Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuyên truyền về TP.HCM giữ vai trò hạt nhân trong phát triển vùng Đông Nam bộ

Báo Sài Gòn Giải Phóng
10:20, 07/09/2023
 

Là một đô thị đặc biệt có dân số đông nhất nước, có vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và là hạt nhân của vùng Đông Nam bộ nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, tuyên truyền về phát triển vùng đã là một vấn đề luôn được Báo Sài Gòn Giải Phóng quan tâm, nhất là trong những năm gần đây, khi vai trò hạt nhân của TP.HCM trong liên kết vùng Đông Nam bộ càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt, với Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về Phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 càng cho thấy công tác tuyên truyền để phát huy lợi thế, vai trò của TP.HCM trong bức tranh tổng thể liên kết vùng càng trở thành một nhiệm vụ thường xuyên.

Lãnh đạo Thành ủy - UBND TP.HCM đã xác định: Mọi sự phát triển của TP.HCM không thể tách rời sự đóng góp của các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các tỉnh Đông Nam bộ. Do đó, rất nhiều lĩnh vực trong chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh của vùng Đông Nam bộ đã được Báo tập trung tuyên truyền. Có thể kể ra như chương trình hợp tác kinh tế - xã hội toàn diện giữa TP.HCM với 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước; chương trình phối hợp trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp giữa TP.HCM với Đồng Nai; thỏa thuận liên kết - phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh trong khu vực và bước đầu đã hình thành các tour tuyến liên kết giữa các đơn vị lữ hành du lịch của TP.HCM với Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước để hỗ trợ các địa phương giới thiệu, khai thác tiềm năng du lịch và cũng là nhằm phong phú thêm sản phẩm du lịch, điểm đến cho du khách khi đến với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ

Trong phát triển kinh tế, Báo đã dành nhiều tin, bài để tuyên truyền về phát triển hệ thống thương mại qua hệ thống của HTX Thương mại Saigon Co.op tại các tỉnh trong khu vực, nhất là ở Tây Ninh, Bình Phước để người dân được thừa hưởng các tiện ích mua sắm hiện đại, văn minh; đồng thời giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Hay chương trình Người Việt dùng hàng Việt, Hàng Việt Nam chất lượng cao, Báo cũng dành thời lượng nhất định để đưa hàng Việt do các doanh nghiệp tại TP.HCM sản xuất về với các vùng nông thôn thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước. Và không thể không kể đến việc tuyên truyền chương trình chuyển giao các tiến bộ y khoa của các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM cho bệnh viện các tỉnh trong khu vực nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và giảm chi phí - thời gian đi lại cho người bệnh tại các tỉnh trong khu vực.

Trong vài năm gần đây, khi vấn đề liên kết vùng - làm thế nào để phát huy vai trò hạt nhân của TP.HCM đối với phát triển KT-XH của vùng Đông Nam bộ, tháo gỡ các điểm nghẽn về vốn, cơ chế trong phát triển giao thông kết nối, phát triển hạ tầng du lịch - dịch vụ trở nên cấp bách thì Báo đã tuyên truyền với tần suất dày hơn các vấn đề mà thực tiễn hợp tác phát triển KT-XH của vùng đặt ra. Đó là quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy các dự án giao thông kết nối quan trọng như: cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 - TP.HCM và nhất là dự án trọng điểm quốc gia cảng hàng không quốc tế Long Thành để qua đó nêu lên các vấn đề mà các tỉnh, thành trong khu vực cùng nhau giải quyết, qua đó phát huy được vai trò hạt nhân của TP.HCM trong bức tranh chung của cả vùng Đông Nam bộ.

Bên cạnh KT-XH, thì lĩnh vực quốc phòng - an ninh gắn với địa bàn phòng thủ cũng được Báo quan tâm như các chương trình phối hợp truy quét tội phạm ở vùng giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; chương trình về nguồn do Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức tại Chiến khu Đ nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022).  

Cùng với việc đưa tin thời sự trên báo giấy, báo điện tử thì Báo Sài Gòn Giải Phóng thường dành thời lượng nhất định bằng các bài dài kỳ trên các trang Thời sự, Chính trị, Kinh tế đời sống, Văn hóa giải trí… để tuyên truyền về các lĩnh vực KT-XH, quốc phòng - an ninh của vùng Đông Nam bộ. Đó là các bài viết về phát triển giao thông kết nối, gỡ khó cho TP.HCM và cũng là gỡ khó cho các tỉnh trong vùng trên trang Kinh tế; phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.HCM và các tỉnh trong vùng để đáp ứng yêu cầu hội nhập - thu hút đầu tư trên trang Thời sự; đầu tư phát triển KT-XH, công tác dân vận ở vùng biên giới các tỉnh Đông Nam bộ nhằm góp phần bảo vệ biên giới, bảo vệ an ninh quốc phòng cho cả vùng Đông Nam bộ và quốc gia (loạt bài Bình yên vùng biên Đông Nam bộ)… Hình thức thể hiện khá đa dạng từ đưa tin, bài phản ánh đến phỏng vấn, ghi chép - phóng sự.

Từ năm 2018, Ban Biên tập Báo đã quyết định xuất bản trang chuyên đề Nhịp sống Đông Nam bộ từ nguồn kinh phí xã hội hóa trên báo in ra thứ năm hàng tuần và từ cuối năm 2022 ra thêm trang Nhịp sống Đông Nam bộ trên báo điện tử để tuyên truyền đậm nét về các chương trình hợp tác phát triển KT-XH, du lịch với các tỉnh Đông Nam bộ mà TP.HCM là hạt nhân.

Theo đó, mỗi khi có sự kiện được tổ chức, ngoài đưa tin thời sự thì báo còn dành thời lượng tuyên truyền chuyên sâu trên các trang chuyên đề về các vấn đề trong liên kết vùng, hợp tác cùng phát triển giữa TP.HCM với các tỉnh tiếp tục được tuyên truyền đậm nét trên trang Nhịp sống Đông Nam bộ. Nhờ đó, bên cạnh vai trò hạt nhân của TP.HCM, Báo còn chuyển tải được thêm nhiều thông tin cho các địa phương của vùng với các ý kiến của lãnh đạo địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để góp phần có tiếng nói chung cho cả vùng. Điển hình là việc tuyên truyền cho hội nghị Tổng kết chương trình Hợp tác phát triển KT-XH giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ được tổ chức ở TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước mới đây, Báo đã tuyên truyền đậm nét, tập trung vào các vấn đề có tính chất chung của cả vùng như quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch KT-XH; phát triển giao thông; hạ tầng dịch vụ; hợp tác phát triển y tế, giáo dục, để phát huy lợi thế của TP.HCM và cả vùng; xây dựng cơ chế điều phối hợp tác vùng do TP.HCM làm Trưởng vùng và các cơ chế đột phá như: lập Quỹ Phát triển giao thông vùng, tổ chức thực hiện để phát triển vùng Đông Nam bộ theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị.

Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong phát biểu tại tọa đàm Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023/QH15

Cũng sau hội nghị này, trên trang Nhịp sống Đông Nam bộ của Báo sau đó đã có bài phản ánh đậm nét những nỗ lực của các doanh nghiệp đầu mối phân phối hàng hóa ở TPHCM như Saigon Co.op trong việc xây dựng hệ thống thương mại tại các tỉnh Đông Nam bộ, trong đó phấn đấu đến năm 2025 đạt doanh thu 5 ngàn tỷ đồng với 180 điểm bán hàng, siêu thị tại các tỉnh, thành trong khu vực để giúp các tỉnh Đông Nam bộ có điều kiện tiêu thụ hàng hóa, xuất siêu trên hệ thống của Saigon Co.op. Đồng thời, các bài viết sau đó cũng phản ánh mong muốn của các doanh nghiệp, HTX là muốn được các doanh nghiệp phân phối lớn của TP.HCM như Saigon Co.op, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Satra tạo điều kiện để hàng hóa được phân phối nhiều hơn đến khách hàng TP.HCM như là một thị trường có sức mua lớn nhất nước…    

Đặc biệt, trong năm 2023, khi có chương trình nghị sự của Thành ủy - HĐND - UBND - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM thì Báo cũng thường xuyên lấy ý kiến của lãnh đạo các tỉnh trong vùng về việc ban hành Nghị quyết mới. Và lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND - Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương đã đóng góp các ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, góp phần đưa đến sự ra đời của Nghị quyết 98/2023/QH15 để qua đó phát huy được vai trò hạt nhân của TP.HCM trong tương quan phát triển chung của cả vùng Đông Nam bộ. Như ý kiến của ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Việc triển khai cơ chế đặc thù tại TP.HCM sẽ tạo điều kiện để thành phố hỗ trợ các địa phương trong vùng đầu tư hoàn thiện hạ tầng hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước. Do đó, tôi tán thành với cơ chế đặc thù của TP.HCM, đặc biệt quy định chính sách HĐND TP.HCM quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa thành phố và địa phương khác, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Theo đó, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn TPHCM, hỗ trợ các địa phương khác trong nước, hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong các trường hợp cần thiết. Đây là một chính sách quan trọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn của các dự án giao thông có tính chất liên kết trong vùng”.

Ngày 31-8-2023, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức Tọa đàm “Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023/QH15” như một hình thức hoạt động vừa sau mặt báo, vừa trên mặt báo, góp phần tuyên truyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 98 đã đề ra.

Phát biểu tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ tổ chức ngày 18-7-2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ, trong quá trình phát triển, TP.HCM luôn nhận thức rất rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và có trách nhiệm trong công tác liên kết vùng. Do đó, trong năm 2023, TP.HCM đã tổ chức 5 hội nghị hợp tác giữa TP.HCM với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đồng chí khẳng định: “TP.HCM nhất quán quan điểm mở rộng liên kết vùng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, mở rộng không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thể hiện vai trò, trách nhiệm “vì cả nước, cùng cả nước” của một trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục - đào tạo, y tế của vùng và cả nước”  

 
Tin xem nhiều