Báo Đồng Nai điện tử
En

Cam go giữ rừng!

09:07, 15/07/2011

Nếu dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được thực hiện trên vùng thượng lưu sông Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ mất hàng trăm hécta rừng. Trong khi đó, hàng ngày trên những cánh rừng ở Đồng Nai, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ phải khá cam go, vất vả mới giữ được rừng…

Nếu dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được thực hiện trên vùng thượng lưu sông Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ mất hàng trăm hécta rừng. Trong khi đó, hàng ngày trên những cánh rừng ở Đồng Nai, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ phải khá cam go, vất vả mới giữ được rừng…

Rừng ở Đồng Nai hiện có trên 193 ngàn hécta, tập trung ở Vườn quốc gia Cát Tiên (VQG), Khu Bảo tồn nhiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (KBT) và một số khu vực khác. Trong đó, rừng đặc dụng chiếm hơn 99 ngàn hécta; rừng phòng hộ trên 50 ngàn hécta và rừng sản xuất 43 ngàn hécta.

 * Rừng liên tục bị xâm hại

VQG hiện có hơn 70 ngàn hécta và KBT có 67 ngàn hécta, cả hai khu rừng đều có ranh giới giáp với các tỉnh Lâm Đồng hoặc Bình Phước, Bình Dương. Ngoài ra, các khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh cũng hiểm trở, gần với các trục giao thông, trong khi lực lượng bảo vệ mỏng nên việc giữ rừng càng trở nên khó khăn. Hàng ngày, đội ngũ kiểm lâm thường xuyên có mặt tại những địa điểm xung yếu nhằm kịp thời ngăn chặn lâm tặc vào phá rừng. Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức, nhưng những vụ hủy hoại rừng vẫn liên tục xảy ra.

Kiểm lâm khu bảo tồn tuần tra bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh Đồng Nai - Bình Phước. Ảnh: Đ.Dũng
Kiểm lâm khu bảo tồn tuần tra bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh Đồng Nai - Bình Phước. Ảnh: Đ.Dũng

 

 Trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 83 vụ với 122 đối tượng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, tại khu vực rừng Tân Phú xảy ra 13 vụ/24 đối tượng; Định Quán 20 vụ/34 đối tượng; Xuân Lộc 15 vụ/13 đối tượng; Vĩnh Cửu 7 vụ/7 đối tượng… Lực lượng chức năng đã tịch thu hàng trăm m3 gỗ các loại, trong đó có cả gỗ quý hiếm. Nổi cộm trong các vụ phá hoại rừng là nhóm 14 người do Đỗ Văn Thuận (sinh năm 1977, ngụ tại huyện Đạ Tẻ, Lâm Đồng) cầm đầu đã cưa hạ 2 cây gõ đỏ (15m3) tại khu vực Đạ Mi thuộc VQG Cát Tiên. Đến nay, Công an huyện Tân Phú đã bắt tạm giam 11 bị can trong vụ hủy hoại rừng này. Tương tự là nhóm 8 người do Phạm Khôi Nguyên (sinh năm 1975, ngụ xã Thanh Sơn, Định Quán) cầm đầu đã triệt hạ 11 cây gỗ tếch có khối lượng hơn 10m3 tại lâm trường 4 thuộc Công ty TNHH một thành viên La Ngà; vụ Nguyễn Tấn Minh (sinh năm 1968, ngụ xã Phú Ngọc, Định Quán) dẫn đầu nhóm 5 người đã vào phân trường 2 rừng phòng hộ Tân Phú cưa trộm 5 cây tếch.  hay như ông Trần Quang Hiếu nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trên diện tích 2,5 hécta đã  tự ý băm chặt vỏ 43 cây dầu để đổ chất hóa học làm cây rụng lá, chết từ từ…

 *  “Nóng” ở vùng giáp ranh!

 “Rừng đã và đang tiếp tục bị đe dọa xâm hại; chưa bao giờ rừng được yên ổn, mà ở đó vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó kiểm soát” - đó là khẳng định của đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó giám đốc Công an Đồng Nai, Trưởng ban chỉ đạo kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng ở Đồng Nai (gọi tắt là BCĐ). Nhưng “nóng” nhất vẫn là khu vực giáp ranh...

Điển hình là VQG Cát Tiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. Ngoài việc luôn phải đối phó với nạn phá rừng, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng còn phải ngăn chặn tình trạng đốt rừng làm rẫy do dân cư sinh sống tại khu vực giáp ranh thực hiện. Cụ thể, tại khu vực Bản Mán thuộc huyện Bù Đăng (Bình Phước), mới đây lực lượng kiểm lâm phải huy động hàng trăm công an, quân sự tỉnh bạn tiến hành cưỡng chế những người dân lấn chiếm 15,6 hécta đất rừng. Ở huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), cơ quan chuyên trách tốn khá nhiều công sức mới thu hồi trên 60 hécta diện tích đất rừng.

Cây gỗ ở KBT bị lâm tặc triệt hạ.
Cây gỗ ở KBT bị lâm tặc triệt hạ.

 

Giống như VQG Cát Tiên, KBT có 123km chiều dài giáp ranh với 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, trong khi hai địa phương này hầu như không còn rừng, nên áp lực lớn trong công tác bảo vệ, phát triển rừng ở Đồng Nai. Phần nhiều các tuyến đường giao thông trong KBT đều đi xuyên rừng, đã tạo điều kiện để đối tượng ngoài địa bàn dễ dàng vào rừng khai thác lâm sản hoặc săn bắt thú hoang dã. Để giữ từng m2 đất rừng, cây rừng, động vật rừng, lực lượng kiểm lâm KBT phải tổ chức bám rừng, quyết liệt truy quét các đối tượng vi phạm lâm luật ở những khu vực “nóng”, gần vùng giáp ranh. Tuy nhiên, do thiếu công cụ hỗ trợ  nên khi đối mặt những đối tượng phá rừng có vũ khí trong tay và rất hung hãn, những người thi hành công vụ đôi lúc cũng chùn chân. Đây chính là những tồn tại, làm hạn chế đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Theo nhận định của BCĐ, rừng liên tục bị xâm hại, một phần là lĩnh vực chế biến kinh doanh sản phẩm gỗ chưa được quản lý chặt chẽ; nhiều cơ sở chế biến, sản xuất các mặt hàng gia dụng từ gỗ đã “qua mặt” được cơ quan chức năng bằng các loại giấy tờ hợp thức hóa nguồn gỗ lậu. Ngoài ra, đặc sản từ động vật rừng có sức hấp dẫn và lợi nhuận cao; những tụ điểm bán thịt thú rừng vẫn tồn tại, nên các đối tượng không ngần ngại tổ chức những cuộc xuyên rừng để ra tay sát hại động vật hoang dã.

* Không chỉ có rừng bị tàn phá, mà nhiều loại động vật hoang dã cũng là đích ngắm của những tay thợ săn. Trong 6 tháng đầu năm 2011, đã có hàng trăm  động vật trong các khu rừng bị bẫy hoặc giết thịt; hàng chục ngàn bẫy thú các loại được cơ quan chức năng tháo gỡ. Trong đó có những loài quý hiếm như voọc là loài thú nguy cấp được ưu tiên bảo vệ…  

* Đáng kể là tình hình chống người thi hành công vụ trong rừng sâu thời gian gần đây không còn là cá biệt, hành vi của các đối tượng khá liều lĩnh. Cụ thể cách đây không lâu, tại khu vực C9 của VQG, khi lực lượng tuần tra phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ một người tên Long trong nhóm 20 người đang triệt hạ một cây gõ đỏ có khối lượng trên 6m3. Ngay lập tức Long chống trả và đồng bọn quay lại dùng dao, gậy tấn công kiểm lâm nhằm giải cứu Long. Vụ việc đến nay vẫn chưa được xử lý.

 

 

 

Đ.Dũng

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều