Do khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch nông sản còn lạc hậu mỗi năm nông dân trong tỉnh phải chịu thất thoát trên 500 tỷ đồng.
Do khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch nông sản còn lạc hậu mỗi năm nông dân trong tỉnh phải chịu thất thoát trên 500 tỷ đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), toàn tỉnh hiện có gần 346 ngàn hécta cây trồng lâu năm và hàng năm, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 1 triệu tấn nông sản. Thế nhưng, do khâu thu hoạch còn làm theo phương pháp thủ công hoặc dùng nhiều loại máy thô sơ nên thất thoát rất cao: từ 12% đến gần 19%.
* Tổn thất nặng nề
Trái cây là nông sản đang có tỷ lệ tổn thất cao nhất với gần 19% trong các khâu thu hoạch, vận chuyển và sơ chế. Tiếp đến là mặt hàng rau quả (từ 12-14%), lúa (trên 12%), cà phê (7%) và bắp (6%)...
Mấy năm gần đây, nông dân Đồng Nai từng bước đưa máy móc vào thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch trên một số loại nông sản, như: lúa, bắp, tiêu, cà phê... đã giảm bớt được thất thoát. Tuy nhiên, do nhiều loại máy móc đã lạc hậu nên tỷ lệ hao hụt nông sản vẫn khá cao. Ông Trần Viết Huy, Trưởng trạm khuyến nông huyện Vĩnh Cửu, cho biết: “Riêng khâu thu hoạch lúa ở huyện Vĩnh Cửu đa số được dùng máy cắt, phóng, song tỷ lệ hao hụt vẫn lên đến 6%. 2 năm nay, một số người dân trong huyện có vốn đã mạnh dạn mua máy gặt đập liên hợp về làm cho mình và làm thuê. Những diện tích nào thuê được máy gắt đập liên hợp, tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch chỉ còn trên 1%, tiết kiệm được 1,2-1,4 triệu đồng/hécta/vụ”.
Liên hiệp CLB Xuân Tiến xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) sử dụng máy gặt đập liên hợp giảm 5% tổn thất trong thu hoạch lúa. Ảnh: H.GIANG |
Ngoài khâu thu hoạch bị thất thoát thì quá trình vận chuyển, làm khô nông sản cũng bị tổn thất lớn do nhiều vườn, rẫy nằm ở vùng sâu, đường giao thông nhỏ hẹp. Hiện nay, lúa, bắp, tiêu, cà phê đa số được làm khô bằng cách phơi nắng trong sân hoặc tận dụng các khoảng đất trống lề đường trải bạt để phơi. Biện pháp này làm hao hụt lượng lớn nông sản và giảm chất lượng. Đặc biệt, vào mùa mưa, nông sản không phơi được bị hư hỏng với số lượng lớn. Ông Trần Văn Giỏi, ngụ tại xã Bảo Vinh (TX. Long Khánh), cho hay: “Vụ đông-xuân muộn và hè thu, lúa thu về thường gặp mưa không phơi được để vài ngày sợ hỏng, tôi đành chấp nhận bán lúa tươi với giá rẻ”.
Với bắp, cà phê, tiêu sau khi thu hoạch 3-4 ngày không có nắng nông dân cũng đành phải bán tươi với giá rẻ nhằm tránh hư hỏng. Trái cây, rau ăn lá, rau ăn quả là mặt hàng chủ yếu dùng tươi nên tổn thất trong thu hoạch, vận chuyển, bảo quản tương đối nhiều. Vì vậy, giá rau củ quả, trái cây người tiêu dùng mua đôi khi đắt gấp 1,5 - 4 lần so với giá nông dân bán ra. Đơn cử, nông dân trồng rau ăn lá chỉ bán tại ruộng được 3 ngàn đồng/kg, song người tiêu dùng phải mua tại chợ, siêu thị với giá 10-12 ngàn đồng/kg.
* Để giảm tổn thất
Hiện nay, Sở NN-PTNT đang thực hiện đề án giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Dự tính, trong 5 năm tới, ngành sẽ đầu tư trên 70 tỷ đồng xây dựng các mô hình mẫu tại các địa phương về bảo quản nông sản để người dân tham quan học hỏi và nhân rộng. Ông Đoàn Hải, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Tổn thất nông sản trong khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch ở Đồng Nai rất lớn. Do vậy, việc đưa máy nông nghiệp và các tiến bộ kỹ thuật vào thu hoạch là để giảm tỷ lệ hao hụt nông sản, giúp nông dân tăng được lợi nhuận trên cùng diện tích; đồng thời, chất lượng nông sản cũng được cải thiện sẽ dễ bán và giá bán cao hơn”.
Theo các kỹ sư nông nghiệp thì đối với trái cây, muốn giữ tươi lâu, ít bị hư phải sử dụng chất tạo màng và dùng kho lạnh bảo quản. Còn rau ăn lá, ăn quả, nên sản xuất theo quy trình GAP, tạo chuỗi tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian. Thu hoạch lúa hiện nay dùng máy cắt, phóng đã lạc hậu, nông dân nên chuyển qua sử dụng máy gặt đập liên hợp. Khâu làm khô nông sản cần chuyển qua sử dụng máy sấy để không lệ thuộc vào thời tiết và chất lượng nông sản cũng bảo đảm. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó phòng Kinh tế huyện Long Thành, nói: “Lao động làm nông nghiệp ngày càng thiếu, đưa máy móc vào thay sức người, giảm thất thoát trong thu hoạch, bảo quản nông sản rất cần thiết. Tuy nhiên, muốn cơ giới hóa khâu thu hoạch, nông dân phải có diện tích lớn và đường giao thông nông thôn phải được nâng cấp vận chuyển mới thuận lợi”.
Hàng năm, sản lượng lúa ở Đồng Nai đạt hơn 330 ngàn tấn, với hao hụt trong và sau thu hoạch trên 12% thì nông dân mất khoảng 39 ngàn tấn lúa/năm. Với giá lúa khoảng 6 ngàn đồng/kg, tổng số tiền thất thoát trên 230 tỷ đồng/năm. Sản lượng bắp đạt trên 326 ngàn tấn/năm, hao hụt hơn 6%, sẽ mất 18 ngàn tấn/năm, nếu tính giá 7 ngàn đồng/kg, nông dân thiệt gần 130 tỷ đồng/năm. |
Hương Giang