Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi thỏ chuồng kiểu mới

04:06, 25/06/2011

Mô hình nuôi thỏ bằng chuồng kiểu mới của gia đình ông Trần Văn Trân ở ấp Tân Hợp, xã Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) là một điển hình giúp nông dân vươn lên thoát nghèo.

Mô hình nuôi thỏ bằng chuồng kiểu mới của gia đình ông Trần Văn Trân ở ấp Tân Hợp, xã Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) là một điển hình giúp nông dân vươn lên thoát nghèo.

Ông Trân quê ở miền Tây về xã Xuân Thành lập nghiệp từ năm 2000. Không có đất sản xuất, vợ chồng ông phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Đến năm 2003, được sự giới thiệu của bạn bè, ông bắt đầu nuôi thỏ. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm trong khâu chăm sóc nên gia đình ông gặp thất bại trong đợt nuôi thỏ đầu tiên.

Không nản chí, ông đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật tiêm vaccine phòng tránh những những căn bệnh thông thường cho thỏ và quyết định đầu tư gầy dựng lại đàn. Nhờ kiên trì và chịu khó, dần dần ông đã gầy dựng lại đàn thỏ và hiện nay đã lên đến trên 500 con. Ông Trân cho biết, chu kỳ nuôi thỏ từ khi mới đẻ đến khi xuất chuồng khoảng 2 tháng rưỡi sẽ đạt trọng lượng 2 kg/con. Chi phí đầu tư chỉ khoảng 40.000 đồng/con, gồm một ít thực phẩm là cám viên, còn thức ăn được tận dụng từ các loại rau củ quả có sẵn ở nông thôn, như: lá chuối, rau lang, rau muống. Điều này rất phù hợp với các hộ nghèo.

Ông Trân bên chuồng nuôi thỏ.        Ảnh: L.TÙNG

Ông Trân bên chuồng nuôi thỏ.        Ảnh: L.TÙNG

Theo tính toán của ông Trân, mỗi năm gia đình ông xuất chuồng 4 lần với khoảng 2.000 con, thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư. Ngoài thu nhập từ sản phẩm thỏ thịt, gia đình ông Trân không phải tốn tiền mua giống, vì mỗi năm đàn thỏ mẹ cung cấp cho trại nuôi của ông trên 1.000 thỏ con.

Khác với nhiều người nuôi thỏ cho thức ăn lá cây vào trong chuồng, ông Trân đã nghiên cứu thiết kế chuồng nuôi thỏ hợp lý hơn. Chiều dài một chuồng khoảng 5m, rộng 2m làm bằng tre, nứa, xung quanh bọc lưới, được ngăn làm đôi theo chiều dài. Phía trên chuồng dọc theo vách ngăn, ông thiết kế một khe rộng 20cm là nơi để lá cây cho thỏ tự kéo xuống ăn. Dưới chuồng ông căng một tấm bạt ny-lông hơi mỏng để hứng phân và nước tiểu thì cho chảy vào một thùng sô , không để rơi vãi xuống đất gây mất vệ sinh. Với mô hình chuồng nuôi này đã giữ cho chuồng thỏ luôn khô sạch và tránh được một số bệnh ngoài da cho thỏ. Ông Trân cho biết: “Mô hình chuồng này giảm nhiều công chăm sóc và không lãng phí thức ăn nên rất ít tốn chi phí đầu tư”.

Từ một nông dân nghèo khó, sau nhiều năm nuôi thỏ, đến nay gia đình ông Trần Văn Trân đã có của ăn của để.

Lê Tùng

 

Tin xem nhiều