Báo Đồng Nai điện tử
En

Để cây điều phát triển bền vững hơn

11:06, 15/06/2011

Là quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, nhưng mấy năm gần đây diện tích cây điều ở Việt Nam bị giảm mạnh. Hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, nơi trồng điều lớn nhất nước đang phải đối mặt với tình trạng nông dân chặt bỏ điều để trồng cao su, cây ăn trái do hiệu quả kinh tế cây này chưa hấp dẫn.

Là quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, nhưng mấy năm gần đây diện tích cây điều ở Việt Nam bị giảm mạnh. Hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, nơi trồng điều lớn nhất nước đang phải đối mặt với tình trạng nông dân chặt bỏ điều để trồng cao su, cây ăn trái do hiệu quả kinh tế cây này chưa hấp dẫn.

Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), đến năm 2010 diện tích điều cả nước còn gần 400 ngàn hécta, giảm 33 ngàn hécta so với năm 2005. Sản lượng điều hàng năm đạt khoảng 300 ngàn tấn. Đáng lo ngại là năng suất cây điều còn rất thấp, bình quân chỉ đạt 0,86 tấn/hécta.

Phát triển dây chuyền chế biến hạt điều tự động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho ngành điều. Ảnh: V.NAM

Ông Phan Văn Đẩu, chuyên gia nghiên cứu về cây điều cho rằng, để cây điều phát triển ổn định thì năng suất phải nâng lên trên 2 tấn/hécta, khi đó hiệu quả kinh tế của cây điều mới cạnh tranh được với những cây trồng khác. Trên thực tế, đã có nhiều nhà vườn đạt năng suất trên 2 tấn/hécta. Như ở huyện Xuân Lộc đã có những vườn điều được chăm sóc tốt, năng suất lên đến trên 4 tấn/hécta.

Bên cạnh việc tăng năng suất điều thì ngành công nghiệp chế cũng cần khai thác hết những sản phẩm phụ, như: trái điều, bã vỏ hạt điều để nâng cao giá trị cây điều. Ông Đẩu còn cho biết thêm, tại một số huyện của Đồng Nai và Bình Phước, mô hình trồng ca cao xen trong vườn điều cũng khá thành công. Cây ca cao chịu được bóng mát nên năng suất vẫn đạt khá cao, còn cây điều nhờ hưởng "ké" phần chăm sóc của ca cao dẫn đến năng suất tăng lên rất nhiều. Như vậy, trên một đơn vị diện tích đất người nông dân có thu họach cả điều lẫn ca cao, nâng cao được hiệu quả kinh tế. Mô hình này cần nên nhân rộng.

Theo các chuyên gia, nếu không nâng cao được hiệu quả kinh tế cho người trồng điều thì diện tích điều trong tương lai sẽ còn giảm mạnh và rất có nguy cơ hạt điều thô nhập khẩu về chế biến ngày càng tăng do thiếu hạt điều trong nuớc. Khi ấy, các nhà máy chế biến của Việt Nam chỉ còn làm gia công sản phẩm. Hiện nay hạt điều thô nhập khẩu để chế biến hàng năm lên đến 250 ngàn tấn. Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas cũng cho rằng, trong thời gian tới ngành điều Việt Nam cần phải phát triển bền vững ở tất cả các khâu từ trồng, mua, chế biến đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó, sẽ chú trọng công nghệ chế biến để có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Theo dự kiến của Vinacas đến năm 2015, các nhà máy ở Việt Nam sẽ chế biến khoảng 190 ngàn tấn nhân điều, trong đó xuất khẩu 150 ngàn tấn nhân và 30 ngàn tấn sản phẩm, sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 10 ngàn tấn.

Ông Nguyễn Thái Học
Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas đã chia sẻ tại hội nghị khách hàng điều quốc tế lần thứ 4 tại TP.Hồ Chí Minh: "Biến đổi khí hậu toàn cầu trong 4 năm trở lại đây đã tác động trực tiếp đến năng suất và chất lượng điều, nó làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng điều thế giới trong đó có Việt Nam. Ví dụ Indonesia, một quốc gia đứng thứ 2 ở Đông Nam Á về sản lựơng điều. Hàng năm nước này thu hoạch khoảng 80 ngàn tấn hạt điều, nhưng vụ vừa qua họ chỉ thu được chưa đầy 40 ngàn tấn. Nhu cầu về hạt điều trên thế giới ngày càng tăng, thế nhưng người nông dân sản xuất ra hạt điều cũng như các doanh nghiệp chế biến trong nước phải bỏ ra lượng vốn rất lớn nhưng lợi nhuận được chia sẻ trong chuỗi giá trị của sản phẩm thì rất khiêm tốn".

Vân Nam

 

Tin xem nhiều