Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh tuyên truyền về du lịch vùng Đông Nam bộ trên báo Đảng

TS Nguyễn Thị Nguyệt
09:41, 07/09/2023
 

1. Giới thiệu tài nguyên du lịch Đông Nam bộ

Đông Nam bộ thuộc Nam bộ Việt Nam gồm các tỉnh, thành: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Đây là vùng phát triển kinh tế năng động, có vị trí chiến lược với TP.HCM là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị ở phía Nam. Đông Nam bộ có tiềm năng phát triển kinh tế công nghiệp, luôn dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, khai thác du lịch cũng là một trong những chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong vùng.

Du lịch Đông Nam bộ nằm trong 7 vùng du lịch Việt Nam1, có nhiều tiềm năng về tự nhiên, nhân văn có thể khai thác phát triển du lịch; là nơi hội tụ nhiều tài nguyên du lịch đa dạng với lợi thế rừng, núi, biển, sông, hồ; hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề, văn hóa phi vật thể… Bên cạnh đó, Đông Nam bộ còn có các cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông khá hoàn chỉnh và hiện đại (sân bay, bến cảng, đường bộ, đường cao tốc, đường xe lửa, cáp treo, du thuyền…) phục vụ du lịch nên khá thuận lợi.

Khu du lịch Sơn Tiên (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Nguyễn Duy Thể
Khu du lịch Sơn Tiên (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Nguyễn Duy Thể

2. Các loại hình du lịch ở Đông Nam bộ

Những điều kiện tự nhiên và xã hội tạo cơ sở hạ tầng để Đông Nam bộ phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, ẩm thực, du lịch MICE2 thời gian qua. Theo đó, các địa phương đã và đang xúc tiến, đẩy mạnh hoạt động du lịch ở Đông Nam bộ theo những tuyến sau:

2.1. Du lịch theo địa hình biển, đảo, sông, hồ…

Đông Nam bộ có đường bờ biển dài 350km, nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Vũng Tàu, Long Hải, Côn Đảo... thu hút nhiều du khách đi biển trong và ngoài nước đến đây. Địa điểm Côn Đảo độc đáo tiêu biểu là nơi bảo tồn hệ thống di tích lịch sử nhà tù từ thời Pháp, vừa là nơi du lịch tâm linh với tín ngưỡng thờ cá Ông, lễ hội bà Phi Yến, nữ liệt sĩ Võ Thị Sáu… Nhìn chung, Bà Rịa - Vũng Tàu với thế mạnh du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tại Côn Đảo, Vũng Tàu, Long Hải, Hồ Tràm, Suối nước nóng Bình Châu (Xuyên Mộc)… khá nổi tiếng trong cả nước.

Những con sông tiêu biểu như sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ, sông Sài Gòn có thể khai thác du lịch trên sông, các hệ thống thác và liên kết các cù lao giữa Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM hình thành tuyến du lịch trên sông được các địa phương khai thác những năm qua (TP.HCM triển khai “Saigon waterbus” khá hiệu quả). Nhiều dòng thác đẹp như: thác Đứng, thác Dakmok, thác Voi, thác Mơ, thác Giang Điền, thác Mai, thác Sông Ray (Xuân Sơn, thác Hòa Bình), thác Mây… đẹp hùng vĩ và hoang sơ luôn thu hút nhiều khách du lịch đến khám quan và check-in.

Hệ thống hồ với nhiều hồ lớn nhỏ vừa khai thác thủy điện, vừa cung cấp nước sinh hoạt cho toàn khu vực. Tiêu biểu nhất là hồ Dầu Tiếng nằm trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á với diện tích đến 27 ngàn ha nằm dưới chân núi Bà Đen tạo cảnh quan sơn thủy rất đẹp ở vùng Đông Nam bộ. Kế đến là hồ Trị An (Đồng Nai) chứa nước xây dựng đập thủy điện, hiện nay đang khai thác hoạt động du lịch trải nghiệm với hệ thống đảo trong hồ (đảo Ó, đảo Đồng Trường, đảo Cao Minh). Hồ thác Mơ (Bình Phước) cũng từ công trình thủy điện thác Mơ; hồ Bình An (Bình Dương)… khá thơ mộng.

2.2. Du lịch sinh thái gắn với núi, rừng

Ngoài biển đảo, sông hồ, Đông Nam bộ còn nổi tiếng có những ngọn núi tiêu biểu như: núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Chứa Chan (Đồng Nai), núi Bà Rá (Bình Phước); núi Thị Vải, núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu)… với các loại hình du lịch khám phá, thể thao kết hợp hành hương tâm linh với các di sản văn hóa ở những nơi này.

Hệ sinh thái rừng nguyên sinh và tái sinh gắn liền với vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn với nhiều hệ động thực vật đặc hữu như: Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận; hệ thống Vườn quốc gia Cát Tiên, Chiến khu Đ (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM), Phước An - Nhơn Trạch (Đồng Nai)…

Du lịch sinh thái còn được bổ sung với hệ thống nhà vườn với các vườn trồng cây ăn trái như: chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, mít, bưởi ở Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Long Thành, Long Khánh, Xuân Lộc (Đồng Nai); cù lao Rùa, cù lao Thạnh Hội, Lái Thiêu, Thuận An (Bình Dương)…

Bình minh trên đỉnh núi Bà Đen (Tân Châu - Tây Ninh)
Bình minh trên đỉnh núi Bà Đen (Tân Châu - Tây Ninh)

2.3. Du lịch cộng đồng, văn hóa tâm linh với di sản văn hóa

Tính đến nay, Đông Nam bộ có lịch sử hình thành tròn 325 năm, với thành phần dân cư gồm nhiều tộc người như: Việt, Chơrơ, Mạ, S’tiêng, M’nông, Hoa, Chăm, Khmer, Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái… chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc, là nền tảng để hình thành nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa… gắn với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Văn hóa các dân tộc ở Đông Nam bộ có thể khai thác phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa gắn với các làng dân tộc của các tộc người Chơro (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu); Mạ; S’tiêng; M’Nông; K’ho (Bình Phước, Đồng Nai); Khmer, Tà Mun (Bình Phước, Tây Ninh); Chăm (Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM); Hoa (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương)… Khai thác du lịch văn hóa dân tộc với đặc trưng nhà ở, trang phục, ẩm thực, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc. Khám phá du lịch sinh thái lịch sử (Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam, Rừng Sác, Căn cứ Dương Minh Châu). Hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan tại các khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Đầm Sen, Đại Nam…

Hệ thống di sản văn hóa với các di tích lịch sử văn hóa, nhà cổ, kiến trúc cổ, đình làng, chùa, miếu khá đa dạng tiêu biểu cho văn hóa người Việt và quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vùng Đông Nam bộ với hàng chục di cấp quốc gia đặc biệt, hàng trăm di tích lịch sử cấp quốc gia và hàng ngàn di tích cấp tỉnh, thành phố. Nhiều di tích đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng như: di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, địa đạo Củ Chi, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, Chiến khu Đ, Địa đạo Tam giác Sắt, Chiến thắng Tua Hai, Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Dương Minh Châu, tòa thánh Tây Ninh, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ, nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Lợi, nhà tù Tân Hiệp, nhà tù Bá Rá…

2.4. Du lịch MICE

TP.HCM và các trung tâm đô thị của các tỉnh là nơi có nhiều hệ thống khách sạn cao cấp có thể khai thác hoạt động du lịch MICE, tổ chức sự kiện, hôi nghị, hội thảo, triển lãm… Hạ tầng cơ sở có thể phục vụ tham quan và hoạt động du lịch MICE như: tòa nhà Lankmark 81, Khách sạn Intercontinental Saigon, Khách sạn Novotel Saigon, Eastin Grand Hotel Saigon, Khách sạn Merperle Crystal Palace, Trung tâm Hội nghị Capella Park View, Sofiel Saigon Palaza Hotel, Windsor Plaza Hotel, Gem Center, Khách sạn Pullman (Vũng Tàu), Mira Central Park Hotel (Đồng Nai), Khách sạn An Lam Retreats Saigon River (Bình Dương), Khách sạn Vipearl (Tây Ninh)…

Thông qua các loại hình du lịch, từ năm 2020-2022, các địa phương vùng Đông Nam bộ đã đón được trên 73,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó hơn 70,4 triệu khách nội địa, hơn 3 triệu khách quốc tế, tổng doanh thu đạt hơn 260 tỷ đồng3.

3. Liên kết phát triển du lịch Đông Nam bộ

Phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ là một trong 7 vùng du lịch có vai trò quan trọng trong Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn 2030. Quy hoạch phát triển ngành du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong cả nước. Đối với vùng Đông Nam bộ, việc xác định mục tiêu quy hoạch, sản phẩm du lịch, các không gian phát triển du lịch cho từng vùng trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các lợi thế so sánh về rừng, núi, biển, đảo, sông, hồ, thác… mang đặc trưng riêng có của khu vực.

Theo đó, các tỉnh, thành chủ động liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025, với sự tham gia của 6 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và TP.HCM để phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ hiện nay và trong tương lai. Các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp ở các mức độ khác nhau, đặc biệt “Tăng cường trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng. Phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc khai thác tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch, xây dựng chương trình du lịch và xúc tiến, quảng bá du lịch thống nhất”4.

4. Báo Đảng tiếp tục tăng cường tuyên truyền liên kết phát triển du lịch Đông Nam bộ

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của báo chí (trong đó có báo Đảng) là tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông qua các hoạt động kinh tế, xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá về du lịch Đông Nam bộ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo của báo chí các địa phương trong vùng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, các báo địa phương tiếp tục bám sát định hướng của Trung ương, của tỉnh (thành) và các sự kiện về du lịch ở địa phương để có kế hoạch tuyên truyền kịp thời và đúng trọng tâm.

Qua việc tuyên truyền của báo chí phản ảnh được những thành tựu, kết quả hoạt động của du lịch từng tỉnh, thành; đồng thời nêu lên những hạn chế, tồn tại trong phát triển du lịch ở các địa phương. Từ đó đề xuất những giải pháp phát triển du lịch của khu vực Đông Nam bộ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn vùng. Cần thiết, đẩy mạnh tuyên truyền đa dạng hơn nữa trên báo Đảng giúp các địa phương trong vùng quảng bá, xúc tiến truyền thông mạnh mẽ nhằm phát huy liên kết hiệu quả du lịch vùng Đông Nam bộ hiện nay và giai đoạn tiếp theo

TS Nguyễn Thị Nguyệt, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai


1 Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam có 7 vùng du lịch  gồm: trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng duyên hải Nam Trung bộ, vùng Tây nguyên, vùng Đông Nam bộ và vùng Tây Nam bộ.

2 MICE là thuật ngữ viết tắt của “Meeting Incentive Conference Event” gồm: Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Convention (hội nghị, hội thảo) và Exhibition (triển lãm). MICE hiểu đơn giản là loại hình du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, triển lãm, khen thưởng của các đơn vị, công ty, doanh nghiệp.

3 Thanh Trà (2023), “Nâng tầm phát triển cho ngành du lịch ở vùng Đông Nam Bộ ”. Truy cập ngày 31-8-2023 tại địa chỉ https://www.vietnamplus.vn/nang-tam-phat-trien-cho-nganh-du-lich-o-vung-dong-nam-bo/839197.vnp.

4 Võ Quế, “Thực trạng và giải pháp: Phát triển du lịch Đông Nam bộ”. Truy cập ngày 31-8-2023 tại địa chỉ http://vtvc.edu.vn/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-du-lich-dong-nam-bo/


 
Tin xem nhiều