I. Thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực tại việt nam
1. Nhận định chung về chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam
Theo Ngân hàng Thế giới (WB, 2020), chỉ số vốn nhân lực (HCI) của Việt Nami đã tăng từ 0,66 lên 0,69 trong 10 năm 2010-2020. Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn. Việt Nam là một trong những nước ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có điểm cao nhất về chỉ số vốn nhân lực (theo WB). Điều này phản ánh những thành tựu lớn trong giáo dục phổ thông và y tế trong những năm qua. Do đó, trong giai đoạn 2000-2017, phát triển vốn nhân lực đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng GDP bình quân đầu ngườiii.
Ngoài ra, theo Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020iii, chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam là 0,704, xếp vị trí 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990-2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng hơn 48%, từ 0,475 lên 0,704, thuộc các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Chỉ số HDI của Việt Nam năm 2019 cao hơn mức trung bình 0,689 của các quốc gia đang phát triển và dưới mức trung bình 0,753 của Nhóm Phát triển con người cao và mức trung bình 0,747 cho các quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương.
Xét một cách tổng quan, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt. Tất cả những yếu tố này đã góp phần nâng cao năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian qua. Năm 2020, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động); tính theo giá so sánh, tăng 5,4% so với năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động tăng 5,78%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2020, năng suất lao động tăng bình quân 5,07%/năm.
Năng suất lao động của các nước ASEAN (2013-2019) - ĐVT: Năng suất lao động theo GDP quy đổi PPP năm 2017 (ước tính của ILO). Nguồn: ILO (2021) |
Tuy nhiên, khi so sánh với các quốc gia trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp và chênh lệch tuyệt đối tiếp tục xu hướng gia tăng. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia; gần tương đồng với Myanmar và Lào; thấp hơn Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Malaysia cũng như Singapore. Điều này đặt ra những thách thức rất lớn cho Việt Nam trong việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, qua đó nâng cao năng suất lao động để có thể bắt kịp với mức năng suất lao động của các quốc gia trong khu vực.
Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Với hơn 50 triệu người ở độ tuổi lao động, nhưng số người từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật rất thấp, mới chiếm 40%. Cơ cấu ngành nghề cũng mất cân đối: Các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư nghiệp còn ít và chiếm tỉ trọng thấp, trong khi đó các ngành xã hội luật, kinh tế, ngoại ngữ... lại quá cao.
Đa số các doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại cho người lao động được tuyển dụng, vì thế, hàng năm các doanh nghiệp phải tiêu tốn khoảng chi phí không nhỏ cho công tác đào tạo lại.
2. Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực vùng miền Đông Nam bộ
Vùng kinh tế miền Đông Nam bộ theo phân loại của Tổng cục Thống kê bao gồm TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là vùng kinh tế có năng suất lao động và có tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn cao nhất cả nước hiện nay. Vùng miền Đông Nam bộ cũng là địa bàn động lực cho sự phát triển kinh tế của cả nước.
Theo các số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động ở vùng miền Đông Nam bộ năm 2022 là xấp xỉ 299 triệu đồng, cao hơn 18% so với năng suất lao động ở vùng Đồng bằng sông Hồng và cao hơn gấp đôi so với năng suất lao động ở các vùng kinh tế còn lại là vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Bắc bộ và duyên hải miền Trung...
Năng suất lao động của các vùng ở Việt Nam - ĐVT: triệu đồng. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của các vùng ở Việt Nam - ĐVT: % |
Số liệu về tổng sản phẩm trên địa bàn tính theo bình quân đầu người cũng cho kết quả tương tự như minh họa ở hình 3. Vùng Đông Nam bộ có kết quả cao nhất, kế tiếp là vùng đồng bằng sông Hồng.
Vùng miền Đông Nam bộ với vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, với hệ thống giao thông kết nối với các vùng trong cả nước, khu vực và quốc tế, cả về đường sông, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Vùng miền Đông Nam bộ có điều kiện và lợi thế để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như: lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản… dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế ở vùng miền Đông Nam bộ trong những năm qua có dấu hiệu chững lại, tính cạnh tranh giảm so với các vùng khác trong cả nước. Nếu xét tốc độ tăng trưởng của các chỉ tiêu năng suất lao động và GDP bình quân đầu người ở các vùng trong cả nước càng chứng minh cho nhận định trên (Xem hình 4 và 5). Trong khi các vùng đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc bộ và duyên hải miền Trung có tốc độ phát triển cao hơn, ngày càng rút ngắn về giá trị tuyệt đối ở các chỉ tiêu năng suất lao động và GDP bình quân đầu người với vùng Đông Nam bộ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người phân theo vùng và năm - ĐVT: triệu đồng. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người phân theo vùng và năm - ĐVT: % |
Do đó, các doanh nghiệp và các nhà quản lý vùng Đông Nam bộ nếu không sớm có chính sách phù hợp thì nguy cơ tụt hậu và mất động lực tăng trưởng vùng đã không còn là lời cảnh báo.
II. Đề xuất chính sách để nâng cao nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vùng Đông Nam bộ
Chính sách để nâng cao nguồn nhân lực cho doanh nghiệp mà các nhà tư vấn thường đề xuất đầu tiên là ĐÀO TẠO. Thế nhưng, đào tạo cho người lao động bắt đầu từ đâu và như thế nào lại là một vấn đề cần thảo luận. Dưới đây là các đề xuất của chúng tôi:
1. Giáo dục tinh thần kinh doanh ngay từ chương trình phổ thông
Theo chuyên gia KoBayashi Mikihiko (Công ty Brainbox Consulting) cho biết năng lực của người lao động là cấu trúc gồm 3 phần: (1) Phần bất biến thuộc về bản chất của mỗi người, không thể thay đổi. Đó là tính khí, thể chất, nhân cách của mỗi người. (2) Phần khó biến đổi như giá trị nhân sinh quan, năng lực tư duy duy, năng lực sáng tạo, năng lực hành động… (3) Phần có thể thay đổi: Đó là kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc…
Cấu trúc hình thành tính cách một người |
Khi nói đến đào tạo, chúng ta thường chỉ quan tâm đến phần dễ nhất, có thể thay đổi là đào tạo kiến thức và kỹ năng cho người lao động. Trong khi ở nước ngoài, đơn cử như trong chương trình giáo dục của Hoa Kỳ, họ đã đưa những khái niệm về kinh tế học, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng phản biện... (là những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người lao động) vào chương trình phổ thông, thậm chí ngay từ mẫu giáo như hình 7.
Chương trình học môn Kinh tế học của chương trình phổ thông THCS ở Hoa Kỳ. Nguồn: https://www.ixl.com/social-studies/economics |
Điều này dẫn đến hệ lụy, những người lao động, nhà kinh doanh, thậm chí cả các chuyên gia kinh tế vẫn không phân biệt được các khái niệm cơ bản trong kinh tế học. Chúng ta thường nghe các chuyên gia khuyên: Doanh nghiệp không phải bán những sản phẩm mình có mà phải bán những sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Trong khi khái niệm NHU CẦU (Need) và MONG MUỐN (Want) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Doanh nghiệp phải bán sản phẩm đáp ứng MONG MUỐN của khách hàng.
Thậm chí vừa rồi, một PGS-TS nguyên hiệu trưởng một trường đại học lớn đã lên báo tư vấn cho các trường đại học cách tăng doanh thuiv nhưng vẫn không phân biệt được NHU CẦU, MONG MUỐN, cũng như tính toán hiệu quả của một phương án kinh doanh!
Trong khi những khái niệm cơ bản này học sinh ở Hoa Kỳ đã được tiếp cận từ mẫu giáo!
2. Cần phân biệt vai trò của trường đại học, doanh nghiệp và đơn vị tư vấn đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp
Trước đây, hệ thống đại học của Việt Nam theo hướng đào tạo tinh hoa, nặng về lý thuyết thường không gắn với thực tiễn doanh nghiệp. Khi đổi mới, hệ thống đại học chuyển theo hướng đào tạo đại trà. Để gắn với thực tiễn, Bộ GD-ĐT yêu cầu các hội đồng trường, khoa… phải có có các thành viên từ doanh nghiệp để góp ý và cùng xây dựng chương trình đào tạo. Điều này dẫn đến hệ lụy: Vai trò tiên phong, dẫn dắt của các nhà tư vấn doanh nghiệp ở đâu khi chương trình đào tạo được xây dựng theo mong muốn của các doanh nghiệp cụ thể nào đó? Những doanh nghiệp này nếu gặp trục trặc, khó khăn trong kinh doanh, ai sẽ tư vấn cho họ?
Ở Việt Nam gần như trường đại học nào cũng có ngành Quản trị kinh doanh, nhưng nói một cách thẳng thắn, cho đến nay, Việt Nam chưa có trường đào tạo kinh doanh, hoặc trường doanh nhân đúng nghĩa. Đa số các trường trong nước hiện nay đang đào tạo đại học và cao học ngành quản trị kinh doanh theo hướng tổng hợp (General management), cung cấp kiến thức quản trị tổng quát như: marketing, nhân sự, tài chính, sản xuất, vận hành...
Kiểm tra sợi. Ảnh: Nguyễn Cao Dũng |
Các trường đại học hiện nay hiện đào tạo chạy theo số lượng là chính và những yếu kém hạn chế căn bản trong đào tạo cử nhân và thạc sĩ quản trị kinh doanh hiện nay tại Việt Nam có thể được liệt kê như sau:
• Chương trình đào tạo vẫn đang trong giai đoạn đổi mới, chưa bắt kịp các chuẩn đào tạo cơ bản của phương Tây về cả chương trình (các môn học) và nội dung các môn học.
• Nội dung giảng dạy nặng lý thuyết có xu hướng lỗi thời so với khu vực và quốc tế, hàm lượng kiến thức thực tiễn và số giờ thực hành rất hạn chế, đây có thể được coi là khiếm khuyết lớn nhất xét trên góc độ tìm kiếm việc làm, tiếp cận công việc sau khi tốt nghiệp của sinh viên.
• Giảng viên phần nhiều là tốt nghiệp trong nước, tỷ lệ giảng viên tốt nghiệp từ các nước phát triển phương Tây rất thấp và rất ít giảng viên được đào tạo về chuyên ngành quản trị và kinh doanh từ phương Tây. Hầu như không có giảng viên là các chuyên gia, doanh nhân đang kinh doanh, tư vấn trong thực tiễn.
• Công tác thực tập cuối kỳ, cuối khóa chỉ mang tính hình thức do hạn chế liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, kết quả là hầu như sinh viên không có điều kiện tiếp cận thực tiễn.
Ra lò. Ảnh: Nguyễn Thành Phương |
Từ những phân tích trên có thể thấy, mối quan hệ giữa trường đại học - doanh nghiệp - đơn vị tư vấn đào tạo cho doanh nghiệp có chức năng chồng chéo và không hỗ trợ nhau. Trường đại học không còn là đơn vị tiên phong trong học thuật và nghiên cứu về doanh nghiệp mà đi sâu vào đào tạo theo mong muốn của một doanh nghiệp cụ thể. Trong khi doanh nghiệp, sau khi tuyển dụng phải đào tạo lại người lao động theo yêu cầu của đơn vị mình. Khi thực hiện đào tạo lại, các doanh nghiệp không có kế hoạch và mục tiêu cụ thể. Các đơn vị tư vấn, đào tạo chỉ biết tổ chức các khóa học theo yêu cầu của doanh nghiệp, chưa gắn với mục tiêu tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.
Các hạn chế căn bản trên là những nguyên nhân chính hạn chế khả năng tìm việc của sinh viên, cũng như than phiền của doanh nghiệp về khó khăn trong tuyển dụng và phải đào tạo lại khi tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp.
3. Thành lập Học viện Tư vấn đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp
Từ những bất cập trên, chúng tôi đề xuất sớm hình thành hệ thống Học viện Doanh nhân trong cả nước, trước mắt là ở TP.HCM.
Một điểm khác biệt cơ bản của mô hình đào tạo ở Học viện Doanh nhân (khái niệm Học viện Doanh nhân và Trường Doanh nhân trong bài viết này là đồng nhất) là giảm lượng kiến thức cơ bản, lý thuyết tổng quát hay còn gọi là kiến thức “Nền” trên giảng đường, thay bằng việc yêu cầu người học tự nghiên cứu, chú trọng kiến thức và kỹ năng mềm mà một nhà quản trị doanh nghiệp cần có (Gianluigi C., 2013, Business education goes Softs). Học viện là cầu nối giữa trường đại học với doanh nghiệp.
Nội dung giảng dạy của học viện được thiết kế tăng tính thực tiễn thông qua các tình huống giả định gần thực tiễn. Đội ngũ giảng dạy được bổ sung các giảng viên đồng thời là các nhà tư vấn doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khởi nghiệp trẻ thành công, tham gia công tác đào tạo thường xuyên. Các hội đồng chuyên môn và khoa học được mở rộng cho các doanh nhân, nhà tư vấn tham gia với tư cách bán chính thức và chính thức. Giảng viên giảng dạy các lớp MBA không yêu cầu bắt buộc có bằng tiến sĩ nếu giảng viên là doanh nhân, hoặc nhà tư vấn đã thực hiện các dịch vụ tư vấn doanh nghiệp có giá trị và được hội đồng khoa học của nhà trường chấp nhận. Các giảng viên kiêm doanh nhân/nhà tư vấn này được chú trọng tập trung giảng dạy các môn chuyên ngành, yêu cầu độ am hiểu và trải nghiệm thực tiễn cao. (Trường kinh doanh ESCP Europe là một ví dụ). Trường doanh nhân có xu hướng không chỉ dừng ở đào tạo nhà quản lý như trường kinh doanh, mà còn định hướng tinh thần doanh nhân, trang bị kỹ năng doanh nhân, bí quyết (theo kinh nghiệm) cho doanh nhân - Đào tạo nhà quản trị doanh nghiệp.
Đào tạo theo nhu cầu thiết yếu của cộng đồng doanh nghiệp: Các doanh nghiệp lớn hoặc chuyên ngành trong các hiệp hội doanh nghiệp, được mời tham gia là cổ đông, hội đồng cố vấn, hội đồng khoa học và chuyên môn của trường. Thông qua các sinh hoạt thường niên trên nhiều giác độ khác nhau, trường luôn có các kênh thông tin tốt từ các hiệp hội nhằm xác định các nhu cầu đào tạo chính yếu của các doanh nghiệp lớn, không chỉ về số lượng, chất lượng mà còn về các lọai hình chuyên môn kiến thức mới mà doanh nghiệp đang cần. Việc đào tạo của học viện gắn liền với công tác tư vấn, cải tiến đổi mới sáng tạp và nâng cao năng suất chất lượng.
Đào tạo tinh hoa: Học viện Doanh nhân không chỉ đào tạo kỹ năng, kiến thức quản trị cho người lao động mà còn tham gia đào tạo đại học, sau đại học. Một số ít các sinh viên thạc sĩ có kết quả học tập tốt, có khả năng, năng khiếu và ước muốn nghiên cứu giảng dạy, sẽ được lựa chọn kỹ càng tham gia chương trình thạc sĩ nghiên cứu và tiến đến đào tạo tiến sĩ. Hầu hết các tiến sĩ này được giữ lại trường tham gia giảng dạy, tư vấn cho các doanh nghiệp, nghiên cứu tại các trung tâm của trường.
Làm chủ công nghiệp. Ảnh: Lê Hữu Thiết |
Đầu tư trong nghiên cứu các ngành/lĩnh vực mới: thể hiện bằng các trung tâm nghiên cứu chuyên ngành sâu và mới. Các trường kinh doanh đều có xu hướng lập các trung tâm nghiên cứu nhằm nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Liên kết doanh nghiệp và nhà trường: Thông qua các thành viên trong hội đồng tư vấn, hội đồng khoa học, hội đồng chuyên môn…, học viện luôn nắm bắt các nhu cầu rất cụ thể của doanh nghiệp trong kinh doanh thực tiễn. Do vậy, học viên có xu hướng liên kết, không chỉ trong đào tạo, tư vấn mà còn liên kết tham gia đầu tư chung. Sinh viên nhà trường được hưởng lợi bằng việc tham gia các dự án thực tiễn này cùng các giảng viên chuyên gia và các doanh nhân. Đây là môi trường hoàn hảo cho sinh viên thực hành và trưởng thành - “Thành Nghề” ngay khi tốt nghiệp.
Mới đây, trong dịp tham quan mô hình hỗ trợ doanh nghiệp tại Nhật Bản, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT đã tham quan mô hình Học viện Doanh nhân và đề xuất áp dụng tại Việt Nam. Theo đó, mỗi giảng viên của học viên không chỉ là một giảng viên, mà còn là một tư vấn viên (Shindanshi) đồng hành để chẩn đoán và tư vấn cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và cải tiến năng suất.
III. Kết luận:
Qua các thảo luận nêu trên, có thể thấy để nâng cao chất lượng lực lượng lao động thì người lao động cần được đào tạo chuyên biệt và môi trường trường kinh doanh là một mô hình phù hợp. Cần nhanh chóng thành lập trường kinh doanh tại TP.HCM, trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng quản lý tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại TP.HCM và vùng miền Đông Nam bộ, việc thành lập trường đào tạo doanh nhân cho giới quản lý doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh là nhu cầu cần thiết và cấp bách
TS Nguyễn Tấn Bình, giảng viên cao cấp Đại học Andrews Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
TS Nguyễn Trần Huy, Viện phó Viện Khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp/Leadman
TS Lê Quốc Thành, Đại học Tài chính - marketing
i. Chỉ số vốn nhân lực năm 2020 (Human Capital Index 2020) của WB bao gồm dữ liệu đến tháng 3-2020 về sức khỏe và giáo dục của 174 quốc gia, chiếm 98% tổng dân số thế giới, cung cấp đường cơ sở tình hình sức khỏe và giáo dục trẻ em.
ii. Ngân hàng Thế giới (2020), “Việt Nam Năng động tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao”, Chương trình đối tác chiến lược Australia - Nhóm WB: “Việt Nam 2035: Từ chiến lược đến hành động”.
iii. Với tiêu đề “Giới tuyến tiếp theo: Phát triển con người trong kỷ nguyên con người tác động lên khí hậu và môi trường” do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ KH-ĐT công bố ngày 16-12-2020 tại Hà Nội. Nguyễn Thúy Quỳnh (tháng 10-2021) Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam (https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM212408#ID328A)
iV. https://vietnamnet.vn/giao-duc-dai-hoc-sieu-loi-nhuan-hoc-phi-la-mo-hoi-nuoc-mat-cua-nguoi-dan-2175884.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin