Sau 15 năm triển khai từ thí điểm đến đại trà, tỷ lệ phân loại rác tại nguồn (PLRTN) tại Đồng Nai vẫn thấp. Đây vừa là quy định của pháp luật, vừa là giải pháp để giảm rác thải, tăng nguyên liệu cho ngành tái chế nhưng chưa nhận được sự quan tâm cao của người dân.
Phân loại rác tại Ngày hội Đồng Nai xanh năm 2023 tại H.Long Thành. Ảnh: H.Lộc |
Tới đây, tỉnh sẽ áp dụng quy định không PLRTN sẽ bị phạt tiền hoặc từ chối tiếp nhận rác thải.
* Rác thải phân loại được 21%
Năm 2009, tỉnh bắt đầu thí điểm thực hiện PLRTN trên địa bàn 4 phường ở TP.Biên Hòa. Chương trình dần được mở rộng thêm nhiều phường, xã tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Năm 2016, trên cơ sở đánh giá kết quả, tồn tại cần khắc phục, UBND tỉnh phê duyệt đề án tổng thể Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh.
Theo Sở TN-MT, toàn tỉnh phát sinh hơn 2,1 ngàn tấn rác sinh hoạt/ngày. Trong đó, từ các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân khoảng 1,9 ngàn tấn; còn lại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. |
Đã có nhiều hạ tầng kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị được các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư; nhiều hộ gia đình được cấp thùng rác, túi ny-lông để PLRTN. Thế nhưng, kết quả đánh giá cuối năm 2019 cho thấy, hoạt động PLRTN vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, công tác triển khai thực hiện chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân chưa thực sự tốt; phương tiện phục vụ phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa đảm bảo theo quy định. Quan trọng hơn chưa có doanh nghiệp nào có phương án tổ chức thu gom chất thải sau phân loại bài bản để tạo niềm tin cho người dân tiếp tục thực hiện.
Trước thực trạng này, năm 2020 Ban TVTU ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện PLRTN và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sau phân loại. Ngay sau đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch, các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện chỉ thị trên trên phạm vi toàn tỉnh.
Để chương trình đạt kết quả như mong muốn, tỉnh và các địa phương đã trích kinh phí, vận động đầu tư hàng ngàn thùng rác đặt tại các điểm công cộng, khu dân cư. Đầu tư hơn 1,5 ngàn cống bi bằng bê tông đặt tại vùng sản xuất nông nghiệp để thu gom chất thải nguy hại. 2 quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai và Đầu tư phát triển Đồng Nai dành vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp môi trường vay để nâng cấp phương tiện, đổi mới công nghệ. Thống kê đến hết năm 2022, cả tỉnh có 43% hộ dân thực hiện và tỷ lệ rác được phân loại tại nguồn là 21%.
Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT chỉ ra, PLRTN vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là địa phương chưa quan tâm đầu tư trạm trung chuyển, điểm tập kết đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và môi trường. Hoạt động truyền thông về môi trường, đặc biệt là hướng dẫn PLRTN triệt để, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định nhiều nơi làm chưa tốt. Các chủ thể, đặc biệt cộng tác viên thu gom chậm đổi mới phương tiện vận chuyển.
* Sớm ban hành đề án quản lý chất thải
Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Đồng Nai. Đề án này đặt ra mục tiêu từng bước xử lý những bất cập trong công tác quản lý, có lộ trình tăng dần giá dịch vụ nhằm giảm chi ngân sách đồng thời tạo điều kiện tái đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt trạm trung chuyển, xe chở rác và chuyển sang công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng.
Dự thảo đề án Quản lý rác thải tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025 triển khai PLRTN đến 100% hộ gia đình; 80% tổ chức, cá nhân thu gom và 100% đơn vị vận chuyển đồng bộ phương tiện phù hợp với PLRTN; 100% trạm trung chuyển rác được cải tạo, đầu tư mới. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, vừa qua Ban TVTU đã có ý kiến về đề án này. UBND tỉnh sẽ sớm hoàn thiện dự thảo, ban hành thực hiện. Mục tiêu sau cùng là quản lý tốt rác thải sinh hoạt; thu gom triệt để, phân loại để giảm tối đa rác thải cần phải xử lý và tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng. Để làm được điều này cần sự quyết tâm, vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng cao của người dân.
Về giải pháp, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện PLRTN, bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định. Địa phương bố trí kinh phí đầu tư các điểm tập kết, trạm trung chuyển phù hợp nhu cầu của người dân và thuận tiện xe lấy rác. Các chủ đầu tư khu xử lý chất thải phải chuyển đổi sang công nghệ đốt rác, đơn vị dịch vụ chuẩn hóa các phương tiện thu gom, vận chuyển rác sau phân loại.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, rác thải từ hộ gia đình, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải được quản lý chặt chẽ, thu gom và xử lý triệt để tránh ảnh hưởng môi trường. Các địa phương phải đề ra lộ trình, thực hiện và chịu trách nhiệm về hạ tầng điểm tiếp rác, trạm trung chuyển; tỷ lệ rác thu gom, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện PLRTN. Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt là đề án quan trọng, UBND tỉnh sớm ban hành, thực hiện. Tới đây tỉnh sẽ không cho chôn lấp rác mà tái chế và tái sử dụng, còn lại đốt thu hồi năng lượng. Muốn vậy chính quyền, cấp ủy, ban ngành, người dân, doanh nghiệp phải đồng lòng; đảm bảo nơi chứa rác, xe chở rác, công nghệ đúng chuẩn; xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm môi trường.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin