Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp nào tốt nhất cho vận chuyển bauxite?

09:07, 28/07/2011

Trước những phản ứng của dư luận về kế hoạch vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng qua Đồng Nai, ngày 27-7, cuộc họp giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) - (đơn vị chủ đầu tư dự án Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng) đã phân tích, mổ xẻ sâu sắc những vấn đề có thể làm ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…

Trước những phản ứng của dư luận về kế hoạch vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng qua Đồng Nai, ngày 27-7, cuộc họp giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) - (đơn vị chủ đầu tư dự án Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng) đã phân tích, mổ xẻ sâu sắc những vấn đề có thể làm ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…

Nói về giải pháp vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng qua Đồng Nai và về cảng Gò Dầu trong thời gian tới, ông Dương Văn Hòa, Phó tổng giám đốc TKV thừa nhận, kế hoạch này đang là vấn đề “nóng”, được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông Hòa khẳng định, TKV không đặt lợi ích riêng trong việc khai thác, kinh doanh quặng mỏ bauxite, mà trân trọng tiếp thu những ý kiến của dư luận xung quanh vấn đề nhạy cảm này.

* Không thể ngừng dự án!

Theo ông Hòa, báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, thời gian qua, nước ta phải nhập khẩu 100% nhôm. Trong khi đó, sản lượng bauxite ở Việt Nam chỉ đứng thứ ba trên thế giới, sau Úc và Chi Lê. Điều này cho thấy, việc khai thác quặng mỏ bauxite (sản phẩm quặng làm ra nhôm và các sản phẩm khác) là cần thiết.

Quang cảnh buổi làm việc xung quanh vấn đề vận chuyển bauxite.
Quang cảnh buổi làm việc xung quanh vấn đề vận chuyển bauxite.

 

Thực tế, việc vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về nơi chế biến (Bình Thuận) được tính toán rất chi tiết. Theo đó, có 3 phương án thực hiện điều này. Đó là vận chuyển bằng đường bộ, theo lộ trình của cung đường vận chuyển dài 190 km, với điểm đầu tại nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) và điểm cuối là cảng Gò Dầu (Đồng Nai), chia thành bốn đoạn. Đoạn 1 thuộc địa phận Lâm Đồng (dài 17km), đoạn 2 từ thị xã Bảo Lộc về ngã tư Dầu Giây (120km), đoạn 3 từ ngã tư Dầu Giây ra QL51 (33,38km) và đoạn 4 từ QL51 xuống cảng Gò Dầu (20km). Như vậy, hành trình của xe chở bauxite đi ngang qua Đồng Nai chiếm gần 129km toàn tuyến. Phương án 2, vận chuyển bằng đường sắt, nhưng nguồn vốn đầu tư quá cao, khoảng 3 tỷ USD nên khó thực hiện. Còn phương án dẫn nguyên liệu bằng đường ống sau khi rửa, pha nước và dịch chuyển sản phẩm từ nơi khai thác đến các nhà máy ven biển, cách làm này tiết kiệm vốn đầu tư nhưng hạn chế ở chỗ, chỉ sử dụng cho việc vận chuyển bauxite, nên không khả thi đối với những hoạt động khác. Do đó, việc vận chuyển bauxite bằng đường bộ là giải pháp được Chính phủ và Bộ Giao thông - vận tải đồng ý.

Ông Hòa cho rằng, những cung đường vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng qua Đồng Nai hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng trong thời điểm hiện nay khi sản lượng bauxite Lâm Đồng đã khai thác và đang chế biến thử; đến cuối tháng 9 tới sẽ ra sản phẩm, thì không còn cách nào khác là phải thực hiện kế hoạch. Một điều đáng lưu ý là những thông số liên quan đến quy trình bảo dưỡng cầu đường trên QL20, QL51 và đường tỉnh 769 mà ông Hòa cho biết, được Công ty tư vấn của Bộ Giao thông - vận tải khảo sát từ năm… 2008, đến nay đã lạc hậu! 

* Hạ tầng không đảm bảo thì chưa vận chuyển bauxite

Đây là ý kiến của Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh tại cuộc họp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là thống nhất chủ trương trong việc khai thác, vận chuyển bauxite. Đồng Nai rất quan tâm đến nhu cầu phát triển kinh tế vùng, khu vực và đất nước, song không thể không chú ý đến đời sống của dân cư trong tỉnh. Vấn đề ở chỗ, kế hoạch vận chuyển bauxite mà chủ đầu tư đưa ra không phù hợp với thực tế, trái với quy định của pháp luật. Chẳng hạn, xe chuyên chở bauxite theo thông báo là tải trọng 40 tấn, trong khi đó, lâu nay QL20 chỉ đáp ứng được 1/4 trọng tải thiết kế; tương tự QL 51 chỉ chịu lực 1/3. Như vậy, sức chịu đựng của các cung đường mà kế hoạch xe vận tải nặng chở bauxite đương nhiên không thể đảm bảo an toàn, kể cả về mặt giao thông lẫn an ninh trật tự. Ngoài đường sá xuống cấp, hàng chục chiếc cầu trên các tuyến mà xe bauxite đi qua, cũng không thể gánh vác nổi độ an toàn của nó. Cụ thể, các cầu trên QL20, QL51 và đường tỉnh 769, tải trọng cho phép thấp nhất 20 tấn, cao nhất 30 tấn. Vì vậy, nếu xe tải trọng 40 tấn vượt qua là vi phạm pháp luật. Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật. Do đó, sẽ không có trường hợp ngoại lệ khi xe quá tải qua cầu, dù đó là đối tượng nào.

Cầu Suối Bí trên đường tỉnh 769 không đảm bảo an toàn cho xe 40 tấn.
Cầu Suối Bí trên đường tỉnh 769 không đảm bảo an toàn cho xe 40 tấn.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh còn băn khoăn khi hình dung, nếu như có một vụ tai nạn do xe chở bauxite gây ra, sẽ khó lường trước được hậu quả, nhất là về an ninh, trật tự xã hội. Đó là chưa kể, nếu như xảy ra sự cố xe bị hư hỏng, hóa chất độc hại rơi vãi trên đường gây ô nhiễm môi trường thì ngay việc khắc phục hậu quả cũng không đơn giản. Chính vì vậy, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trước mắt Bộ Giao thông - vận tải và TKV  phải có  kế  hoạch  nâng cấp ngay các cầu - nơi xe chở bauxite đi qua cho đủ tải trọng 40 tấn. Còn khi chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông, thì tạm thời chưa thể vận chuyển bauxite qua địa bàn Đồng Nai.

Cuối buổi làm việc, ông Dương Văn Hòa nhìn nhận, vấn đề vướng mắc mà lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành chức năng nêu ra là có cơ sở. Qua đó ông Hòa cho biết, Tập đoàn sẽ cân nhắc, nghiên cứu kỹ hơn về kế hoạch vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu sao cho phù hợp nhất. 

 

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban nhôm - titan (Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam): Nhanh chóng nâng cấp hệ thống cầu đường!

Kế hoạch của Tập đoàn trong việc vận chuyển bauxite trung bình dưới 10 phút/chuyến xe 40 tấn. Ước sẽ có chừng140 chuyến vận chuyển bauxite mỗi ngày ngang qua Đồng Nai; mỗi chuyến cách nhau khoảng 4 km. Thực trạng hiện tại của cầu đường ở Đồng Nai đã xuống cấp, mật độ lưu thông cao nên ảnh hưởng đến an toàn xã hội. Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có ý kiến, nếu hạ tầng cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu thì chưa nên vận chuyển bauxite. Về cơ bản tôi tán đồng, nhưng cho đến thời điểm này, khi dự án đi vào hoạt động và đang trong giai đoạn sản xuất sản phẩm, thì không thể dừng lại được. Quan trọng ở chỗ, giải quyết chuyện trọng tải của cầu đường như thế nào cho phù hợp với tải trọng của xe mới là quan trọng, không thể chần chừ mà phải thực hiện ngay. Đến năm 2014, khi cảng Kê Gà (Bình Thuận) đi vào hoạt động, vẫn có khoảng 10% sản phẩm từ quặng nhôm được vận chuyển qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Điệp: Phân luồng là giải pháp hợp lý!

QL20, QL51 và đường tỉnh 769 xuống cấp, không đảm bảo cho các loại xe vận tải nặng đến 40 tấn là điều thấy rõ, nhất là toàn bộ số cầu trên các tuyến đường chỉ đảm bảo từ 20 - 30 tấn. Do đó, nếu xe 40 tấn thường xuyên hoạt động, chắc chắn sẽ dẫn đến tai họa khó lường. Vì vậy, Sở giao thông - vận tải đề xuất phương án vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về không qua đường tỉnh 769, mà đi từ QL20 ra QL1 về thẳng cảng Gò Dầu; hoặc khi đến QL1, đi sang QL56 (tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu) ra QL51 đến cảng Gò Dầu.

Đại tá Võ Văn Sáng, Phó giám đốc Sở Công an Đồng Nai: Không thể đảm bảo an toàn giao thông!

Thống kê gần đây nhất cho thấy, QL20 có khoảng trên 24 ngàn lượt xe qua lại/ngày; QL51: 66 ngàn lượt xe và QL1 25 ngàn xe. Mật độ này đã tăng gấp 3-4 lần so với thiết kế của đường. Trong năm 2010, trên QL20 đã xảy ra 92 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 44 người và hàng trăm người khác bị thương; QL51 132 vụ TNGT, làm 44 người chết. Riêng quý I/2011, QL51 tăng 200% số vụ tai nạn. Nguyên nhân một phần là do mật độ lưu lượng xe vượt quá khả năng thiết kế. Riêng đường tỉnh 769, trong năm 2010 cũng xảy ra 15 vụ TNGT, làm chết 3 người. Đặc điểm của cung đường này là vì xe trốn trạm cân khá nhiều khiến đường nhanh xuống cấp.

Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông Dương Danh Quý: Dư luận bức xúc là đương nhiên!

QL20 là cung đường nhiều cử tri thắc mắc nhất là vì sao không đại tu, nâng cấp nhưng vẫn thu phí. Thời gian tới, khi kế hoạch vận chuyển bauxite qua địa bàn lại càng gây bức xúc trong nhân dân, nhất là những hộ ở ven đường. Bên cạnh đó, QL51 và đường tỉnh 769 cũng không thể đảm bảo an toàn, một khi xe có tải trọng 40 tấn lưu thông. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng là điều đáng quan ngại. Giả sử, nếu có sự cố về xe vận chuyển xút (hóa chất độc hại từ titan và một phần ôxít nhôm) làm rơi vãi, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thì ai chịu trách nhiệm?

 

 

 

Tạ Nguyên

 

 

 


 

Tin xem nhiều