Trong những năm gần đây, để mở rộng về quy mô cũng như đảm bảo chất lượng thu phát sóng phục vụ khách hàng, các công ty viễn thông đã không ngừng lắp đặt các trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS). Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động là không ít trạm BTS này được lắp đặt và đưa vào hoạt động trong khi chưa được cấp giấy phép.
Trong những năm gần đây, để mở rộng về quy mô cũng như đảm bảo chất lượng thu phát sóng phục vụ khách hàng, các công ty viễn thông đã không ngừng lắp đặt các trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS). Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động là không ít trạm BTS này được lắp đặt và đưa vào hoạt động trong khi chưa được cấp giấy phép.
Tại TP.Biên Hòa hiện có trên 130 trạm BTS đang hoạt động, trong đó chỉ vỏn vẹn 10 trạm được cấp giấy phép xây dựng, 56 trạm được lắp đặt trước thời điểm 28-8-2008 (tức thời điểm có quyết định về cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm BTS ở các đô thị), còn lại trên 60 trạm được xây dựng và hoạt động không giấy phép.
* Xây không phép cho nhanh
Ông Trương Vĩnh Hiệp, Phó phòng quản lý đô thị TP. Biên Hòa, cho biết: Để quản lý các trạm BTS trên địa bàn, UBND TP. Biên Hòa đã thành lập tổ công tác đi kiểm tra việc xây dựng trạm BTS. Qua các đợt kiểm tra, đội thanh tra xây dựng kết hợp với các ban ngành, Sở Thông tin - truyền thông và Sở Xây dựng đã xử lý 58 trường hợp xây dựng trạm BTS không phép.
Một trạm BTS ở Biên Hòa. Ảnh: T. NGUYÊN |
Các trạm BTS xây dựng không giấy phép xảy ra ở TP.Biên Hòa do các công ty viễn thông thuê nguyên căn nhà sau đó tự lắp đặt trạm BTS trên sân thượng, hoặc giữa công ty viễn thông tự thỏa thuận với chủ nhà thuê mặt bằng sân thượng để lắp đặt trạm BTS. Giải thích vấn đề này, ông Trương Vĩnh Hiệp, Phó phòng quản lý đô thị TP.Biên Hòa, nói: "Khi người dân hoặc công ty viễn thông xin phép xây dựng trạm BTS thường gặp không ít khó khăn, nhất là vướng vào văn bản chấp thuận tọa độ của Cục tác chiến và để cục này chấp thuận bằng văn bản phải chờ đợi thời gian khá dài. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng các trạm BTS không giấy phép trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua với số lượng lớn"
* Nỗi lo của người dân
Theo thông tư liên tịch 12 của Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin - truyền thông, trước khi xây dựng trạm BTS phải khảo sát, kiểm tra bộ phận chịu lực của công trình để xác định vị trí lắp đặt cột ăng-ten và thiết bị phụ trợ. Việc thiết kế kết cấu và thi công cột ăng-ten phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của công trình, điều kiện tự nhiên, khí hậu của khu vực lắp đặt để đảm bảo khả năng chịu lực, an toàn và ổn định công trình và cột ăng-ten sau khi lắp đặt. Vì vậy nhiều người dân đang "chung sống" dưới những trạm BTS không giấy phép này thực sự lo lắng về độ an toàn.
Ông Nguyễn Đức Vượng, ngụ tại khu phố 6, phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa), sống nhiều năm dưới trạm BTS, tâm sự: "Gia đình tôi sống phía dưới trạm tiếp sóng điện thoại di động luôn cảm thấy lo lắng vì nó rất cao, nhìn thấy chênh vênh và cũng không biết độ an toàn như thế nào? Hầu hết người dân đều không muốn xây dựng các trạm BTS trong khu vực dân cư đông đúc. Anh Nguyễn Thanh Sơn ở khu phố 3, phường Tân Phong, cho rằng: "Cần phải có biện pháp mạnh tay từ phía cơ quan quản lý nhà nước để tránh các sự cố xấu có thể xảy ra, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho người dân sinh sống chung quanh các trạm BTS. Vì vậy, khi đặt trạm BTS cần chuyên dụng hơn, theo đúng quy hoạch và việc xây dựng phải có sự giám sát độ an toàn của cơ quan chức năng.
Trong khi độ an toàn của các trạm BTS không giấy phép này đang là một câu hỏi lớn chưa có lời giải, thì một câu hỏi khác được đặt ra là các cơ quan quản lý các trạm này đã có những giải pháp xử lý như thế nào đối với các trạm BTS không phép? Và, nếu có xảy ra sự cố gì thì ai là người chịu trách nhiệm?
Khắc Thiết