Báo Đồng Nai điện tử
En

Biên Hòa “tái phát” điểm bán gia cầm sống

04:06, 25/06/2011

Từ năm 2007, TP. Biên Hòa đã có lệnh cấm nuôi, buôn bán gia cầm sống. Tuy các phường, xã đã mở nhiều đợt “truy quét”, nhưng vẫn “tái phát” các điểm bán gia cầm sống.

Từ năm 2007, TP. Biên Hòa đã có lệnh cấm nuôi, buôn bán gia cầm sống. Tuy các phường, xã đã mở nhiều đợt “truy quét”, nhưng vẫn “tái phát” các điểm bán gia cầm sống.

 Để thực hiện nghiêm việc cấm nuôi, buôn bán gia cầm sống, TP.Biên Hòa đã giao trực tiếp trách nhiệm kiểm tra cho các phường, xã. Một số phường trong nội ô thành phố thực hiện khá tốt, không để xuất hiện hộ nuôi hoặc bán gia cầm sống. Song cũng còn nhiều phường, xã hiện tràn lan các điểm bán gia cầm sống, như: Tân Phong, Trảng Dài, Long Bình Tân, Thống Nhất, Hóa An... Đáng lo ngại là đang có chủng virus cúm mới trên đàn gia cầm, do đó việc mua bán lén lút gia cầm không được kiểm dịch sẽ rất nguy hiểm.

 * Cấm vẫn bán

Tuy đã có lệnh cấm buôn bán gia cầm sống trong toàn thành phố, nhưng dạo quanh một số trục đường chính, chợ tạm ở nhiều phường, xã chúng tôi vẫn đếm được trên 30 điểm bán gia cầm sống với số lượng lên đến hàng ngàn con. Bà Thu, chủ điểm buôn bán gia cầm sống tại chợ tạm thuộc khu phố 2, phường Trảng Dài, cho biết: “Tôi bán gà, vịt sống ở đây được hơn 2 năm. Thi thoảng cũng có đội kiểm tra của phường đi tịch thu gà, vịt sống đem đi tiêu hủy. Do vậy, khi thấy bóng dáng của đoàn kiểm tra là tôi mang gia cầm đi giấu ngay”.

Gà, vịt sống bán khá nhiều ở gần chợ Hóa An (TP. Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG

Ngay trên đường Võ Thị Sáu, đoạn qua KP2, phường Thống Nhất cũng có một điểm bán gà, vịt sống khá lớn, có trưng biển quảng cáo hẳn hoi và người ra vào mua bán khá nhộn nhịp. Giáp chợ xã Hóa An (TP. Biên Hòa) có 6 - 7 điểm bán gà, vịt sống với số lượng tương đối lớn nhưng hiếm khi thấy xã tổ chức đội kiểm tra đi dẹp. Bà Bảy, chủ điểm bán gia cầm sống ở gần chợ Hóa An, cho hay: “Mỗi ngày tôi bán được 20-30 con gà ta và vịt, vào ngày lễ người mua đông có khi bán được 50-70 con. Tuy biết thành phố đã cấm bán gia cầm sống, nhưng thấy người mua đông và lời nhiều nên tôi cứ liều bán!”.

* Nguy cơ phát sinh dỊch bệnh

Các điểm bán gia cầm sống nêu trên là tự phát, không được kiểm dịch và rất mất vệ sinh. Có mặt ở nhiều điểm bán gà, vịt sống, chúng tôi nhận thấy dụng cụ giết mổ của người bán chỉ là một bếp than, một xoong nước đun sôi để nhúng gà, vịt và một chén đựng huyết… Tất cả đều cáu bẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều người mua vẫn vô tư chấp nhận tình trạng mất vệ sinh này mà không một chút áy náy, do vậy người bán cũng chẳng cần quan tâm làm sạch các dụng cụ giết mổ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình trạng buôn bán gia cầm sống tràn lan ở TP. Biên Hòa, ông Trần Văn Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết: “Virus H5N1 trên gà đã chuyển sang chủng mới, loại vaccine tiêm phòng hiện nay không còn hiệu quả. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tạm thời đình chỉ việc bắt buộc tiêm phòng vaccine cúm gia cầm cho gà, để đợi vaccine mới phù hợp. Do đó, thời điểm này các tỉnh, thành cần phải chú ý chăn nuôi gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học để phòng dịch. Việc buôn bán gia cầm sống tràn lan, không kiểm dịch ở TP.Biên Hòa ngoài gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn là mối đe dọa lớn về chủng virus mới có thể bùng phát lây lan sang người”.

Hiện nay, thời tiết trong tỉnh đang vào tháng cao điểm của mùa mưa, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để một số bệnh trên đàn gia cầm bùng phát, đặc biệt là cúm gia cầm. Với tình trạng mua, bán gia cầm sống ở nhiều phường, xã của TP. Biên Hòa sẽ khiến dịch dễ bùng phát và có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Mới đây, UBND TP. Biên Hòa đã có văn bản chỉ đạo các phường xã, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm sẽ tịch thu gia súc, gia cầm đem đi tiêu hủy. Thế nhưng, công tác kiểm tra, xử lý chưa thường xuyên, liên tục và triệt để nên tình trạng mua, bán gia cầm sống vẫn phát sinh tràn lan. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng “nói không” với những sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch và không đảm bảo vệ sinh cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều