khâu chào hàng rất khó khăn. DN phải chở hàng đến ký gửi tại các chợ, trạm dừng chân, siêu thị…, nếu bán không hết phải đến chở về. Mặt khác, phải kiểm tra liên tục vì sợ hàng hết hạn, mất uy tín” - ông Sáng nói. Đến nay, Thuận Hương đã có hợp đồng cung ứng được với một vài siêu thị, trạm dừng chân, một số đối tác ở Campuchia và Trung Quốc. Đây là những nỗ lực rất lớn của cách bán hàng “truyền miệng” mà DN buộc phải làm.
Tương tự, bà Song Thương cũng nhận định, hầu hết các DN vừa và nhỏ đều không có kinh phí dành cho quảng bá sản phẩm - dù biết đây là mảng rất quan trọng trong mở rộng thị trường và khẳng định thương hiệu. Các hoạt động bán hàng của bà Thương hiện cũng thực hiện theo cách cử nhân viên khảo sát thị trường và trực tiếp chào hàng đến từng nơi, tuy khá vất vả, song đây là cách “khả dĩ” nhất mà DN nhỏ có thể làm để duy trì sản lượng. Bà Phạm Thị Sơn cũng cho biết, DN bà không hề có chi phí cho hoạt động quảng bá thương hiệu hay quảng cáo cho sản phẩm. “Kẹo Yến Nhi được khách hàng ưa chuộng chủ yếu là dựa vào chất lượng sản phẩm. Mọi khâu từ lựa chọn nguyên liệu đầu vào đến khâu chế biến, bảo quản đều được chăm chút tỉ mỉ, cố gắng không chạy theo lợi nhuận làm thiệt hại uy tín, gây khó khăn cho việc bán hàng” - bà Sơn nói.