Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá bông giảm, sợi vẫn tồn hàng

09:07, 15/07/2011

Giá bông nguyên liệu giảm mạnh đã kéo giá sợi giảm theo, nhưng không vì thế mà lượng hàng của doanh nghiệp (DN) tiêu thụ tốt hơn. Thị trường này đến nay vẫn khá trầm lắng

Giá bông nguyên liệu giảm mạnh đã kéo giá sợi giảm theo, nhưng không vì thế mà lượng hàng của doanh nghiệp (DN) tiêu thụ tốt hơn. Thị trường này đến nay vẫn khá trầm lắng

Từ giữa năm 2010 đến giữa năm 2011 giá bông vải trên thế giới biến động bất thường. Bông nguyên liệu đang từ 1,9 USD/kg (vào tháng 6-2010) đã một mạch thẳng tiến tăng lên 5 USD/kg (tháng 2-2011), khiến các DN kéo sợi chới với. Theo giới kinh doanh mặt hàng này, giá bông tăng mạnh thời gian vừa qua là do nhiều nước trồng bông lớn trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi bị hạn hán làm mất mùa ở vụ bông năm 2009. Đến vụ bông năm 2010 năng suất cũng không cao, sản lượng cung cấp cho thị trường bị giảm. Đã vậy, cuối năm 2010, Ấn Độ lại tạm ngưng xuất khẩu bông để đảm bảo cho nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Một số vùng trồng bông của Trung Quốc người dân cũng như thương lái giữ bông lại để chờ giá cao khiến giá bông lên cơn “sốt”. Thế rồi từ tháng 4-2011, giá bông lại lao dốc vùn vụt, tới nay chỉ còn xấp xỉ 3,2 USD/kg.

Công nhân của Công ty An Phú Thịnh (huyện Trảng Bom) đang sản xuất sợi . Ảnh: K.G
Công nhân của Công ty An Phú Thịnh (huyện Trảng Bom) đang sản xuất sợi . Ảnh: K.G

Từ tháng 4 đến đầu tháng 7 năm nay, giá bông liên tiếp giảm, giá sợi cũng rớt theo. So với thời điểm đầu năm, hiện tại giá sợi đã giảm hơn 30%, chỉ còn trên dưới 80 ngàn đồng/kg. Mặc dù giá xuống khá nhiều như vậy nhưng thị trường sợi xem ra vẫn khá bình yên. Anh Võ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Thịnh, cho biết, trong quý 1  năm nay lượng sợi của công ty sản xuất không kịp để bán, lúc nào trong kho cũng ở tình trạng vét hàng mặc dù giá rất cao. Thế nhưng từ tháng 4 đến nay sợi lại tồn khá nhiều. “Không chỉ Công ty An Phú Thịnh mà các DN khác cũng còn nhiều hàng tồn, lượng hàng trong kho hiện tương đương từ 1 - 2 tháng sản xuất. Hiện nay, tôi phải điều chỉnh sản xuất giảm sản lượng xuống để tránh bị ùn hàng. Lượng sợi của An Phú Thịnh phần lớn được DN dùng sản xuất găng tay nên cũng giảm được một phần lỗ trong thời điểm này. Như tôi biết, một số DN ở các khu công nghiệp Biên Hòa và Nhơn Trạch nhập bông số lượng lớn giữa thời điểm giá cao, khi hàng về đến nơi giá sợi giảm mạnh đã bị lỗ khá nặng” - anh Tuấn nói. Trung bình mỗi tháng Công ty An Phú Thịnh sản xuất khoảng 100 tấn sợi, trong đó 60% lượng sợi được DN sử dụng vào sản xuất găng tay, số còn lại bán ra ngoài thị trường. Cũng theo anh Tuấn, giá bông và sợi như hiện nay là hợp lý và khó có thể tăng cao trở lại hoặc giảm xuống nữa.

Đánh giá của các chuyên gia ngành bông vải tại hội thảo “Biến động giá bông - thông tin và nhận định” do Hiệp hội bông sợi Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội bông Hoa Kỳ tổ chức vào giữa tháng sáu vừa qua cũng cho rằng, giá bông và sợi từ nay đến cuối năm sẽ ổn định hơn nhờ vào sản lượng bông thế giới tăng. Như vậy, việc chờ giá sợi có thể giảm nữa của nhiều DN dệt xem ra cũng không mấy khả quan.

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều