Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ

Văn Gia
12:25, 08/08/2023

Đối với nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Đồng Nai thì việc đầu tư, nâng cấp công nghệ, máy móc rất khó khăn. Thời gian qua, nhờ các chương trình hỗ trợ từ kinh phí nhà nước, ngày càng có nhiều đơn vị được thụ hưởng, qua đó góp phần có thêm động lực, nguồn lực phát triển.

Sản xuất tại Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành), đơn vị thụ hưởng khá nhiều chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp từ trung ương, địa phương

Không chỉ hỗ trợ về máy móc, thông qua các khảo sát, tập huấn, DN, cơ sở công nghiệp cũng được tiếp cận kinh nghiệm sản xuất hiện đại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường.

* Nâng tầm nhờ được đầu tư công nghệ

Thành lập từ năm 2010, Công ty TNHH MTV Liên Khanh (TP.Long Khánh) là DN chuyên sản xuất chế biến phôi gỗ từ cây lâu năm như cây cao su, điều, tràm… Đến nay, công ty đã phát triển và duy trì sản xuất có quy mô khá lớn và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với 40% lao động là người dân tộc Chơro.

Theo ông Nguyễn Công Thụy, Giám đốc công ty thì tâm niệm của ông khi mở xưởng sản xuất ở quê hương chính là việc tạo việc làm cho người lao động bởi cuộc sống người dân rất khó khăn. Có được những thành quả, bên cạnh sự nỗ lực của DN thì cũng có sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước. Năm 2020, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã hỗ trợ DN xây dựng đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến gỗ. Trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ là 450 triệu đồng. Tuy mức hỗ trợ không lớn nhưng là sự động viên, khuyến khích từ nguồn vốn nhà nước để DN có động lực tiếp tục phát triển.

Hiện nay, Đồng Nai xây dựng được mạng lưới 65 cộng tác viên khuyến công trên địa bàn tỉnh. Đây là đội ngũ quan trọng góp phần đưa các chính sách hỗ trợ khuyến công của Nhà nước đến với các cơ sở công nghiệp nông thôn ở mỗi xã, phường.

Tương tự, tại Cơ sở chế biến khô gà Toàn Dương (H.Thống Nhất), từ năm 2018, bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại để sản xuất với số lượng lớn theo quy trình chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo toàn dinh dưỡng. Nhờ đó, sản phẩm của cơ sở giảm được chi phí và nâng cao lợi nhuận, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân xung quanh.

Theo bà Bùi Thị Thùy Dương, chủ cơ sở thì may mắn là năm 2021, bà được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ để nâng cấp công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Nếu không có được sự hỗ trợ từ khuyến công, cơ sở dù có muốn đổi mới máy móc, thiết bị thì cũng chỉ đầu tư chắp vá do nguồn lực tài chính hạn hẹp. Cũng nhờ tham gia chương trình khuyến công, cơ sở được tư vấn, hướng dẫn để thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết, đảm bảo cho cơ sở hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.

* Đẩy mạnh chương trình hỗ trợ

Trên cả nước, chương trình khuyến công hàng năm với nguồn ngân sách hỗ trợ bình quân hơn 200 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí trung ương và địa phương). Nguồn vốn này đã động viên và huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động.

Tại Đồng Nai, hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng công nghệ trung bình, thậm chí dưới mức trung bình nên sản phẩm tạo ra chưa có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Trong khi đó, nguồn lực để đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường ngày một khó khăn. Nhằm giúp các DN, cơ sở nâng cao năng lực sản xuất, hoạt động khuyến công Đồng Nai thời gian qua tập trung hỗ trợ các cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra giá trị cao hơn cho nông sản địa phương.

Số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn đảm bảo điều kiện được hỗ trợ bình quân 6-7 cơ sở/năm. Năm 2022, một số DN nhỏ và vừa như Công ty TNHH Tam Hiệp Thành (H.Vĩnh Cửu), Công ty TNHH Anh Nghĩa ANCL và Công ty TNHH Thực  phẩm Coco Việt Nam (H.Trảng Bom), Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành) cũng đã nhận được các chương trình hỗ trợ riêng cho từng DN.

Năm 2023, trong Kế hoạch khuyến công của Đồng Nai, tỉnh sẽ chi 12,5 tỷ đồng cho công tác khuyến công. Trong đó có việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 9 cơ sở công nghiệp nông thôn nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Theo ông Lâm Quang Liêm, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai, việc dành nguồn kinh phí dù hạn hẹp để hỗ trợ các cơ sở, DN có tác động lớn, là vốn mồi, tạo hiệu ứng kích thích sự đầu tư của DN. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đề án khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến thì cũng cần có thêm những giải pháp phù hợp, đồng bộ trong triển khai thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.

   Văn Gia

Tin xem nhiều