Mặc dù hiện không còn là vùng chuyên canh duy nhất nhưng măng cụt Lái Thiêu vẫn là một thương hiệu lớn nhờ mùi vị, chất lượng đặc trưng. Hiện toàn thị xã Thuận An có gần 1500 hécta cây ăn trái, trong đó măng cụt chiếm khoảng 70% diện tích, được trồng nhiều tại các xã ven sông Sài Gòn từ An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm.
Mặc dù hiện không còn là vùng chuyên canh duy nhất nhưng măng cụt Lái Thiêu vẫn là một thương hiệu lớn nhờ mùi vị, chất lượng đặc trưng. Hiện toàn thị xã Thuận An có gần 1500 hécta cây ăn trái, trong đó măng cụt chiếm khoảng 70% diện tích, được trồng nhiều tại các xã ven sông Sài Gòn từ An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm.
Hàng năm, măng cụt ra hoa vào dịp Tết, nhưng năm nay măng cụt Lái Thiêu ra hoa trễ gần một tháng so với mọi năm. Hiện nay, măng cụt mới thực sự vào mùa.
* Một năm được mùa
Năm nay, người trồng măng cụt Lái Thiêu vui hơn vì trúng mùa sau nhiều năm thất bát liên tục. Năng suất năm nay cao gấp 2, gấp 3 so với năm ngoái. Chị Nguyễn Thị Loan ở xã An Sơn, TX.Thuận An có 2800m2 măng cụt, chia sẻ: “So với mọi năm một nách lá thường chỉ trổ 1 trái, năm nay 100% cây trong vườn đều ra trái, nhiều nách lá trổ đến 3-4 trái”. Năm nay chị dự kiến thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Du lịch sinh thái vườn, một mô hình mà HTX nông nghiệp An Sơn hướng đến. |
Vụ mùa năm nay, giá cả cũng cao hơn. Năm ngoái, thời điểm này măng cụt chỉ còn khoảng dưới 10 ngàn đồng/kg thế nhưng hiện nay loại trái cây này có mức giá 18 - 20 ngàn đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Ngoãn, ở phường An Thạnh, TX.Thuận An, nói thêm: “Do năm nay mưa muộn hơn so với những năm trước nên măng ít có mủ hơn. Hy vọng từ giờ măng cụt giữ giá ổn định để người nông dân gỡ gạc lại qua 3 năm mất mùa liên tục”.
* Và những tín hiệu vui
Theo nhiều chuyên gia, những năm qua, năng suất măng cụt Lái Thiêu giảm do ô nhiễm nguồn nước và tình trạng ngập úng kéo dài. Ngành nông nghiệp Bình Dương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về cách trồng và chăm sóc hỗ trợ phân bón, khai thông kênh rạch... Hiện nay, theo Quyết định 106 của UBND tỉnh Bình Dương, những hộ dân có diện tích vườn trên 1 hécta trở lên sẽ được hỗ trợ 20% phân bón và thuốc trừ sâu để hồi phục vườn cây. Những hỗ trợ này có thể nói cũng đã phần nào giải quyết những khó khăn, giúp bà con vững tâm phát triển loại cây quý này.
Đặc biệt, vào tháng 4 vừa qua, HTX nông nghiệp An Sơn vừa được thành lập với 11 thành viên và 16 hécta vườn. Chức năng chủ yếu của HTX là mua bán trái cây, làm dịch vụ du lịch và phát triển nuôi cá kiểng. Trong đó, lấy thế mạnh nông nghiệp của An Sơn hiện nay có nhiều vườn cây ăn trái lâu năm để hướng đến phát triển du lịch sinh thái. HTX cũng phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ bà con nông dân về khoa học kỹ thuật phân bón, cách bảo quản măng cụt sau thu hoạch, phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ bà con xã viên vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, để nâng cao giá trị thương mại cho loại trái cây đặc sản này, năm ngoái, Sở Khoa học và công nghệ Bình Dương đã triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể măng cụt Lái Thiêu”. Đây là hoạt động nhằm bảo tồn giống trái cây ngon, đặc sản, truyền thống của tỉnh Bình Dương.
Bà con nông dân hiện nay ý thức rằng măng cụt Lái Thiêu không chỉ là nguồn sống chủ yếu của họ, mà còn là hồn quê, là nét văn hóa của vùng đất này.
Đan Châu